Vung tiền không thương tiếc trong các kỳ chuyển nhượng, bất chấp nợ nần chồng chất, nên giờ các “ông lớn” của bóng đá châu Âu đang tìm cách “chạy trốn” luật Công bằng tài chính của UEFA để tránh những hình phạt nặng.
|
UEFA áp dụng luật Công bằng tài chính (Financial Fair Play - FFP) với mục đích hướng tới một sân chơi bình đẳng, tránh việc những “đại gia” ngày càng giàu hơn, còn những đội bóng nghèo ngày càng đối mặt với viễn cảnh “tay trắng tay”. Điều này khiến những đội bóng được đầu tư bởi những ông chủ tỉ phú có “túi tiền không đáy” như Man.City, Real Madrid, PSG, Monaco, Barcelona, Bayern Munich, M.U, Napoli... phải tìm cách “lách” để đảm bảo doanh thu được tạo ra bằng hoặc lớn hơn các khoản chi (mua cầu thủ, trả lương, đầu tư cơ sở hạ tầng...). Mục tiêu của các “ông lớn” nhằm để sống chung hoặc phá vỡ FFP, nếu không sẽ nhận án phạt, trong đó có thể bị cấm tham gia đấu trường danh giá nhất châu Âu.
Barcelona là đội đầu tiên xung phong “lách” FFP khi phá vỡ truyền thống 111 năm bằng thỏa thuận in logo trên áo đấu với bản hợp đồng tài trợ trị giá 185 triệu USD từ Qatar Foundation. Inter Milan, đội bóng thuộc sở hữu của ông trùm dầu khí Ý Massimo Moratti, phải chấp nhận bán cổ phần của đội bóng trị giá 67 triệu USD cho một nhà đầu tư Trung Quốc, mới đây bán hẳn 70% cổ phần trị giá 250 triệu euro cho doanh nhân giàu có người Indonesia Erick Thohir.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi, ông chủ của CLB AC Milan, đang tìm kiếm một nhà đầu tư từ Nga thông qua người bạn ở Điện Kremlin là Tổng thống Vladimir Putin. Động thái của Berlusconi cho thấy những “đại gia” Serie A đang tuyệt vọng như thế nào trong nỗ lực đối phó với FFP, bởi đầu tư nước ngoài vốn quá xa lạ đối với Serie A. Gần đây nhất, nhà vô địch châu Âu Chelsea ký một thỏa thuận với Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, còn Man.City ký một bản hợp đồng tài trợ đắt giá nhất lịch sử thể thao với hãng hàng không Etihad Airways (UAE) trị giá 628 triệu USD, thời hạn 10 năm. Tuy nhiên, bản hợp đồng của đội đương kim vô địch Ngoại hạng Anh lại bị Hội đồng Ủy ban châu Âu cho là không thích hợp vì cho rằng sự hợp tác trên chỉ là “giao dịch của những người trong nhà” nhằm qua mặt quy định của FFP.
Xây nhà máy thủy điện để né... FFP
Trong các nỗ lực “chạy trốn” quy tắc của FFP, câu chuyện của CLB Trabzonspor (đội bóng từng 6 lần vô địch Thổ Nhĩ Kỳ) được xem là thú vị và kỳ lạ nhất nhưng mang tính thiết thực rất cao. Theo Reuters, đội bóng có “đại bản doanh” ở khu vực Anatolia, nơi được đánh giá là trung tâm kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ, đã quyết định đầu tư xây một nhà máy thủy điện nhằm tăng doanh thu sau khi được sự cho phép của chính phủ. Ý tưởng trên bắt nguồn từ ông chủ của CLB Trabzonspor là Sadri Sener, một kỹ sư, trong xu thế chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực tìm kiếm một nguồn năng lượng trong nước thay vì phụ thuộc nguồn khí đốt tự nhiên được cung cấp từ Nga, Azerbaijan và Iran.
|
Theo đó, nhà máy thủy điện nói trên ước tính có mức đầu tư khoảng 50 triệu USD với doanh thu kéo dài hằng năm dự kiến khoảng 10 triệu USD/năm. “Đội bóng của chúng tôi cần một nguồn để bảo đảm thu nhập và điều kiện lý tưởng nhất là đầu tư xây dựng những nhà máy thủy điện”, tờ Financial Times dẫn lời một quan chức CLB Trabzonspor cho biết. Cũng theo ông này, Trabzonspor - đội từng tham dự vòng bảng Champions League 2010 - 2011 và vừa bị loại ở vòng play-off Europa League mùa trước, đang dự tính lên kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng một nhà máy thủy điện thứ 2 trong thời gian tới.
Dự án thủy điện chỉ là một trong những giải pháp của đề án được đưa ra bởi các đội bóng nhằm đối phó với FFP. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số chuyên gia tài chính bóng đá, những ký kết có giá trị kếch xù của các đội bóng hàng đầu được ví như “một mũi tên trúng 2 đích”. Chuyên gia tài chính Daniel Geey của Công ty Field Fisher Waterhouse nói với AFP: “Mối quan tâm lớn nhất của các đội bóng là tránh bị cấm tham gia các giải đấu của UEFA, nhưng việc ký kết hợp tác với những nhà tài trợ không đơn thuần chỉ để đối phó với FFP, mà còn tăng cường ngân sách trong tài khoản của họ”. Như vậy, ở một phạm trù nào đó, những giải pháp “chạy trốn” luật tài chính của UEFA có thể vô tình tạo nên một cuộc chơi mới của các ông chủ giàu có, khi họ vẫn tiếp tục hiên ngang vung tiền vào thị trường chuyển nhượng mà không sợ bị UEFA “sờ gáy”.
Theo quy định, nếu một đội bóng có khoản chi lớn hơn thu nhập 60 triệu USD trong thời gian 3 năm sẽ phải nhận các hình phạt nặng, bên cạnh việc bị cấm thi đấu ở Champions League và Europa League. Trong quy định này, chủ sở hữu đội bóng chỉ có thể “rút tiền túi” tối đa 55,5 triệu USD để bù lỗ ở các mùa 2013 - 2014 - 2015, và 37 triệu USD ở các mùa 2015 - 2016, 2016 - 2017 và 2017 - 2018. Mục tiêu lớn nhất của FFP là điều chỉnh nợ cho các đội bóng, kiểm soát các khoản đầu tư cá nhân được thực hiện bởi những ông chủ tỉ phú. Theo một báo cáo của UEFA gần đây, có khoảng 50% đội bóng hàng đầu bị thua lỗ, trong đó khoảng 20% đội bóng nợ nần trầm trọng. |
Nguyên Khoa
>> 23 CLB bị cấm dự cúp châu Âu vì vi phạm luật công bằng tài chính
>> Luật công bằng tài chính đe dọa Chelsea và Man City
>> Luật công bằng tài chính phát huy tác dụng
Bình luận (0)