Ngày 11.6, cùng với một người dẫn đường, người viết đã vào Tiểu khu 180. Đến trước một rừng thông, chúng tôi bỏ lại xe máy để đi bộ vào bên trong.
|
Vô số địa đạo
Sau khoảng 1 giờ, cửa địa đạo thấp thoáng cho thấy được khoét sâu, đâm xuyên vào sườn rừng thông. Nhìn bên ngoài, cửa hầm có bề ngang chừng hơn 1 m, nhưng cao hơn 2 m. Đây là địa đạo dài hàng chục mét được đào sâu vào ruột quả đồi. Đi chừng 5 - 7 m, địa đạo này lại chia thành nhiều ngách ngoằn ngoèo tối om, phải dùng đèn pin soi mới thấy đường đi.
“Dân đào vàng cứ khoét vào thấy nơi nào có vàng thì theo đó mà đào sâu thêm, tạo ra những ngóc ngách kiểu này”, người đưa chúng tôi đi giải thích. Theo chân người dẫn đường chui vào các địa đạo khác, ngắn thì dài 4 m, dài nhất là trên 10 m. Hầu hết các hầm vàng ở đây đều không có rào chống nóc, một số nơi dùng tay đấm vào thì đất sạt lở bong ra rơi xuống. Tại một vài chỗ, chúng tôi còn thấy xà beng, xẻng, chai nhựa đựng nước, đầu lọc thuốc lá… bị bỏ lại hiện trường.
Vàng tặc ở đây cứ buổi sáng là tập trung đào, xới tìm vàng, đến chiều là rút, với các dụng cụ thủ công như xà beng, xẻng, cuốc. Tại Tiểu khu 180 chỉ có chừng chục hầm vàng, còn tại Tiểu khu 181 thì đếm không hết, ước có khoảng hàng trăm địa đạo nằm dưới tán rừng. Trong đó có không ít địa đạo được vàng tặc gia cố bằng cây gỗ đường kính khoảng 10 cm để khỏi sụt đất.
Chưa mạnh tay với vàng tặc?
Phát hiện tình trạng khai thác vàng trên rừng do mình quản lý, Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi (Kon Tum) đã có văn bản gửi UBND H.Ngọc Hồi và các ngành chức năng để báo cáo vụ việc, tìm cách ngăn chặn. Báo cáo nêu rằng tình trạng khai thác vàng ở đây đã đến mức báo động. Mỗi ngày có từ 30 - 40 xe máy do vàng tặc chở nhau vào khai thác vàng tại các tiểu khu 180, 181; có thời điểm nhiều nhất là khoảng 100 xe máy.
|
Qua nhiều đợt kiểm tra, Ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi đã phối hợp với UBND xã Đắk Kan truy quét ngăn chặn nhưng hết đợt kiểm tra thì vàng tặc tiếp tục hoành hành. Ban trồng rừng này còn cho hay tại các khoảnh 6, Tiểu khu 180; khoảnh 8 và khoảnh 10 của Tiểu khu 181 thuộc xã Đắk Kan, vàng tặc hoạt động cả ngày lẫn đêm, đào bới nhiều lần, nguy cơ gãy đổ cây thông trong mùa mưa là không tránh khỏi.
Ngày 12.6, ông Trần Đình Chí, Chủ tịch UBND H.Ngọc Hồi (Kon Tum), xác nhận vàng tặc khai thác vàng trái phép trên địa bàn xã Đắk Kan chủ yếu là người địa phương. “Sắp tới huyện có kế hoạch truy quét mạnh tay điểm khai thác vàng này”, ông Chí nói.
Trong khi đó, trả lời Thanh Niên, ông Vũ Đình Sơn, Trưởng ban Trồng rừng nguyên liệu giấy Ngọc Hồi, cũng cho biết những ngày này vàng tặc vẫn đang khai thác vàng trái phép dưới rừng nguyên liệu giấy do đơn vị quản lý. Khi phát hiện vàng tặc, đơn vị báo cho chính quyền xử lý thì bị vàng tặc đe dọa hành hung, đập phá đồ đạc của đơn vị tại các chòi canh bảo vệ rừng. “Khi bị đe dọa hành hung, anh em chúng tôi chỉ biết tìm cách thoát thân”, ông Sơn ngao ngán và cho biết tình trạng khai thác vàng ở các địa điểm nói trên đã xảy ra nhiều năm qua nhưng chính quyền sở tại không giải quyết dứt điểm nên dây dưa mãi đến nay.
Theo một lãnh đạo Phòng TN-MT H.Ngọc Hồi, tại khu vực tiểu khu 180 và 181, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, UBND huyện đã xử phạt 2 trường hợp khai thác vàng trái phép tại đây. Đó là ông Đinh Công Hà (46 tuổi, trú xã Đắk Kan) bị phạt 10 triệu đồng và tịch thu phương tiện khai thác vàng. Trường hợp thứ 2 là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Hải Vân (Kon Tum). Đơn vị này ban đầu xin khảo sát để thăm dò, với điều kiện là không được dùng các phương tiện, máy móc đào bới. Thế nhưng khi phát hiện công ty này đưa máy vào đào bới, UBND H.Ngọc Hồi đã lập biên bản, yêu cầu hoàn thổ và trục xuất khỏi địa bàn.
|
Bình luận (0)