(TNO) Bạn choàng tỉnh sau giấc ngủ 100 năm, mở mắt ra và thấy ở bên cạnh, Britney Spears cũng đang khoan khoái vươn vai, háo hức nắm tay bạn bước ra thám hiểm thế giới của tương lai.
Alcor là một cái tên đình đám trong "ngành dịch vụ chết đi sống lại" - Ảnh: Reuters
|
Người đương thời tiếp cận công nghệ tương lai
Chui vô các thùng hình trụ lạnh đến âm 196 độ C sau khi chết, nằm yên trong đó chờ vài chục, có khi vài trăm năm, tới ngày mở mắt bước ra không phải là viễn cảnh chỉ tồn tại trong truyện khoa học viễn tưởng hay phim kinh dị. Rất nhiều người trên thế giới này tin điều đó là có thật. Không chỉ tin, họ còn bỏ ra bộn tiền để tham gia vào quy trình “thần kỳ” này. Không thiếu các công ty đông xác sẵn sàng chăm sóc tận răng các "thượng đế" hồn đã lìa khỏi xác, miễn các "thượng đế" chịu móc túi là xong (tất nhiên là móc từ trước khi hết thở).
|
Chỉ riêng ở Alcor - đặt tại Mỹ - đang "ấp lạnh" hơn 150 thi thể để chờ ngày sống lại (ở Alcor, người ta gọi đó là “bệnh nhân”). Hơn 1.000 người khác thì đã ký hợp đồng để Alcor đông xác họ sau khi họ giã từ thế giới này. Nghe đâu trong danh sách của Alcor có rất nhiều người nổi tiếng như công chúa nhạc pop Britney Spears hay ông trùm phỏng vấn của CNN ngày nào Lary King.
Chết chưa hẳn đã là hết! - Ảnh: Shutterstock
|
Sở dĩ More đặc biệt là vì ông cũng chính là chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Alcor, một trong những công ty đông xác lớn nhất thế giới. Triết lý của More rất đơn giản: nếu như cách đây 50 năm, khối người đã chết vì những căn bệnh mà y học ngày nay có thể dễ dàng chữa khỏi thì chuyện cũng sẽ lặp lại 50 năm sau. “Chúng tôi chỉ bảo quản cho thi thể không hỏng đi, đợi công nghệ của tương lai giải quyết mọi rắc rối”, More nói với hãng truyền thông BBC.
Trăm năm chổng chân lên trời
Alcor phủ sóng khắp thế giới, theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe các thành viên đã ký hợp đồng để kịp thời xuất hiện khi "khách hàng" vừa tắt thở. Trong rất nhiều trường hợp, họ đến chờ sẵn ở bên cạnh người sắp chết, chỉ lăm le đợi "thượng đế" nhắm mắt xuôi tay. Sở dĩ như vậy là vì theo More, càng xử lý sớm thì cơ thể càng ít hư tổn, càng tạo sự dễ dàng cho "công nghệ tương lai" trong quy trình phục sinh các xác chết chục năm, trăm năm.
Đầu tiên, các chuyên gia đông xác sẽ chuyển "bệnh nhân" lên một cái giường băng lạnh ngắt, dùng một thiết bị "hồi sức tim phổi chuyên dụng" để làm cho máu lưu thông trở lại khắp cơ thể. 16 loại thuốc khác nhau lần lượt được tiêm vào "thượng đế" để bảo vệ các tế bào khỏi hư tổn.
Đến khi "bệnh nhân" đã về đến "tổng hành dinh kéo dài sự sống", đặt ở bang Arizona (Mỹ), anh ta nhanh chóng được đưa vào phòng phẫu thuật, tiếp tục được xử lý để tránh các tổn hại do quá trình làm lạnh gây ra. Với những "bệnh nhân" chỉ chọn dịch vụ trữ đông cái đầu, đây cũng là lúc "gỡ" đầu ra hỏi cơ thể. Đến đây, máu và chất lỏng sẽ được rút hết khỏi cơ thể các "bệnh nhân", thay thế bằng một loại dung dịch chống đông tương tự như loại bảo quản các cơ quan nội tạng trong cấy ghép nội tạng. Mục đích là ngăn không cho tạo các tinh thể đá trong cơ thể.
Dùng máy sốc điện, phá rung tim chưa phải là giải pháp cuối cùng để hồi tỉnh người ngưng tim - Ảnh: Shutterstock
|
Lúc này bác sĩ phẫu thuật sẽ mở lồng ngực "bệnh nhân" để chạm được tới các động mạch chủ, nối chúng với hệ thống thổi hết toàn bộ số máu còn sót lại ra ngoài, thay bằng dung dịch chống đông. Đến đây, quy trình đông lạnh lâu dài bắt đầu, "bệnh nhân" sẽ lạnh thêm một độ C/giờ cho tới khi đạt tới âm 196 độ C. "Đích đến" cuối cùng của họ là các thùng cực lạnh hình trụ đổ đầy chất nitơ lỏng đặt trong kho lạnh. Họ không phải lo cô đơn trong suốt quãng thời gian trăm năm, vì mỗi thùng thường có tới 4 "bệnh nhân", tha hồ "tán dóc". Chỉ có điều tư thế không được thoải mái cho lắm: cắm đầu xuống đất, chổng chân lên trời.
Shopping sự sống lại
Hẳn ai cũng sẽ thắc mắc muốn "mua" sự sống lại thì phải chi bao nhiêu. Có nhiều gói đơn giá khác nhau. Nếu muốn mua sự phục sinh hàng Mỹ có thương hiệu (Alcor), người ta phải móc túi chẵn chòi 200.000 USD. Ấy là trong trường hợp ấp lạnh toàn bộ cơ thể. Những ai chỉ lấy bộ não ra mà đặt cược với tương lai thì chỉ cần chi 80.000 USD.
Thùng đựng nitơ lỏng - Ảnh: Shutterstock
|
Cryonics Institute (Học viện đông xác) - cũng đặt tại Mỹ - cho biết giá tối thiểu là 28.000 USD.
Bạn vẫn không đủ tiền? Không sao, mua "hàng" Nga vậy. KioRus chỉ in tờ hóa đơn 12.000 USD cho những ai đông lạnh cái đầu. Còn muốn được KioRus ấp lạnh cả cơ thể, bạn phải chìa ra 36.000 USD. (còn tiếp)
Có 3 nguyên nhân chính khiến những người cuồng công nghệ ấp lạnh xác chết tin rằng sự đầu tư của họ là đáng đồng tiền bát gạo: dù quy trình đông xác chỉ được thực hiện sau khi đã chết, người ta tin rằng việc làm cho máu lưu thông lại ngay, bơm oxy lên não giúp não giảm thiểu hư tổn. Thứ hai, đông lạnh cơ thể giúp giữ nguyên hiện trạng tế bào, giúp cả cơ thể vẫn cứ "tươi" sau cả trăm năm.
Cuối cùng, công nghệ nano của tương lai sẽ phục hồi tất cả những hư tổn do bệnh tật, tuổi già và cái chết gây ra, giúp con người ta phục sinh trong tình trạng khỏe như voi. Chỉ có một chút rắc rối nho nhỏ: cho tới giờ phút này, chưa từng có ai sống lại trên đời này, ngoại trừ trong phim khoa học viễn tưởng hoặc kinh dị.
|
Bình luận (0)