Không ngừng cải thiện môi trường đầu tư
Bên cạnh nhiều lợi thế của "đất sen hồng", môi trường đầu tư của Đồng Tháp không ngừng được cải thiện. Chính quyền từ cấp tỉnh đến cơ sở luôn thực hiện nhất quán chủ trương "đồng hành cùng doanh nghiệp". Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đồng Tháp tiếp tục giữ vững với chuỗi 16 năm liền xếp trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành xuất sắc nhất cả nước. Đồng Tháp có tiềm năng từ các giá trị bản địa lớn, dư địa để phát triển các ngành hàng còn rất phong phú, nguồn nhân lực có khả năng đáp ứng thị trường ở mức khá… Những vấn đề mới như chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo… cũng được xem là nội dung tạo ra sự khác biệt, bứt phá của Đồng Tháp.
Nếu như trước đây Đồng Tháp được xem là tỉnh "khuất nẻo", ít người biết đến thì hiện nay hạ tầng giao thông đang dần hoàn thiện với nhiều lợi thế cạnh tranh. Tuyến cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (giai đoạn 1) qua địa bàn tỉnh dần hình thành, rút ngắn thời gian di chuyển đến TP.HCM. Đồng thời, tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (giai đoạn 1) dự kiến khởi công vào tháng 12.2025; Dự án nâng cấp kênh Mương Khai Đốc Phủ Hiền - tuyến đường thủy quan trọng kết nối và rút ngắn khoảng cách từ sông Tiền đến sông Hậu - đang chuẩn bị đầu tư. Riêng dự án hạ tầng giao thông đường bộ khu vực Nam sông Tiền đang chuẩn bị đầu tư. Cùng với các dự án giao thông nêu trên, trong năm 2024, tỉnh đã thi công hoàn thành, đưa vào sử dụng 16/23 công trình giao thông trọng điểm, giúp hạ tầng giao thông cải thiện, tạo động lực cho phát triển kinh tế.
Để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư và sớm triển khai xây dựng nhà máy sản xuất kinh doanh, Đồng Tháp đã hoàn thành hạ tầng KCB Tân Kiều (H.Tháp Mười); Cụm công nghiệp Tân Lập (H.Châu Thành). Tỉnh cũng đã triển khai dự án hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp giai đoạn 3; cụm công nghiệp Quảng Khánh giai đoạn 1 và 2; dự án đầu tư xây dựng hạ tầng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước và Cửa khẩu Mộc Rá thuộc Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Tháp. Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp Sông Hậu 2; lập đề cương nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu công nghiệp Hòa Tân, lập nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng KCN Cao Lãnh…
Kinh tế có nhiều khởi sắc
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, năm 2024, Đồng Tháp đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) 6,44%; GRDP bình quân đầu người đạt 77,55 triệu đồng (tương đương 3.258 USD) duy trì sự phát triển ổn định. Môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, tiềm năng, thế mạnh nội tại tiếp tục được phát huy. Số doanh nghiệp thành lập mới và tái hoạt động đạt kế hoạch, vốn đăng ký doanh nghiệp thành lập mới tăng 21% so với cùng kỳ.
Công tác tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án đầu tư dần phát huy hiệu quả đáng kể, thu hút vốn đầu tư đăng ký mới hơn 5.400 tỉ đồng. Nhiều ngành, lĩnh vực ghi nhận sự bứt phá, tiêu biểu nhất là xuất khẩu hàng hóa, xuất nhập khẩu biên mậu, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch… phát triển rất khởi sắc so với năm 2023. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Đồng Tháp ước đạt 1,85 tỉ USD, tăng gần 42,3% so với năm 2023, đạt hơn 132% kế hoạch. Tổng thu ngân sách ước đạt 9.675 tỉ đồng, tăng 15,9% so với năm 2023.
Từ kết quả đạt được trong năm 2024, Đồng Tháp tiếp tục đề ra giải pháp thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) phấn đấu đạt 7,5%; đến cuối năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 85,14 triệu đồng, thu ngân sách đạt 10.101 tỉ đồng.
Bình luận (0)