Thì ra, hình mẫu đồng phục truyền thống của học sinh qua nhiều thế hệ là quần xanh áo trắng có vẻ đã “xưa rồi diễm ơi” trong con mắt các ban giám hiệu ưa... cách tân hình thức.
Họ đã “kết hợp” với các nhà thiết kế thời trang, nghiên cứu cho ra “style” quần áo cho riêng học sinh trường mình, dứt khoát không thể lẫn với học sinh trường khác dù đã có bảng tên rành rành trên ngực áo.
Nhìn chung, chỉ là những “cải tiến” vặt vãnh như: thêm hoặc đổi một chút về màu sắc, thay một vài chi tiết trên cổ áo và nút áo (có viền đăng ten)... Có thể gọi đó là những thay đổi nhỏ, nhưng lại có ảnh hưởng lớn đến túi tiền của nhiều phụ huynh nghèo. Họ buộc phải may mới cho đúng yêu cầu của nhà trường trong khi bộ đồ năm trước có thể dùng tiếp tục. Còn nếu mua của nhà trường thì tình trạng cũng không khá hơn: vải chất lượng kém, giá tiền khá cao. Khổ sở hơn là những cái áo in bảng tên và logo của trường. Anh (chị) không thể dùng lại hoặc “chuyển nhượng” cho em dù nó còn khá mới.
Không dừng lại ở đồng phục, có trường còn đi xa hơn bằng việc yêu cầu học sinh mua vở có in logo của nhà trường để tạo “bản sắc” riêng. Nhân đó, giáo viên chủ nhiệm cũng yêu cầu học sinh dùng “đồng học cụ” cho “đồng bộ”. Vậy là học sinh phải mua những vật dụng học tập như bao bìa, nhãn tên, bút, thước kẻ, com pa cùng một “nguồn”.
Những nhà giáo đã quên rằng mỗi cá nhân học sinh đều có những sở thích riêng, những cảm nhận riêng với từng sự vật hiện tượng. Sự tự do lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, kích cỡ của đồ dùng học tập là quyền của các em. Hơn nữa, đồ dùng học tập mà các em yêu thích sẽ tạo tâm lý thoải mái và hưng phấn trong quá trình học tập.
Thật khiên cưỡng nếu nói đồng phục tô thêm “màu cờ sắc áo” của một trường vì quần áo là hình thức, còn “màu cờ sắc áo” là ẩn dụ chỉ truyền thống, chất lượng và thành tích của một đơn vị. Đã có không ít trường mà học sinh chỉ với quần xanh áo trắng bình thường, có “hoa văn” này “họa tiết” nọ trên áo đâu mà vẫn ghi tên mình vào top đầu của các kỳ thi đại học, học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và cả quốc tế. Dư luận mong muốn nhà trường không nên quá chăm chút hình thức để làm khó làm khổ phụ huynh. Vì ở bất cứ nơi đâu vẫn còn những người cha lam lũ, những người mẹ nghèo khó.
Khi xã hội không đồng tình, phụ huynh không đồng lòng mà các trường vẫn kiên quyết “sáng tạo” đồng phục riêng cho trường mình thì một là trường ấy đang thể hiện “quyền lực mềm”, hai là khoản lợi nhuận từ các cơ sở cung cấp vải vóc và may mặc dành cho họ là quá lớn.
Trần Cao Duyên
>> Phải có sự thống nhất của phụ huynh về đồng phục
>> Khổ vì đồng phục - Kỳ 3: Đơn giản để giảm nhẹ gánh nặng
>> Khổ vì đồng phục - Kỳ 2: Hạn chế sự sáng tạo của học sinh
>> Khổ vì đồng phục
>> Hỗn loạn vì mua đồng phục
Bình luận (0)