Đột phá chính sách thu hút đầu tư vào bán dẫn, AI

Nguyên Nga
Nguyên Nga
04/01/2025 06:19 GMT+7

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 182 cho phép hỗ trợ tối đa 50% chi phí đầu tư ban đầu cho các doanh nghiệp có dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Đây là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ cao của đất nước.

Hỗ trợ đến 50% đầu tư ban đầu

Đúng ngày cuối cùng của năm 2024, Chính phủ ban hành Nghị định 182 quy định về thành lập, quản lý và sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư. Theo đó, doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm R&D trong các lĩnh vực bán dẫn, AI là đối tượng được hỗ trợ chi phí đầu tư ban đầu, tối đa lên tới 50%. Để được nhận hỗ trợ, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện như không nợ thuế hoặc nợ ngân sách, dự án đầu tư trung tâm R&D phải thuộc danh mục công nghệ cao được ưu tiên, có tác động tích cực đến hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và phát triển các sản phẩm, công nghệ đột phá. 

Đồng thời, dự án trung tâm R&D cần có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 3.000 tỉ đồng, với mức giải ngân ít nhất 1.000 tỉ đồng trong vòng 3 năm kể từ ngày được cấp quyết định đầu tư. Doanh nghiệp công nghệ cao, có dự án đầu tư sản xuất công nghệ cao với quy mô vốn tối thiểu 12.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 20.000 tỉ đồng/năm; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chip, mạch tích hợp bán dẫn… quy mô vốn tối thiểu 6.000 tỉ đồng hoặc đạt doanh thu của dự án tối thiểu 10.000 tỉ đồng/năm...

Đột phá chính sách thu hút đầu tư vào bán dẫn, AI- Ảnh 1.

Nghị định 182 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển công nghệ cao của đất nước

ẢNH: PHẠM HÙNG

Trước mắt, cần cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Về dài hạn, cần xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Nghị định 182 có thể nói là dấu ấn quan trọng, thực tế trong hành trình xây dựng công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao.


TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách

Trước mắt, chúng ta có thể có các chương trình riêng cho khoa học cơ bản hay dự án khởi nghiệp. Tuy nhiên căn cơ nhất vẫn phải là dự án quy mô lớn với sự tham gia của các đối tác hàng đầu thế giới. Riêng với ngành bán dẫn, sau khi đã xây dựng chiến lược ngành bán dẫn và chiến lược phát triển nguồn nhân lực với tầm nhìn và mục tiêu cao, điều cần làm bây giờ là thu hút nhà đầu tư với câu chuyện phát triển ngành bán dẫn của VN. Thế nên, ngoài các chính sách ưu đãi, nhà đầu tư cần được thuyết phục về sự cam kết và quyết tâm của VN đối với tầm nhìn đó, cũng như khả năng triển khai các ý tưởng một cách hiệu quả, tránh duy ý chí.

TS Phạm Văn Đại, Trường ĐH Fulbright VN

Theo TS Phạm Văn Đại, Trường ĐH Fulbright VN, mô hình Quỹ hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 182 là mô hình khá phổ biến trên thế giới, là công cụ được sử dụng để hỗ trợ tăng trưởng và phát triển kinh tế của Chính phủ. "Quỹ hỗ trợ đầu tư thường mang lại nhiều lợi ích lớn cho xã hội bên ngoài các lợi ích cho chủ đầu tư. Ví dụ các dự án có thể tạo việc làm chất lượng cao, tạo nền tảng để phát triển các cụm ngành công nghiệp mới về phía thượng nguồn hoặc hạ nguồn chuỗi giá trị, thúc đẩy tăng trưởng năng suất trong dài hạn…", ông Đại giải thích. 

Theo chuyên gia này, có thể vì nhiều lý do mà những dự án mang lại lợi ích tích cực như vậy không được triển khai, ví dụ khả năng tiếp cận vốn của khu vực tư nhân hạn chế, hay nhà đầu tư tư nhân không có giải pháp hiệu quả để tăng khả năng thu giữ giá trị (value capture). Thế nên, nhiều chính phủ can thiệp bằng cách tài trợ một phần chi phí, cung cấp các đầu vào thiết yếu hay cung cấp một dạng cơ chế bảo hiểm để các dự án đầu tư giảm bớt rủi ro để họ có thể đầu tư được, và xã hội sẽ được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa. Nghị định 182 mà cụ thể là Quỹ hỗ trợ đầu tư của VN cũng với mục đích như vậy.

Thực tế tại VN, trước đây đã có những gói ưu đãi hỗ trợ riêng lẻ cho các dự án đầu tư của Samsung, Intel…, song ông Đại cho rằng Nghị định 182 sẽ giúp Chính phủ thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn các dự án đầu tư công nghệ cao, thay vì phải dựa vào các cơ chế đặc thù để hỗ trợ như đã làm trước đây. "Chính sách hỗ trợ này sẽ được áp dụng từ năm tài chính 2024, giúp VN cạnh tranh hơn trong việc thu hút các dự án công nghệ cao từ các tập đoàn lớn trên thế giới. Từ đó, tạo hấp lực để đón "đại bàng" công nghệ bán dẫn, AI. Đây cũng là một trong những câu chuyện mà chúng ta muốn chia sẻ trực tiếp với nhà đầu tư", TS Phạm Văn Đại nhấn mạnh.

Cơ hội đón đại bàng…

Theo Bộ KH-ĐT, hiện nhiều quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng như các nước thành viên ASEAN đã áp dụng chính sách hỗ trợ đầu tư hấp dẫn, kết hợp giữa ưu đãi thu nhập và chi phí. Nhờ đó, họ đã thu hút được nhiều dự án công nghệ cao quy mô lớn. Trong khi đó, báo cáo của Bộ KH-ĐT cho thấy số lượng dự án có quy mô vốn đầu tư lớn với hàm lượng công nghệ cao tại VN trong những năm gần đây khá khiêm tốn. VN hiện có khoảng 110 dự án đầu tư nước ngoài có quy mô vốn đầu tư trên 500 triệu USD còn hiệu lực, trong đó chỉ có 27 dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao. Riêng giai đoạn từ năm 2013 đến nay, chỉ có 59 dự án quy mô lớn trên 500 triệu USD, trung bình chưa đến 5 dự án một năm.

Vì thế, GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nhận xét Nghị định 182 không chỉ là một chính sách hỗ trợ tài chính mà còn là bước tiến đột phá, đặt nền móng cho sự chuyển mình mạnh mẽ của nền kinh tế trong thời đại số hóa. Từ năm 2024, trong báo cáo về xây dựng nghị định này, Bộ KH-ĐT cũng thông tin nhiều tập đoàn lớn đã khảo sát nghiên cứu đầu tư tại VN, nhưng vì chưa có quy định cụ thể nên họ chuyển sang quốc gia khác. Nay, nghị định mới khiến các nhà đầu tư công nghệ đến và ở lại, thay vì phải đi tìm vùng đất khác.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cũng đồng tình rằng chính sách hỗ trợ này là bước tiến rất tích cực, giúp thu hút đầu tư lớn vào các ngành công nghiệp mũi nhọn như bán dẫn và AI. Doanh nghiệp công nghệ giờ có thêm cơ hội phát triển mạnh mẽ, đóng góp vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. "Trước mắt, cần cải cách và tinh gọn bộ máy nhà nước theo hướng hiệu lực, hiệu quả, hiện đại, minh bạch, dễ hiểu và dễ thực thi để giảm rủi ro kinh doanh và chi phí tuân thủ. Về dài hạn, cần xây dựng chiến lược và thực hiện các chính sách phát triển có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm. Nghị định 182 có thể nói là dấu ấn quan trọng, thực tế trong hành trình xây dựng công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao. Đồng thời đảm bảo việc giải ngân đầu tư công một cách có hiệu quả", ông Việt nhấn mạnh.

TS Phạm Văn Đại đề xuất Quỹ hỗ trợ đầu tư theo Nghị định 182 cần hướng đến các dự án của doanh nghiệp tư nhân có quy mô lớn, theo nguyên tắc doanh nghiệp và nhà nước cùng làm. Trong đó, doanh nghiệp là nhân tố chịu trách nhiệm chính, bỏ ra phần lớn nguồn vốn để tăng tính hiệu quả. "Việc hỗ trợ một số ít dự án quy mô lớn sẽ dễ quản lý hơn cứ hỗ trợ tràn lan cho rất nhiều dự án quy mô nhỏ. Doanh nghiệp khi thực hiện dự án quy mô nhỏ nhưng vẫn phải qua quy trình thanh kiểm tra liên quan đến nguồn vốn nhà nước hỗ trợ, điều này thậm chí quá sức đối với họ. Thứ hai, khả năng thành công tại dự án do doanh nghiệp tư nhân thực hiện sẽ cao hơn, dễ tạo ra sự đột phá trong phát triển công nghệ nhờ thu hút các tập đoàn nước ngoài", ông giải thích rõ hơn.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.