Đột phá công nghệ tế bào gốc: Tạo ra phôi thai "người lai động vật"

20/01/2008 08:34 GMT+7

Ngày 17.1, Chính quyền Anh tạo ra cơn "địa chấn sinh học" khi cho phép tạo phôi thai "lai" giữa người và động vật nhằm mục đích chiết xuất tế bào gốc chữa bệnh.

Báo Guardian cho biết Cơ quan quản lý nghiên cứu phôi thai và thụ thai ở người (HFEA) cấp giấy phép nghiên cứu cho hai trường đại học là ĐH Newcastle và Kings College London trong thời hạn 12 tháng. Ủy ban cấp phép của HFEA khẳng định cả hai trường ĐH "đều thỏa mãn mọi yêu cầu của luật pháp".

99,9% con người, 0,1% động vật

Theo Hãng tin BBC, các nhà khoa học Anh sẽ kết hợp ADN từ tế bào con người với trứng của thỏ, và các loài gia súc như bò. Sau đó, họ cho một dòng điện chạy qua các trứng này, khiến chúng phân chia và trở thành phôi thai. Từ đó, các nhà nghiên cứu sẽ chiết xuất tế bào gốc.

Trước khi kết hợp, trứng động vật sẽ được tách gần hết thông tin về gen (ADN). Do đó, các phôi thai được tạo ra hầu như là của con người. Yếu tố "động vật" duy nhất còn sót lại là một phần ADN rất nhỏ tồn tại trong mitochondria (vi năng tử) nằm bên ngoài nhân bào, nguồn sản sinh năng lượng nuôi sống tế bào. Hãng tin AFP dẫn lời một nhà nghiên cứu ĐH Newcastle khẳng định phôi thai được tạo ra có 99,9% con người, và chỉ 0,1% động vật.

Giới chuyên gia nhận định đây sẽ là bước đột phá lớn lao trong công nghệ tế bào gốc. Hiện tại, các nhà khoa học vẫn phải dựa vào trứng người lấy từ nguồn các trung tâm chữa trị vô sinh, hoặc được hiến tặng để tạo ra tế bào mầm. Tuy nhiên, nguồn cung cấp này không ổn định và không phải lúc nào cũng cho trứng có chất lượng tốt.

"Tìm các phương pháp sản xuất tế bào mầm từ phôi thai hiệu quả hơn là mục tiêu lâu dài của nghiên cứu này" - bác sĩ Lyle Armstrong, thuộc nhóm nghiên cứu ĐH Newcastle, khẳng định. "Trứng bò phục vụ nghiên cứu hiệu quả không kém gì trứng người. Do đó việc sử dụng chúng là hoàn toàn hợp lý, đặc biệt nguồn cung rất dồi dào".

Theo qui định của HFEA, các phôi thai "lai" sẽ phải bị hủy bỏ trong vòng 14 ngày sau khi "xuất xưởng". Chính quyền cũng đã ngăn chặn khả năng tạo ra "người lai động vật" khi nghiêm cấm cấy ghép phôi thai "lai" vào tử cung phụ nữ.

Giới khoa học tán thưởng

Động thái của HFEA đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của giới khoa học Anh và thế giới. AFP dẫn lời giáo sư Robin Lovell - Badge, thuộc Viện Nghiên cứu y học quốc gia Anh, khẳng định quyết định trên sẽ làm giàu thêm công nghệ giúp phát triển các phương pháp chữa trị những căn bệnh nan y về gen. "Đây là tin tốt lành đối với khoa học nhưng quan trọng hơn, nó là tin tốt lành đối với các bệnh nhân" - bà Sophie Petit-Zeman, thuộc tổ chức Nghiên cứu y tế từ thiện, nhận định.

Nhiều chuyên gia cũng nhận định đột phá trong phôi thai lai sẽ giúp nước Anh giữ vị trí hàng đầu thế giới về nghiên cứu tế bào gốc. Báo Guardian cho biết để đi đến quyết định này, HFEA đã dành tới 12 tháng cân nhắc và tham khảo ý kiến của các chuyên gia và công chúng để xác định liệu việc tạo ra phôi thai lai có thích hợp về phương diện khoa học và pháp luật hay không. Vào tháng 11.2007, khảo sát của HFEA cho thấy người dân Anh tỏ ra khá "thoải mái" với đề xuất này.

Tuy nhiên, việc chế tạo một sản phẩm lai giữa con người và động vật vẫn vấp phải sự chống đối dữ dội từ nhiều tổ chức tôn giáo và xã hội. Ông John Smeaton, giám đốc Tổ chức Bảo vệ thai nhi Anh, tuyên bố quyết định của HFEA là "sự tụt dốc của phẩm giá con người" mang tính thảm họa. Theo ông Smeaton, việc cố tình làm mờ đi ranh giới giữa con người và các giống loài khác là "hoàn toàn sai lầm" và "là một cú đánh vào tất cả những gì đại diện cho nhân tính".

Hiếu Trung - Báo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.