Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 4: Nhà vua sắp băng hà

17/11/2013 00:12 GMT+7

Bóng đá Tây Ban Nha đã trở thành “ông vua” của bóng đá châu Âu và thế giới, nhưng La Liga - một trong những giải đấu hàng đầu châu Âu, đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi sự bất công và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bóng đá Tây Ban Nha đã trở thành “ông vua” của bóng đá châu Âu và thế giới, nhưng La Liga - một trong những giải đấu hàng đầu châu Âu, đang có nguy cơ bị xóa sổ bởi sự bất công và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. 

Cuộc khủng hoảng nợ

 
La Liga đang sở hữu những cầu thủ xuất sắc và đắt giá nhất thế giới năm 2012, nhưng phía sau là một cuộc khủng hoảng trầm trọng - Ảnh: AFP

Nợ thuế, nợ lương cầu thủ đang là căn bệnh trầm kha của các giải đấu hấp dẫn nhất thế giới hiện nay. La Liga - giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha, cũng không phải ngoại lệ bất chấp việc họ đang sở hữu nhiều siêu sao của bóng đá thế giới như Lionel Messi, Cristiano Ronaldo và Gareth Bale. Thực tế đó tương phản với hình ảnh Barcelona, Atletico Madrid, Valencia, Athletic Bilbao thống trị Champions League và Europa League những mùa giải gần đây. Đó là chưa kể tuyển Tây Ban Nha trở thành “ông vua” của thế giới với chức vô địch World Cup 2010 và Euro 2012.

Theo một đánh giá trong năm 2012 của chính phủ Tây Ban Nha, hai giải đấu La Liga và Cúp Nhà vua đang nợ gần 1 tỉ USD tiền thuế, các đội bóng gánh khoản nợ 4,61 tỉ USD sau mùa giải 2010 - 2011, trong đó nhiều đội bóng đang đứng trước nguy cơ phá sản. Cùng thời điểm, báo cáo này cũng công bố về các khoản nợ, chẳng hạn như Real Madrid nợ 773 triệu USD, Barcelona nợ 756 triệu USD, Atletico Madrid nợ 657 triệu USD, còn Valencia phải bán những ngôi sao lớn nhất của họ là David Villa, David Silva, Juan Mata, rồi Jordi Alba để trả khoản nợ 500 triệu USD.

Thực tế trên làm lu mờ những con số kỷ lục về doanh thu, lời lãi của Real Madrid và Barcelona trên thương trường bóng đá quốc tế trong những mùa giải qua. Tình cảnh đó báo hiệu các đội bóng còn lại của La Liga có nguy cơ đối mặt với sự trừng phạt của UEFA sau mùa giải 2013 - 2014. Theo đó, các đại diện của La Liga có thể sẽ dần thưa thớt ở đấu trường Champions League và Europa League nếu căn cứ theo luật Công bằng tài chính (FFP), tức là chệnh lệch giữa tiền chi ra không được cao hơn thu nhập của mỗi đội bóng 60 triệu USD.

“Đống rác lớn nhất thế giới”

Nếu xét ở đấu trường châu Âu và thành tích tại La Liga, Real Madrid và Barcelona thực sự là “những con thiên nga” khi sở hữu những ngôi sao đắt giá nhất thế giới trong đội hình. Nhưng nếu nói về tiền bạc thì 2 “đại gia” này là những “con quái vật” đối với 18 đội bóng còn lại của La Liga. Đơn giản bởi chính 2 gã khổng lồ này đang góp phần làm cho các đội bóng ở giải đấu hàng đầu Tây Ban Nha đối mặt với nguy cơ phá sản. Nguyên nhân xuất phát từ việc Real Madrid và Barcelona luôn được ưu ái giành 50% trên tổng số tiền bản quyền truyền hình của giải đấu (khoảng 660 triệu USD), 50% còn lại được chia cho 18 đội bóng.

Đơn cử như Valencia chỉ nhận được số tiền doanh thu truyền hình khoảng 55 triệu USD/mùa giải 2011 - 2012, con số này thậm chí còn ít hơn 59 triệu USD của Wigan - một đội bóng trung bình ở Ngoại hạng Anh và liên tục lên xuống hạng. “La Liga không tăng trưởng, mà chỉ có 2 đội bóng liên tục tăng trưởng là Real Madrid và Barcelona. Sự thiếu công bằng trong việc phân chia quyền lợi bản quyền truyền hình khiến bóng đá Tây Ban Nha đang chết và tôi nghĩ rằng các giải đấu, trong đó có La Liga chỉ còn tồn tại trong khoảng 5 năm tới. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng tài chính cũng như kế hoạch tăng thuế thu nhập cá nhân sẽ áp dụng từ mùa tới khiến tự thân giải đấu không còn thu hút sự quan tâm của người hâm mộ”, chuyên gia kinh tế hàng đầu châu Âu Jose Maria Gay de Liebana nói với AFP.

Bên cạnh đó, tờ AS nhận xét các giải pháp của Ban tổ chức La Liga (LFP) cũng vô tình khiến các sân vận động ở La Liga ngày càng vắng người. Chuyên gia Jose Maria Gay giải thích: “LFP ký bản quyền truyền hình với đối tác Trung Quốc không có giá trị đáng kể nhưng lại yêu cầu một số trận đá giờ trưa là không phù hợp (tức từ 18 - 20 giờ theo khung giờ châu Á). Điều đó khiến người hâm mộ của các đội bóng rất bực bội. Sau đó, họ chọn việc ở nhà xem ti vi hơn là phải đến sân”.

Trước nguy cơ trên, trong tháng 12.2012, các đội bóng bị đối xử bất công một lần nữa đứng lên đòi LFP phải xem xét lại việc chia bản quyền truyền hình, nhưng lời thỉnh cầu của “kẻ nghèo” lại nhận được sự lạnh nhạt từ phía cơ quan đứng đầu giải đấu. Vì vậy, Chủ tịch CLB Sevilla Jose Del Nido mới buông một câu cửa miệng nổi tiếng: “La Liga là đống rác lớn nhất thế giới”. Còn theo chuyên gia Jose Maria Gay, ngoài những giải pháp tình thế để giải quyết nợ nần, ông cho rằng nên chăng La Liga sáp nhập với giải đấu hàng đầu Bồ Đào Nha trở thành “Giải vô địch bán đảo Iberia”. Lúc đó, người hâm mộ sẽ có thể chứng kiến nhiều hơn những trận cầu “siêu kinh điển” giữa Real Madrid, Barcelona với Benfica, Porto hay Sporting Lisbon.  

Nguyên khoa

>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá - Kỳ 2: Hành xác vì du đấu
>> Đồng tiền nhảy múa trong bóng đá
>> 1 tỉ đồng tiền thưởng cho Cúp xe đạp truyền hình
>> Gần 200 triệu đồng tiền thưởng cho Master Cup VN
>> VFF hy vọng thu 1 tỉ đồng tiền vé
>> Đồng tiền mạnh đến thế sao?

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.