Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 3: Giấc mộng phù phiếm của Trung Quốc

16/11/2013 09:00 GMT+7

Sau khi bị “nhấn chìm” bởi bê bối bán độ và tham nhũng, những người làm bóng đá Trung Quốc lại muốn dùng tiền để “đi đường tắt” nhằm trở thành một siêu cường quốc bóng đá trên thế giới. Thế nhưng, cách làm đó đang cho ra trái đắng.

Sau khi bị “nhấn chìm” bởi bê bối bán độ và tham nhũng, những người làm bóng đá Trung Quốc lại muốn dùng tiền để “đi đường tắt” nhằm trở thành một siêu cường quốc bóng đá trên thế giới. Thế nhưng, cách làm đó đang cho ra trái đắng.  

 Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 3: Giấc mộng phù phiếm của Trung Quốc
Didier Drogba “thoát” khỏi bóng đá Trung Quốc chỉ sau vài tháng - Ảnh: AFP

Nền bóng đá Trung Quốc vừa rung chuyển bởi nạn bán độ và tham nhũng, trong đó 2 cựu quan chức tầm cỡ bị kết án 10 năm rưỡi tù giam, và hàng loạt trọng tài, cựu tuyển thủ quốc gia phải nhận những mức án tù khác nhau. Tuy nhiên, chỉ sau vài tháng kể từ khi tòa án khép lại các phiên xử, giải bóng đá hàng đầu Trung Quốc (Chinese Super League - CSL) bỗng nổi như cồn với những bản hợp đồng “bom tấn”, mà đình đám gần đây nhất là Didier Drogba. Nhiều người tự hỏi tại sao một ngôi sao góp công lớn giúp Chelsea đăng quang ở Champions League 2011 - 2012 lại chọn nơi đến là CLB Thân Hoa Thượng Hải? Nghe có vẻ lạ, nhưng câu trả lời thật đơn giản: đó là vì tiền.

Đến Trung Quốc mùa hè năm ngoái, chân sút ngôi sao của tuyển Bờ Biển Ngà nhận được mức lương mà ngay các siêu sao ở những giải hàng đầu châu Âu phải thèm muốn: 350.000 USD/tuần. Trước Drogba, cựu tiền đạo Nicolas Anelka của Chelsea, HLV nổi tiếng người Pháp Jean Tigana cũng gia nhập Thân Hoa Thượng Hải. Cựu HLV từng đưa Ý đăng quang World Cup 2006 Marcello Lippi mới đây đã “cập bến” Quảng Châu Evergrande, đội bóng trước đó cũng chiêu mộ những ngôi sao Nam Mỹ là Dario Conca (Argentina), cựu chân sút chủ lực của CLB Dortmund Lucas Barrios (Paraguay). Sau đó, chân sút Frederic Kanoute, tiền vệ Seydou Keita (những cựu ngôi sao của Sevilla), Yakubu Aiyegbeni (Blackburn) cũng lần lượt gia nhập các đội bóng Bắc Kinh Quốc An, Đại Liên Aerbin và Quảng Châu R&F với mức lương từ 150.000 USD - 250.000 USD/tuần...

Ông Simon Chadwick - giáo sư về chiến lược kinh doanh thể thao của Đại học Coventry (Anh) lại cho rằng việc chiêu mộ hàng loạt ngôi sao bóng đá thế giới của các ông chủ tỉ phú là một cách để đạt được ảnh hưởng chính trị. Bởi CLB Quảng Châu thuộc sở hữu Xu Jiayin (Chủ tịch Tập đoàn bất động sản Evergrande), còn Thân Hoa Thượng Hải lại là của ông Zhu Jun, người đứng đầu Công ty game trực tuyến The Nine City.  

Bài hát buồn

Dù đã trút cả núi tiền để đem về CSL hàng loạt ngôi sao danh tiếng thế giới và bổ nhiệm HLV Jose Antonio Camacho (cựu HLV tuyển Tây Ban Nha và Real Madrid) dẫn dắt tuyển quốc gia, nhưng oái oăm thay, bóng đá Trung Quốc ngày càng đi xuống. Tuyển quốc gia bị đánh bật khỏi vòng loại World Cup 2014 và đến nay đã rớt xuống vị trí 97 trên bảng xếp hạng FIFA. Việc hỗ trợ, đào tạo tài năng trẻ vốn đã thưa thớt thì nay lại ngày càng giảm, người hâm mộ dần tẩy chay môn bóng đá dẫn đến các sân vận động ngày càng vắng người...

Hậu quả là mối tình 2,3 triệu USD/năm giữa Camacho và LĐBĐ Trung Quốc chấm dứt trước thời hạn hồi mùa hè năm nay sau thất bại 1-5 của tuyển quốc gia trước Thái Lan trên sân nhà trong một trận giao hữu, tiếp sau chuỗi thành tích đầy thất vọng dưới thời nhà cầm quân người Tây Ban Nha: thua 11 trận trong 20 trận, trong đó có thất bại 0-8 trước Brazil. Theo truyền thông địa phương, trận thua 1-5 là thất bại nhục nhã nhất trong lịch sử bóng đá Trung Quốc khi Thái Lan mang đến trận đấu 7 cầu thủ Olympic và U.21.  Vì thế, thời gian sau đó, điệp khúc “giải tán đội tuyển quốc gia” bỗng mặc nhiên trở thành “bài hát buồn” của người hâm mộ bóng đá Trung Quốc.

“Các đội bóng Trung Quốc hầu như rất ít quan tâm đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng và nghiên cứu trình độ chuyên môn, đồng thời không định hướng phát triển các giải đấu. Trung Quốc đang làm hại chính mình trong tham vọng trở thành một thế lực bóng đá. Họ chủ yếu vung tiền để mua các cầu thủ nước ngoài thay vì phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển các cầu thủ trẻ đầy hứa hẹn”, ông Chadwick nhận định. Theo báo chí địa phương, việc phát triển tài năng trẻ bóng đá cũng gặp khó khăn khi phụ huynh không muốn con cái của họ dính đến một lĩnh vực nhiều bê bối, tai tiếng.

Bản thân chính sách đầy tham vọng dùng tiền mua chức vô địch và đánh bóng hình ảnh của các đội bóng thuộc CSL cũng thất bại. Ngay sau mùa giải CSL năm ngoái kết thúc, người hâm mộ Thân Hoa Thượng Hải nổi cơn thịnh nộ khi đội bóng chỉ xếp thứ 9 trong giải đấu có 16 đội tham dự. Anelka trở thành “cái gai” trong mắt ông chủ đội bóng khi chỉ ghi được 3 bàn trong 22 trận đấu nhưng liên tục gây xáo trộn nội bộ, còn Drogba mệt mỏi vì ký tặng CĐV hơn là thể hiện phong độ đỉnh cao trên sân.

Đội bóng duy nhất thành công với những bản hợp đồng ngoại là Quảng Châu Evergrande (đội đăng quang CSL), tuy nhiên nội bộ của họ đang giống như một “quả bom sắp nổ” do các cầu thủ ngoại liên tục phản ứng với ban lãnh đạo đội bóng về chuyện lương thưởng...

Bóng đá Trung Quốc đang ít nhiều nhận những trái đắng cho giấc mộng phù phiếm của mình, còn các ngoại binh chỉ việc bận tâm đến số tiền được chuyển đều đặn trong tài khoản, thay vì cống hiến cho đội bóng. Trong đó, những đại lý bóng đá (hay còn gọi là “cò” chuyển nhượng) thì hân hoan khi ông chủ các đội bóng ở đất nước 1,3 tỉ dân vẫn chưa muốn dừng lại. “Họ không còn muốn những ngôi sao luống tuổi như Drogba hay Anelka. Họ muốn Barrios, Conca, rồi Bastian Schweinsteiger, Wayne Rooney hay Sergio Aguero...” - ông Chadwick kết luận.

Nguyên Khoa 

>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.