Bởi thực tế, người dân đã tự nguyện tăng chi cho nhiều mặt hàng liên quan đến sức khỏe.
Ví dụ như chuyển từ hàng Trung Quốc giá rẻ nhưng độc hại sang hàng Việt hay hàng của các nước khác an toàn hơn dù giá đắt hơn. Họ cũng sẵn sàng tăng chi phí y tế, thể thao để có cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai hơn. Chẳng thế mà các phòng tập mọc như nấm mấy năm gần đây nhưng lúc nào cũng kín khách. Vậy tại sao họ lại tiếc 130.000 đồng/tháng/hộ (mức tăng thêm cao nhất theo tính toán của Bộ Tài chính về đề xuất tăng kịch khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên tối đa 4.000 đồng/lít) cho bầu không khí hít thở của chính gia đình mình?
Họ tiếc vì thuế môi trường với xăng tăng liên tục trong những năm qua nhưng chưa bao giờ thấy Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành có liên quan công bố chỉ số ô nhiễm môi trường giảm xuống tương ứng như thế nào. Họ tiếc vì Bộ công khai tăng thu nhưng chi bảo vệ môi trường như thế nào lại không được công bố rõ ràng, cụ thể. Họ tiếc vì xăng dầu là nguyên liệu thiết yếu, đắt cũng phải mua để phục vụ việc đi lại hằng ngày bởi giao thông công cộng chưa đáp ứng được. Nên tăng thuế kịch khung thì họ vẫn phải đi làm, đi học, đón con, mưu sinh... Vì đề xuất của Bộ chỉ chăm chăm vào việc tăng thu cho ngân sách mà không tính toán đầy đủ các tác động trực tiếp của xăng dầu lên giá thành hàng hóa dịch vụ, lên mâm cơm của mỗi gia đình như thế nào...
Quan trọng hơn là để bảo vệ môi trường, có rất nhiều giải pháp hiệu quả hơn. Cứ truy xuất nguồn gốc gây ô nhiễm như các nhà máy, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí, sông ngòi phạt thật nặng; ngưng cấp phép các nhà máy điện than đang thải ra không khí những hóa chất độc hại mà nhiều nước đóng cửa. Còn muốn tăng thu ngân sách, dư địa cho Bộ Tài chính cũng rất nhiều. Đó là một loạt lĩnh vực có doanh thu lớn nhưng không đóng thuế như quảng cáo, kinh doanh qua mạng; những đại gia nước ngoài chuyển giá lách thuế; những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng chây ì nộp thuế; những hộ kinh doanh cá thể có doanh thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng mỗi năm nhưng chỉ đóng thuế khoán... Đặc biệt, một giải pháp để cân đối ngân sách được cả xã hội mong chờ là giảm chi thường xuyên (chi nuôi bộ máy hành chính); trong đó, Bộ Tài chính luôn "vô địch" về biên chế, chỉ riêng ngành thuế có tới 40.983 người. Đây cũng là Bộ có nhiều lãnh đạo nhất với 181 cục trưởng, 423 cục phó, 63 vụ trưởng và 239 phó vụ trưởng; cấp trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương hơn 9.100 người (báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016).
Nếu Bộ Tài chính thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình, sẽ không cần chăm chăm vào việc đề xuất tăng hết loại thuế này, thuế kia như hiện nay.
Bình luận (0)