Động thái chứng khoán

18/12/2007 00:41 GMT+7

Ngày 4.12 - sau một ngày có thông tin Vietcombank (VCB) đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) vào 26.12.2007 - chỉ số giá chứng khoán ở sàn TP.HCM (VN-Index) còn ở mức 988,91 điểm, thì đến ngày 17.12 chỉ còn 911,2 điểm, thấp xa so với 950 điểm mà nhiều dự đoán trước đó đã cho là "đáy" của đợt điều chỉnh này.

Tính chung 9 phiên vừa qua, VN-Index đã giảm tới 77,71 điểm, tức giảm 7,86%. Tại sàn Hà Nội, chỉ số Hastc-Index ngày 4.12 còn ở mức 349,44 điểm, thì ngày 17.12 chỉ còn 318,4 điểm - tính chung 9 phiên đã giảm tới 31,04 điểm, tức giảm 8,88%! Cùng với sự sụt giảm của giá chứng khoán là sự sụt giảm mạnh của khối lượng và giá trị giao dịch.

Diễn biến trên thị trường chứng khoán mấy ngày qua có ba điểm đáng lưu ý :

Thứ nhất, các năm trước chỉ số giá chứng khoán thường tăng vào cuối năm. Như cuối năm 2006, VN- Index đạt 751 điểm, tăng 477 điểm so với mức 304 điểm vào đầu năm và  tăng 352 điểm so với mức đáy 399 điểm vào ngày 2.8.2006. Năm nay, VN - Index hiện 911,2 điểm, chỉ tăng 160 điểm so với mức 751 điểm đầu năm, chỉ tăng 33 điểm so với mức "đáy" 878 điểm vào ngày 12.8. Cuối năm ngoái, so với đỉnh cao 632 điểm mà giữa năm đạt được đã tăng 119 điểm; năm nay lại giảm 264 điểm so với đỉnh cao 1.175 điểm đạt vào ngày 12.3.2007.

Thứ hai, chỉ số giá chứng khoán xuống khi có thông tin các quỹ đầu tư nước ngoài hiện đang có 3 - 4 tỉ USD đầu tư gián tiếp đang chờ giải ngân, cùng những thông tin về lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lượng kiều hối, chi tiêu của khách du lịch... đang đổ dồn vào Việt Nam với những kỷ lục mới, nhưng lượng vốn mua chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua vừa giảm mạnh so với trước đây, vừa thấp hơn lượng bán ra.

Thứ ba, VCB chuẩn bị IPO vào ngày 26.12, với mức giá khởi điểm là 10 chấm, trong khi nhiều nhà đầu tư cho rằng mức giá trúng thầu bình quân có thể lên đến 12 -13 chấm, thậm chí còn vượt mức giá đang niêm yết của ACB để đạt trên 17 chấm.

Vậy các yếu tố gì đã làm cho chỉ số giá chứng khoán xuống mạnh như vậy? Có thể có 4 yếu tố tác động:

Một, chỉ còn hơn mươi phiên giao dịch nữa là đến thời điểm 31.12, thời hạn cuối phải đưa tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán về dưới 3% tổng dư nợ tín dụng theo Chỉ thị 03 của Ngân hàng Nhà nước, trong khi còn nhiều ngân hàng thương mại cổ phần có tỷ lệ cho vay đầu tư chứng khoán chiếm trên 3% tổng dư nợ tín dụng. Mặc dù nhiều ngân hàng thương mại cổ phần thời gian qua đã hạ thấp lãi suất cho vay, nới lỏng điều kiện cho vay đầu tư vào các kênh khác (như cho vay bất động sản, cho vay tiêu dùng...) để tăng tổng dư nợ, nhằm giảm tỷ trọng dư nợ cho vay chứng khoán trong tổng dư nợ, nhưng do có nhiều hợp đồng vay đầu tư chứng khoán kỳ hạn trên 6 tháng được ký từ trước khi Chỉ thị 03 được ban hành (tháng 6.2007). Nói cách khác, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán đang phải chảy ngược lại các ngân hàng thương mại. Trong khi không ít nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đã phụ thuộc lớn vào nguồn vốn vay từ ngân hàng, nay phải bán đi để vừa cắt lỗ, vừa trả nợ vay ngân hàng.

Hai, trong khi chỉ số giá trên thị trường chứng khoán giảm, thì một số kênh đầu tư khác đang có sức hấp dẫn, nhất là kênh đầu tư vào bất động sản; chỉ số giá tiêu dùng cao cũng hút một số tiền không nhỏ vào tiêu dùng.

Ba, do IPO của VCB, nên  sẽ có hai xu hướng tác động. Các nhà đầu tư giảm mạnh việc mua vào để dành vốn tham gia đấu giá cổ phiếu VCB. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng giảm mạnh mua vào để kiềm giá trên thị trường chính thức, nhất là cổ phiếu của các ngân hàng đã niêm yết, để kiềm giá đấu cổ phiếu VCB ở mức thấp có lợi cho họ. Có thể dự đoán, 911 điểm của VN-Index và 318 điểm của Hastc-Index chưa phải là "đáy", mà có thể thấp hơn nữa (theo dự đoán có thể giảm tương ứng còn dưới 900 điểm, thậm chí dưới 878 điểm và dưới 300 điểm, thậm chí dưới 250 điểm). Nhiều khả năng sau Tết Dương lịch mới tăng nhẹ và sau Tết m lịch mới tăng cao.

Bốn, trong khi "cầu" giảm, thì "cung" lại tăng mạnh. Các công ty niêm yết trên sàn hay trên thị trường OTC lại dồn dập tung ra thị trường một lượng hàng lớn; rồi việc phát hành cổ phần thưởng, phát hành thêm, chia cổ tức...

Từ diễn biến trên, có thể sẽ có 3 xu hướng. Một mặt đã gần đến lúc những nhà đầu tư dài hạn, đặc biệt là nhà đầu tư “lướt sóng” đẩy mạnh mua vào, vì chỉ số giá chứng khoán đã ở mức thấp. Mặt khác, giá đấu bình quân của cổ phiếu VCB sẽ không cao hơn nhiều so với mức khởi điểm (theo dự đoán chỉ vào khoảng 110-120 nghìn đồng/cổ phiếu), nhưng sau Tết Nguyên đán sẽ tăng mạnh. Mặt khác nữa là giá cổ phiếu của "họ" nhà ngân hàng thương mại sẽ tăng.

Ngọc Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.