|
Chỉ “ủng hộ” người có tiền
Theo PGS-TS Nguyễn Tác Anh, Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ thông tin TP.HCM, mâu thuẫn của trường xảy ra cách đây 3 năm là một bài học xương máu. Chỉ trong vòng 2 ngày, 2 cá nhân đã bỏ vào trường đến 140 tỉ đồng nhằm mục đích “nắm” trường. Mâu thuẫn bùng phát gay gắt giữa đội ngũ cán bộ, công nhân viên trong trường và những người góp vốn. Hội đồng quản trị phải tổ chức ngay đại hội cổ đông để giải quyết. Sau đó, các cá nhân này cũng rút khỏi trường.
Cũng theo ông Anh, trường ĐH là tổ chức đặc biệt, không thể coi là doanh nghiệp. Người bỏ vốn vào giáo dục là giúp cho xã hội chứ không phải lấy lời. Trường phi lợi nhuận và vì lợi nhuận cũng cần được quy định và có ranh giới rõ ràng. Quyền quyết định trong trường học cũng nên là của hội đồng giáo sư và chuyên gia chứ không phải người có tiền.
Quy định hiện nay hầu như đưa 2 loại này về hình thức vì lợi nhuận hết. Trong khi có tập thể nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết muốn mở trường tư phi lợi nhuận nhưng không được mở |
||
GS Trần Hồng Quân |
||
Theo nhiều chuyên gia, vụ việc tại Trường ĐH Hùng Vương (TP.HCM) cũng bắt nguồn từ bất cập của các quy định. Theo ông Nguyễn Đăng Dờn, nguyên Hiệu trưởng tạm quyền Trường ĐH Hùng Vương, hiện nay Quyết định 61, 63 của Thủ tướng Chính phủ đang “mở đường” cho các nhà đầu tư nhảy vào chi phối trường ĐH. Các quyết định này đặt vai trò của nhà đầu tư quá lớn mà vai trò của người sáng lập, cán bộ, công nhân viên… trong trường chỉ là người làm thuê. Điều này không đúng với bản chất của giáo dục.
“Trường ĐH Hùng Vương thành lập từ năm 1995, trải qua cả quá trình phát triển lâu dài với sự chung tay xây dựng của hàng ngàn người, nhưng nhà đầu tư chỉ cần bỏ vào vài chục tỉ, chi phối hết tất cả là rất vô lý. Điều đáng nói là họ lại được các văn bản pháp lý đứng đằng sau ủng hộ”, ông Dờn nói.
Phải tính các giá trị khác ngoài tiền
Theo GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập, công ty kinh doanh và trường học khác nhau về mục đích và chức năng nên không thể xem trường học như một doanh nghiệp được. Vì vậy, có 2 điều cần phải thay đổi trong các quy định phát triển trường tư.
Thứ nhất, phải có quy định rõ ràng trường lợi nhuận và phi lợi nhuận. “Tôi không đánh giá vị lợi nhuận là không tốt vì loại hình này có vai trò riêng của nó. Nhưng quản lý 2 loại trường này hoàn toàn khác nhau. Quy định hiện nay hầu như đưa 2 loại này về hình thức vì lợi nhuận hết. Trong khi có tập thể nhà khoa học, nhà giáo tâm huyết muốn mở trường tư phi lợi nhuận nhưng không được mở”, ông Quân khẳng định.
Thứ hai, theo ông Quân, luật quy định khi có người góp vốn bằng tiền mới được tính, trong khi các giá trị trừu tượng (bí quyết công nghệ, phương pháp giảng dạy tốt, công xây dựng trường, thương hiệu cá nhân tạo ra vị thế nhà trường…) đều không được tính là vốn. Những giá trị này phải được coi là vốn, thậm chí là vốn rất quý, quý hơn cả vốn bằng tiền. Đội ngũ này chỉ được làm thuê thôi thì không được. Họ phải là chủ thể, quyết định đường hướng của nhà trường. Luật phải “nâng” họ lên. Lượng hóa số vốn này là việc khó nhưng không phải không làm được. “Làm được điều này, quy chế dành cho trường tư sẽ không mang hình thức là quy chế như doanh nghiệp nữa”, ông Quân nói.
Trong một nghiên cứu đăng trên website của Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), tiến sĩ Trần Thị Thu Hà và tiến sĩ Trần Thị Thu Vân (Trường ĐH Hòa Bình) chỉ rõ sự bất cập của các quy định giáo dục: “Quy chế bao trùm hoạt động của ĐH tư thục hiện nay vẫn là quy chế tổ chức và hoạt động của một doanh nghiệp, thậm chí, vì được “khoác” cái áo của công ty cổ phần, ĐH tư thục còn thuộc loại doanh nghiệp “lấy kinh doanh làm hoạt động chính”. “Chiếc áo khoác” công ty cổ phần này là loại hình chung duy nhất áp dụng cho tất cả các trường ĐH tư thục. Dù muốn hay không, tất cả các ĐH tư thục hiện nay đều bắt buộc phải vận hành theo mô hình của một công ty vì mục tiêu lợi nhuận mà không có sự lựa chọn nào khác”. Qua đó, hai tác giả đề xuất: “Ngoài việc công nhận hai mô hình ĐH tư thục, cũng cần thể hiện rõ thái độ của Nhà nước đối với mỗi mô hình. Thái độ đó cần được thể hiện bằng chính sách cụ thể qua từng điều luật. Nếu Nhà nước muốn khuyến khích phát triển mô hình ĐH tư thục phi lợi nhuận, luật phải có những chính sách về thuế, chế độ tài chính… cho mô hình này. Ngược lại, nếu muốn khuyến khích sự phát triển của ĐH vì mục tiêu lợi nhuận, cần có cơ chế quản lý thích hợp để giám sát được chất lượng của mô hình đó, hạn chế những tác động tiêu cực của yếu tố thị trường vào hoạt động của trường ĐH”.
Cố tình hiểu sai ? Hiệu trưởng một trường ĐH dân lập tại TP.HCM cho biết những bất ổn của trường tư, việc chuyển đổi bất thành từ loại hình dân lập sang tư thục còn vì một nguyên nhân khác. Đó là nhiều người cố tình hiểu sai những văn bản pháp quy. Ông lấy ví dụ: Khoản 2, điều 18 trong Nghị định 75 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật Giáo dục có viết: “Không thành lập cơ sở giáo dục dân lập ở giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học”. Theo ông, như thế phải hiểu rằng không được thành lập mới chứ không có nghĩa là không cho tồn tại trường ngoài công lập. Ngoài ra, điều 48 luật Giáo dục quy định nhà trường trong hệ thống giáo dục quốc dân được tổ chức theo các loại hình công lập, dân lập, tư thục. Nếu hiểu đúng như vậy thì đã không xảy ra tình trạng lộn xộn trong khối các trường ĐH ngoài công lập thời gian rất dài vừa qua. |
Đăng Nguyên
Bình luận (0)