Đột phá cách trị viêm khớp của nhà nghiên cứu gốc Việt

16/01/2022 10:03 GMT+7

Loại vật liệu do nhóm nghiên cứu của ông Thanh Nguyen phát triển có tiềm năng trở thành đột phá về kỹ thuật sinh học, giúp điều trị hiệu quả chứng viêm khớp.

Nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm của giáo sư trợ lý Thanh Nguyen, khoa Kỹ thuật cơ khí của Đại học Connecticut (Mỹ), đã chế tạo thành công một mẫu vật liệu giúp kích thích sụn tái phát triển nhằm chữa bệnh viêm khớp, căn bệnh phổ biến ở người lớn tuổi, theo trang Uconn Today đưa tin mới đây.

Thông thường, sụn làm nền và giảm ma sát giữa các đầu xương khi khớp hoạt động. Ở người bị viêm xương khớp, sụn khớp bị phá hủy và mất chức năng khiến các đầu xương va chạm với nhau khi vận động và gây đau.

Ông Thanh Nguyen (trái) và một thành viên nhóm nghiên cứu cùng vật liệu khung áp điện

UConn Today

Phương pháp điều trị tốt nhất là thay thế phần sụn bị tổn thương bằng phần sụn ở nơi khác của cơ thể hoặc từ người hiến tặng. Tuy nhiên, cách thứ nhất mang tính rủi ro cao vì gây nguy cơ cho phần khớp bị lấy sụn đi, trong khi cách thứ hai có khả năng không thành công vì không tương thích.

Một số nhà nghiên cứu đã thử dùng các yếu tố tăng trưởng hóa học để kích thích cơ thể tái tạo sụn. Một số khác dùng loại khung sinh học để tạo một khuôn mẫu cho cơ thể phát triển mô mới. Tuy nhiên cả hai cách đều không hiệu quả.

Ông Thanh cho biết sụn tái tạo không giống như sụn nguyên thủy vì nó bị vỡ dưới áp lực bình thường của khớp. Phòng thí nghiệm của ông đã phát triển phương pháp tái sinh sụn bằng dòng điện để giúp sụn phát triển một cách bình thường.

Theo đó, họ thiết kế một loại “giàn mô” làm từ sợi axít lactic poly-L (PLLA), một loại nhựa dẻo phân hủy sinh học thường dùng để khâu vết thương sau phẫu thuật. Lớp màng siêu mỏng này sản sinh ra dòng điện nhỏ khi bị nén, còn gọi là phản ứng áp điện. Chuyển động bình thường của khớp xương khi một người bước đi sẽ làm cho giàn mô PLLA phát ra dòng điện yếu, kích thích tế bào bám vào lớp màng này và phát triển thành sụn. Phương pháp này không đòi hỏi các yếu tố tăng trưởng bên ngoài hay tế bào gốc và phần sụn phát triển từ đó rất chắc chắn về mặt cơ học.

Vật liệu giúp kích thích sụn tự phát triển

UConn Today

Nhóm của ông Thanh đã thử nghiệm lớp màng này trên một con thỏ bị thương và cho nó tập đi trên máy chạy bộ. Kết quả là phần sụn phát triển lại như bình thường và tế bào gốc từ tủy xương bắt đầu hình thành trên lớp màng. Nghiên cứu vừa được đăng trên chuyên san khoa học Science Translational Medicine.

“Đây là kết quả hấp dẫn nhưng chúng tôi cần thử nghiệm nó trên một động vật lớn hơn”, ông Thanh chia sẻ và cho biết lý tưởng nhất là thử nghiệm trên một loài động vật có kích thước và trọng lượng tương tự con người và phải là động vật già vì bệnh viêm khớp thường xảy ra ở người lớn tuổi. Trước mắt, nhóm nghiên cứu của ông Thanh sẽ theo dõi tình trạng của các con vật được điều trị bằng phương pháp này trong ít nhất 1 - 2 năm để đảm bảo phần sụn có sức bền. Nếu thành công trong việc hồi phục cho các loài động vật già, nghiên cứu này có thể là một đột phá về kỹ thuật sinh học cho việc trị viêm khớp trên người.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.