|
Trong nỗ lực lật lại quan niệm lâu nay rằng con người là sinh vật thượng đẳng, các nhà nghiên cứu của Đại học Adelaide (Úc) vừa đưa ra luận điểm mới cho rằng con người không quá thông minh như vẫn tưởng. Không dừng lại ở đó, các chuyên gia đã chỉ ra một số loài mà họ cho rằng còn thông minh hơn loài người.
“Trong nhiều thiên niên kỷ, mọi nhóm người có uy tín nhất, từ tôn giáo đến giới học giả, đều lặp đi lặp lại quan niệm ad nauseam, có nghĩa là loài người được sinh ra để trở thành loài thông minh nhất thế giới động vật”, trang tin The Huffington Post dẫn lời đồng tác giả cuộc nghiên cứu là tiến sĩ Arthur Saniotis.
“Tuy nhiên, khoa học đã cho chúng ta thấy động vật sở hữu khả năng nhận thức vượt trội hơn so với con người”, tiến sĩ Saniotis cho biết. Các cuộc nghiên cứu tiếp tục được triển khai trong lĩnh vực tiến hóa não linh trưởng và trí thông minh đã ủng hộ giả thuyết cho rằng nhân loại không phải là sinh vật thông minh nhất trái đất, theo đồng trưởng nhóm Maciej Henneberg, Giáo sư tiến sĩ Đại học Adelaide.
Các nhà nghiên cứu cho hay quan niệm về trí thông minh vượt trội của loài người có thể bắt nguồn cách đây khoảng 10.000 năm, vào thời cách mạng nông nghiệp, khi con người bắt đầu thuần dưỡng và nuôi gia súc. Ý tưởng đó đã được củng cố thêm từ sự ra đời của các tổ chức tôn giáo, vốn nhấn mạnh rằng sự ưu việt của con người trước các loài sinh vật khác.
“Niềm tin về sự vượt trội của trí tuệ con người đã ngày càng mọc rễ, bám chặt trong triết lý và khoa học”, theo tiến sĩ Saniotis. “Ngay cả Aristotle, có thể nói là nhà tư tưởng gây ảnh hưởng nhất, từng tranh luận rằng loài người đứng trên mọi loài khác nhờ khả năng độc nhất vô nhị là lý trí”, ông giải thích.
Tuy nhiên, hai nhà nghiên cứu Saniotis và Henneberg đều cho rằng lý trí chỉ là một dạng của trí thông minh. “Việc động vật có thể không hiểu con người, trong khi chúng ta cũng chẳng hiểu chúng, không có nghĩa là “trí thông minh” của mọi vật ở mức độ khác nhau. Chẳng qua chúng chẳng cùng loại mà thôi”, tiến sĩ Henneberg phát biểu trong thông cáo báo chí.
Một số loài vật để lại những dấu hiệu mùi phức tạp trong môi trường của chúng để liên lạc với nhau. Con người không thể diễn dịch được các dấu hiệu đó, nhưng không có nghĩa là chúng không chứa đựng nhiều thông tin bằng thế giới hình ảnh.
Cá voi sát thủ chia sẻ khả năng ngôn ngữ phức tạp, và mỗi cá heo đều có tên riêng của chúng, giống như con người chúng ta, dựa trên các tín hiệu huýt sáo riêng biệt. “Điều này có nghĩa là ở cá heo tồn tại khái niệm về bản thân và phân biệt từng cá nhân”, theo tiến sĩ Henneberg. Trong khi đó, loài voi biết bày tỏ sự đau buồn trước cái chết của đồng loại, và sở hữu trí nhớ tuyệt hảo. Hải ly có khả năng xây đập chắn sông, suối và dựng những ngôi nhà dưới lòng đất. Chim sâu cần mẫn tạo ra tổ nhiều tầng, cấu trúc phức tạp, trong khi loài vượn có thể phát ra 20 âm thanh mang nghĩa khác nhau cho phép chúng liên lạc trong điều kiện rừng sâu núi thẳm.
Trước lập luận của nhóm chuyên gia Úc, Giáo sư Gordon Burghardt của Đại học Tennessee (Mỹ) bày tỏ sự đồng tình. Ông diễn giải rằng con người thường dựa vào nền văn hóa tích lũy qua nhiều thế hệ để cho phép họ làm được những điều mà các loài khác không thực hiện được. “Tuy nhiên, không có nghĩa là từng cá nhân loài người vượt trội trên mọi mặt so với phần còn lại của thế giới động vật. Cũng giống như con vượn không cần có nhà để ở, chúng ta phát triển trong các môi trường mà không cần phải dùng tay trần bắt cá, nhưng loài gấu vẫn làm được điều này, và còn khéo léo hơn con người”, Giáo sư Burghardt kết luận.
Hạo Nhiên
>> Phát hiện mới về trí thông minh con người
>> Nâng cấp trí thông minh loài chuột
>> Trí thông minh động vật
>> Tiến gần hơn đến trí thông minh nhân tạo
>> Ăn cá giúp cải thiện trí thông minh
>> Phát hiện mới về trí thông minh của loài quạ
>> Ăn cá tăng trí thông minh
>> Mũ giúp tăng trí thông minh
Bình luận (0)