Đột biến gien cứu vớt dân Leningrad

25/06/2015 05:40 GMT+7

Kết quả phân tích cấu trúc gien của những người sống sót trong trận Đức Quốc xã phong tỏa Leningrad hồi thế chiến thứ hai đã phát hiện một sự thật bất ngờ: đột biến gien đã giúp họ qua được giai đoạn thảm kịch vào bậc nhất thời đó.

Kết quả phân tích cấu trúc gien của những người sống sót trong trận Đức Quốc xã phong tỏa Leningrad hồi thế chiến thứ hai đã phát hiện một sự thật bất ngờ: đột biến gien đã giúp họ qua được giai đoạn thảm kịch vào bậc nhất thời đó.
Ảnh tư liệu về thời điểm Hồng quân Liên Xô phá vòng vây cứu Leningrad	- Ảnh: RIA NovostiẢnh tư liệu về thời điểm Hồng quân Liên Xô phá vòng vây cứu Leningrad - Ảnh: RIA Novosti
Một nhóm nhà nghiên cứu đã lấy mẫu máu từ những người còn sống trong trận phong tỏa thành phố Leningrad của Liên Xô để phân tích cấu trúc gien có liên quan đến năng lực trao đổi chất và hoạt động tế bào khi đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. Kế đến, họ so sánh dữ liệu thu được với mẫu gien của những người lớn tuổi không qua nổi thảm kịch tương tự.
Kết quả cho thấy nhiều người sống sót trong trận bao vây của Đức Quốc xã, kéo dài từ tháng 9.1941 - 27.1.1944, sở hữu 2 gien liên quan đến protein PPAR và 1 gien đến từ gia đình UCP, hoàn toàn khác với những người đương thời. Nhóm gien UCP được xác định đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển, trao đổi chất và sinh nhiệt của các sinh vật bậc cao. Nhiều cư dân của thành phố nhiều năm trong vòng vây kẻ thù, hiện đổi tên thành St.Petersburg, sở hữu những loại gien trên, nhưng trải qua quá trình đột biến theo hướng làm tăng sự hiệu quả của các hoạt động tế bào và giảm sự thất thoát năng lượng khi cần giữ cơ thể luôn ấm, theo báo cáo đăng trên chuyên san Science.
Dự án này đã được khởi động khoảng 15 năm trước, khi Giáo sư Oleg Glotov của Viện Nghiên cứu Ott về sản phụ khoa tại St.Petersburg, cùng đồng sự quyết định triển khai cuộc nghiên cứu nhằm phát hiện những vấn đề gây ra tuổi già và bí mật của sự trường thọ. Họ thu thập khoảng 200 mẫu máu của người cao tuổi, tập trung vào những điểm khác biệt và quyết định thu hẹp cuộc nghiên cứu để tập trung vào những người ấn tượng nhất, tức nhóm qua khỏi trận vây khốn từ thời thế chiến thứ hai bất chấp thức ăn thức uống bị giới hạn trong điều kiện khắc nghiệt của thời chiến. Chẳng biết có phải may mắn hay không, nhưng rõ ràng là có từ 20 - 30% dân số tại Leningrad sở hữu các gien đột biến giúp họ tồn tại được trong giai đoạn khó khăn kéo dài.
Trong suốt gần 900 ngày, từ 8.9.1941 - 27.1.1944, cư dân thành phố Leningrad bị bao vây bởi lực lượng phát xít Đức, bị cắt đứt với phần còn lại của đất nước, không hề nhận được viện trợ thực phẩm lẫn nhu yếu phẩm. Thành phố còn liên tục hứng bom đạn từ kẻ thù, người dân liên tục ngã xuống vì đói khát và thời tiết quá lạnh. Đặc biệt, mùa đông năm 1941 - 1942 nhiệt độ xuống tới -40 độ C, hệ thống cấp nước của thành phố bị đóng băng. Người dân buộc phải lấy nước rỉ ra từ lỗ trên băng của sông Neva. Do thiếu lương thực, chính quyền phải áp dụng khẩu phần khắt khe, mỗi người chỉ được phát 125 gr bánh mì/ngày. Có thời điểm đến 100.000 người chết trong một tháng, nhiều người buộc phải ăn thịt thú cưng, chuột và cả hồ dán. Dù con số tử vong chính thức vẫn chưa rõ, có nguồn cho rằng phải đến 1,5 triệu dân thường đã thiệt mạng trong trận vây thành khốc liệt nhất trong 100 năm qua.
Các nhà khoa học hy vọng phát hiện mới có thể hỗ trợ những cuộc nghiên cứu chống bệnh béo phì, biếng ăn và các chứng rối loạn khác liên quan đến sự trao đổi chất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.