Đông Thảo giang ký sự

27/12/2011 10:07 GMT+7

(TNTS) Tỉnh Long An có hai dòng sông thơ mộng là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cả hai dòng sông nước xanh biêng biếc quanh năm, đẹp và êm ả như thơ. Đông Thảo giang tức là Vàm Cỏ Đông, con sông nằm ở hướng mặt trời mọc, chảy qua dưới cầu Bến Lức vậy.

(TNTS) Tỉnh Long An có hai dòng sông thơ mộng là Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Cả hai dòng sông nước xanh biêng biếc quanh năm, đẹp và êm ả như thơ. Đông Thảo giang tức là Vàm Cỏ Đông, con sông nằm ở hướng mặt trời mọc, chảy qua dưới cầu Bến Lức vậy.

Có một nhà nho tây bị đau cột sống, nằm trong bệnh viện đọc thấy thông tin một cô gái trẻ chết trên dòng sông này, bèn nổi lòng thương xót. Tức cảnh sinh tình… nghi nên có thơ rằng:

Đông Thảo giang thủy thượng
Chư quân ẩm khí tửu
Ẩm hậu dục tẩy thân
Tử nhân thành đại sư

Tạm dịch:

Trên sông Vàm Cỏ Đông
Quý ông uống bia bọt
Uống xong muốn tắm sông
Chết người thành việc lớn

Xưa nay, bọn hào sĩ giang hồ trong bạch đạo hay hắc đạo, làm việc gì dù lớn dù nhỏ, cũng phải coi ngày. Lãng mạn và liều mạng như chàng Lệnh Hồ Xung mà trước khi lên làm chưởng môn phái Hằng Sơn cai trị một bầy phụ nữ cũng coi ngày coi giờ đàng hoàng. Kiêu dũng và cao cường như lão Nhậm Ngã Hành - giáo chủ Nhật Nguyệt giáo, lên đỉnh Hoa Sơn định tóm thu các phái nhất thống giang hồ mà không coi ngày nên đã bị tai biến mạch máu não, chết ngay trên ghế ngồi. Ngây thơ và thuần hậu như chàng Trương Vô Kỵ cũng phải coi ngày chọn ngày rằm tháng Tám cát nhật hoàng đạo mới dám tổ chức đại hội dựng cờ của Minh giáo tại Hoài Bắc. Sách sử xưa nói chuyện coi ngày, chọn giờ há đâu phải là chuyện cà rỡn?

 
Minh họa: DAD

Trong niềm tin của dân gian ta, việc coi ngày lấy giờ cũng được xem trọng. Mở đất làm nhà phải coi ngày. Cưới hỏi phải coi ngày. Tống táng người chết cũng coi ngày. Khai trương cửa hàng cũng coi ngày. Việc coi ngày là để người sống an tâm mà tiến hành mọi hoạt động theo đúng trình tự thời gian. Nó có cái hay của nó bởi ít ra cũng tạo cho con người một niềm tin.

Nhậu nhẹt bia bọt là một chuyện nghiêm túc. Nhậu trên sông là chuyện đại nghiêm túc. Nhậu trên sông mà có tiểu mỹ nhân lại là chuyện cực kỳ đại nghiêm túc. Nhậu trên sông có tiểu mỹ nhân phục vụ, hầu chuyện các vị viện trưởng, viện phó gì gì đó lại là chuyện siêu cực kỳ đại nghiêm túc. Nói theo ngôn ngữ tiểu thuyết võ hiệp, viện trưởng viện phó như con thần long, thấy đầu mà chẳng thấy đuôi. Dễ gì được ngồi nhậu với lãnh đạo viện và cười đùa thoải mái, các cha? Bần đạo năm nay sáu mươi ba tuổi, làm báo ba chục năm, qua lại giang hồ đã nhiều mà chưa được hân hạnh cùng ngồi nhậu với viện trưởng, viện phó trên sông bao giờ.

Than ôi, một chuyện siêu cực kỳ đại nghiêm túc như vậy mà ban tổ chức cuộc nhậu lại quên coi ngày coi giờ để đến nỗi tai nạn thương tâm xảy ra, làm chết một phụ nữ trẻ. Bần đạo xủ quẻ coi thử thì ngày 20 tháng tám dương lịch vừa qua nhằm vào ngày 14 tháng bảy âm lịch. Tháng bảy âm lịch thuộc tháng Bính Thân, ngày 14 tháng bảy âm lịch thuộc ngày Mậu Thân. Cuộc nhậu lại được tổ chức sau 8 giờ, rơi vào giờ Tỵ. Đã ngày Thân, tháng Thân mà lại nhằm vào giờ Tỵ nữa nên ngày giờ đại xung khắc, mới có tai nạn xảy ra.

Thông tin cho biết trên phà có sáu vị đàn ông khách quý, năm cô gái trong đó có hai cô mười tám tuổi. Sáu vị đàn ông đều xuống sông tắm chung với bốn cô gái. “Hỡi ai đi tắm một mình? Cho ta tắm với hai mình cho vui” - một bài ca cải lương do danh hài Hề Minh trước đây đã từng hát như vậy. Nhưng sáu ông tắm với bốn cô thì e cũng hơi thiêu thiếu làm sao đó. Thông tin ban đầu cho biết nạn nhân KP không biết bơi nên không dám tắm nhưng đã bị một đại gia kéo xuống sông. Thông tin của cơ quan chức năng xác nhận nạn nhân KP không bị kéo xuống sông mà trượt chân té xuống sông. Tuy nhiên, thông tin sau không cắt nghĩa được tại sao cái lan can phà cao như vậy mà nạn nhân vẫn té được.

Thông tin của cơ quan chức năng cũng cho biết ông viện trưởng gì gì đó là một người rất đạo đức, có thể được tặng huy chương “Tiết hạnh khả phong”. Bằng chứng là ông “Thấy khó chịu” khi có sự hiện diện của năm cô gái trong tiệc nhậu và trong lúc tắm sông. Tuy nhiên, dù thấy khó chịu nhưng ông vẫn nhậu, vẫn tắm là một điều hơi lạ. Ông này khác bần đạo xa. Hễ bần đạo thấy khó chịu trước bất kỳ một sự việc, một con người nào thì bỏ về ngay, không nhậu, không tắm dù chỉ tắm trong phòng tắm!

Thông tin khá mù mờ khiến một nơi nổi tiếng tinh minh mẫn cán là viện kiểm sát cấp tỉnh cũng không “nắm” được. Bằng chứng là khi nhà báo hỏi ông viện phó có biết trong năm cô gái có hai cô là tiếp viên quán bia ôm cực kỳ lành mạnh và vô cùng đạo đức trong huyện ta hay không, ông đáp: “Quán bia nào? Làm gì có?”.

Như bần đạo từng viết trên Thanh Niên tuần san, những danh sĩ ngày xưa trong bước đường phiêu dạt, cũng từng sống và làm bạn với các kỹ nữ. Kỹ nữ là người, cũng có phẩm giá làm người; chẳng qua cuộc đời của họ gặp lúc phong trần, phải chịu như vậy. Lý Bạch từng uống rượu ôm với kỹ nữ vùng Đông Ngô mà ông gọi là Ngô cơ:

Phong xuy mãn điếm liễu hoa hương
Ngô cơ áp tửu, khuyến khách thường

(Gió đưa hương liễu đầy nhà
Gái Ngô rót rượu thiết tha ép nài)

Bạch Cư Dị cũng say mê một kỹ nữ có ngón đàn tỳ bà tuyệt vời trên bến Tầm Dương đến nỗi ghé thuyền lại, năn nỉ cả vạn lần cô gái mới cầm đàn bước ra:

Thiên hô vạn hoán thỉ xuất lai
Do bão tỳ bà bán già diện

(Năn nỉ vạn lần mới bước ra
Còn ôm tỳ bà che nửa mặt)

Ông viện trưởng và viện phó gì gì đó uống bia có các bạn gái trẻ cùng ngồi tâm sự, cơ bản chỉ là vui chơi lành mạnh theo phong cách của Lý Bạch, Bạch Cư Dị ngày xưa mà thôi. Đó là cái thú chơi tao nhã của nhà nho… tây. Dù sông Vàm Cỏ Đông không có hương hoa liễu, cũng chẳng có cung đàn tỳ bà nhưng nói chung cách chơi như vậy cũng thể hiện phong thái khá văn hóa văn nghệ. Tuy nhiên, việc rủ nhau tắm thì hình như không văn hóa lắm thì phải.

Bởi phụ nữ muốn tắm, phải có đồ tắm. Muốn có đồ tắm, người tổ chức phải dặn mang đồ tắm trước. Không một phụ nữ nào mặc quần jeans, áo pull hay váy xòe, váy ngắn mà nhảy xuống sông tắm được. Tắm như vậy là trật bàn đạp, thà không tắm còn sướng hơn. Các cô gái nhất thiết phải thay đồ tắm trên phà. Bởi các bằng chứng trên, tôi đồ chừng là hôm ấy ông viện trưởng cũng biết là có các cô gái cùng tắm rồi. Cho nên, khi ông nói với cơ quan chức năng rằng “Thấy khó chịu”, tôi cho là không trung thực.

Chỉ thương thay cho cô gái không biết bơi, không muốn tắm, còn mặc nguyên quần áo mà phải chết trên sông Vàm Cỏ Đông. Đó là một vụ án hay một tai nạn thì dư luận gần xa tha hồ bàn tán. Tuy nhiên, khi tất cả những người còn sống đều khai nạn nhân KP trượt chân té xuống sông thì biên bản của cơ quan chức năng phải ghi nhận như vậy. Tiểu thuyết võ hiệp nói “Chúng khẩu đồng từ, ông sư cũng chết” e rằng có thật chứ chẳng phải nói chơi. Còn cái chuyện tại sao sáu người đàn ông mà không cứu được một cô gái té sông thì cũng là một chuyện hiếm trên đời.

Vũ Đức Sao Biển

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.