(iHay) Những tưởng cây mây thông thường được dùng để đan lát thủ công, ấy vậy mà nó còn có thể là nguyên liệu chính trong những món ăn quý giá của người dân tộc Bana ở các huyện miền núi Bình Định.
Một buổi chiều cuối đông nhạt nắng, ông Đinh Dươm (ở H.Vĩnh Thạnh) hồ hởi dắt chúng tôi vượt hơn chục km đường đèo và lội bộ thêm 2 km đường rừng nữa lên tận trên rẫy của ông để thưởng thức các món ăn từ đọt mây. Những bụi mây mọc rải rác quanh rẫy đang mùa xanh mướt. Ông Dươm tự hào nói: “Đấy, món ăn đặc sản truyền thống và quý giá của chúng tôi là ở đấy. Mây chỉ ưa đất núi cao chứ vùng dưới thấp thì không mọc được. Giờ tôi sẽ đi chặt phần đọt cho các bạn thưởng thức nhé!”.
Nói rồi ông Dươm thoăn thoắt tay cầm rựa ra bụi mây um tùm nhất phạt từng đoạn phần đọt. Chưa gì mà mùi nhựa cây đã ứa ra thơm ngát. Bà Đinh Thị Dol, vợ ông Dươm giải thích thêm: “Món này thường chỉ để dành đến dịp tết hay nhà có đàn bà đẻ muốn có nhiều sữa mới được ăn. Thi thoảng, có khách quý dưới xuôi lên, chúng tôi cũng cố kiếm ít đọt mây để đãi, ngon nhưng mà đắng lắm, sợ ăn không được thôi!”.
Phần đọt mây sau khi được tỉa tót sạch sẽ có hai màu, đoạn xanh sẫm rồi nhạt dần và phần đọt non màu trắng ngà óng ả. Bà Dol hì hụi nhóm lửa trong ngôi nhà sàn trong khi ông Dươm đổ nước rửa lại mớ đọt mây kiếm được. Xong đâu đấy, cả hai ông bà ngồi vặn từng khúc mây, vừa diễn giải: “Phải vặn cho mây có lỗ thoát, khi nướng không bị nổ mới còn cái để ăn”. Những khúc mây nướng trên bếp lửa vào ngày đông, mùi thơm nồng ấm và dịu dàng lan tỏa dần. Mùi mây nướng. Mùi củi bếp. Mùi của bạt ngàn rừng núi tỏa ra từ những khúc mây đang lụp bụp những tiếng nổ nho nhỏ mà dồn dập khi lửa cháy đượm.
|
|
|
|
Ngôi nhà nhỏ trên núi cao vốn trầm lắng của ông bà Dươm trở nên rộn ràng hơn ngày thường. Tiếng nói, tiếng cười của khách khứa và gia chủ khiến không khí trở nên ấm cúng vô cùng. Bất chợt, bà Dol trầm tư nhìn mớ đọt mây trên bếp nói: “Mỗi lần nướng mây như vầy là lại nhớ dịp mọi người trong gia đình cùng quây quần, họp mặt, Tết mà!”…
Thấy vợ sắp sụt sùi, ông Dươm nhanh miệng thay đổi không khí bằng cách bảo bà Dol đi ra vườn kiếm ít ớt bay, loại ớt vốn chỉ mọc hoang dại ở núi đồi. Món đọt mây nướng chỉ “đúng bài” khi có chén muối giã ớt bay cay xè, vắt thêm chút chanh. Đọt mây nướng xong được lấy xuống rồi tách phần vỏ bên ngoài ra, bỏ đi, chỉ còn phần nõn bên trong thơm phức, đem chấm muối ớt chanh thì… tuyệt cú mèo.
Vị đắng sà đến ngay trong cảm nhận đầu tiên. Độ đắng của đọt mây dữ dằn hơn cái đắng của khổ qua. Thấy chúng tôi nhăn mặt, ông bà Dươm - Dol cười sảng khoái: “Đã bảo rồi, đắng lắm đấy, nhưng ăn tiếp đi, cái đắng sẽ hết nhanh thôi!”. Cả bọn chúng tôi nghĩ bụng, đã lên đến tận đây để thưởng thức món ăn đặc sản của người đồng bào thì không lý gì không ăn cho ra cái ngon, cái quý của món ăn này được. Vậy là chấm thêm miếng nữa, cố ăn thật chậm, nhẩn nha để cảm nhận rõ từng vị: đắng, cay, mặn, ngon ngót, giòn và đặc biệt là vị thơm dễ chịu, len lỏi trong từng miếng nhai.
Bà Dol tiếp tục kể câu chuyện về món đọt mây trong phong tục của người Bana. Món ăn này với họ tương tự như món dưa kiệu ngày tết của người Kinh nhưng quý giá hơn vì không phải nhà nào cũng kiếm được đọt mây trên rừng. Thêm vào đó, đọt mây được xem như một vị thuốc hữu hiệu chữa say rượu, đầy bụng hiệu quả. Sức hút của món ăn này được bà Dol ví von: “Ngày tết, mọi người thường rủ nhau đến nhà người này, người kia thăm chơi. Trước khi đến nhà ai đều hỏi, nhà mày có đọt mây để ăn không. Nếu có thì mọi người mới kéo đến đấy!”.
Ngoài món nướng, đọt mây còn có thể chế biến thành nhiều món như luộc, xào, nấu canh với tôm, thịt hay giò heo, đặc biệt là nấu với ốc đá, cá suối… Món nào cũng ngon và lạ miệng.
Tâm Ngọc
>> Độc chiêu gà hấp nước mắm
>> Làm pate gan gà để dành ăn tết
>> Ăn gì để giải độc gan mùa tết?
Bình luận (0)