Cũng may đã trả hết nợ ngân hàng...
Anh Dương Huy Thế (33 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) sang Nhật Bản làm việc trong ngành hàn xì. Anh cho biết, năm 2019 khi anh mới sang, mức lương của anh là 160.000 yen quy đổi ra tiền Việt được khoảng 35 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện đồng yen trượt giá nên số tiền quy đổi ra chỉ được khoảng 27 triệu đồng.
"Sau 4 năm làm việc, tôi tăng ca nhiều nên mức lương đã lên 200.000 – 250.000 yen. Lương cao hơn nhưng nếu so sánh tỷ giá hiện tại với hồi mới sang, số tiền quy đổi cũng không cao hơn nhiều", anh cho biết.
Anh cho hay, thời gian này đồng yen xuống thấp nên anh quyết định gom giữ tiền đợi khi nào tỷ giá lên cao để đổi và gửi về nhà. Nếu gia đình có việc gấp hay việc quan trọng thì anh mới gửi tiền về quê.
Dù tỷ giá xuống thấp nhưng người lao động vẫn phải chi tiêu, trang trải, lo ăn uống hằng ngày. Anh đã thanh toán hết số tiền nợ ngân hàng để có chi phí khi sang Nhật Bản làm việc nên không phải lo lắng khoản này.
"Giờ ai hết nợ rồi thì có thể gom tiền đợi lúc nào tỷ giá lên mới đổi nhưng cũng thấp thỏm vì không biết bao giờ đồng yen mới lên cao. Những người mới sang làm việc sẽ vất vả hơn vì bất đồng ngôn ngữ, công việc chưa nắm bắt được, chưa được tăng ca nên không có nhiều thu nhập", anh nói.
Cũng theo anh Thế, ở Nhật Bản giá cả thực phẩm cũng tăng hơn so với 3 năm trước.
"Tính chất công việc bên này đòi hỏi người lao động phải làm việc cật lực nên dù tiền lương thấp vẫn phải đi làm. Lúc trước, đồng yen cũng có lúc xuống nhưng được một thời gian lại lên nhưng hiện đang duy trì ở mức thấp. Vì vậy, việc gửi tiền về quê hay chờ đồng yen tăng giá cũng là niềm trăn trở lớn với những người lao động như tôi", anh chia sẻ.
Trông chờ đồng yen lên giá
Sang Nhật Bản làm việc trong ngành thực phẩm 5 năm nay, chị Nguyễn Thị Mai (24 tuổi, quê ở Nghệ An) đánh giá, thời điểm này người lao động Việt Nam gặp nhiều khó khăn do đồng yen rớt giá. Chị tính cuối năm nay sẽ về quê hẳn sau nhiều năm bôn ba ở xứ người.
Hiện, tiền lương tháng của chị được khoảng 200.000 yen, quy đổi ra tiền Việt được chừng 33 triệu đồng. Số tiền này thấp hơn khoảng 7 - 10 triệu đồng so với thời điểm cách đây 2 năm. Chị chia sẻ, đây là chưa trừ tiền thuế, tiền ăn uống nên tiền tiết kiệm gửi về quê không được nhiều.
"Hiện tôi cũng rất băn khoăn nếu giữ tiền chờ lên giá thì bố mẹ ở quê không có tiền trang trải và cũng không biết khi nào tỷ giá mới lên còn nếu gửi về thì mất giá quá. Dù vậy nhưng tôi vẫn phải đi làm để trang trải sinh hoạt. Nếu chắt bóp quá cũng rất khổ, ăn uống không đảm bảo sẽ không có sức đi làm", chị bày tỏ.
Chị Mai nói rằng, mỗi tháng tiền ăn uống, tiền sinh hoạt cũng hết khoảng 50.000 yen (khoảng 7 - 8 triệu đồng). Chị không đi chơi hay mua sắm quần áo để tiết kiệm chi phí.
"Từ hôm tết tới nay tôi chưa gửi tiền về quê. Tôi tính đi xuất khẩu lao động để kiếm số vốn về quê làm ăn nhưng thời điểm này kiếm tiền rất khó. Công lao động và mức lương vẫn vậy nhưng tiền đổi ra giảm nên tôi rất tiếc", chị bộc bạch.
Chị P.T.T (24 tuổi, quê ở Hà Tĩnh) vừa mới sang Nhật Bản theo dạng thực tập sinh được 2 tháng nay. Tháng đầu tiên, chị vẫn đi học nên công ty chỉ hỗ trợ tiền ăn uống. Tháng thứ hai, mức lương chị nhận được là 150.000 yen trong khi chị còn phải lo tiền nhà, tiền ăn uống và tiền thuế.
Mẹ chị vừa về quê sau hơn 10 năm đi xuất khẩu lao động ở Malaysia. Mẹ chị sử dụng gần 200 triệu đồng tiền dành dụm suốt nhiều năm lo chi phí để chị sang Nhật làm việc. Vì vậy, chị luôn cố gắng kiếm tiền để gửi về trả lại cho mẹ phòng thân khi về già.
"Hiện tôi chưa được công ty bố trí tăng ca cùng với đồng yen xuống giá nên trừ chi phí sinh hoạt, mỗi tháng tiết kiệm không được nhiều. Tôi biết sang Nhật làm việc ở thời điểm này rất khó khăn nhưng do đã đi học tiếng, tiền cũng đã đóng cho công ty nên phải bám trụ. Giờ tôi chỉ biết chờ tỷ giá lên và mong công ty có nhiều việc để được tăng ca", chị chia sẻ.
Bình luận (0)