Đột phá của thể thao Việt Nam

29/07/2012 04:12 GMT+7

Thể thao Việt Nam đã bước vào những ngày thi đấu đầu tiên tại Olympic. Là người từng làm trong ngành hơn 40 năm qua, tôi nhận thấy đã có nhiều đổi thay tích cực đối với cách chuẩn bị và tiếp cận với Olympic của thể thao nước nhà so với những năm trước đây.

Thời của hơn 30 năm về trước, Olympic trong nhận thức của nhiều người, nhất là các nhà quản lý thể thao, đó là cái gì rất xa xỉ. Nên mỗi khi đến Olympic người ta thường hô khẩu hiệu “tham gia quan trọng hơn chiến thắng”. Nghĩa là chỉ cần góp mặt là vui rồi, chẳng cần nỗ lực hay quyết tâm gì, cứ đến đấu trường danh giá nhất thế giới cho có “tụ”, làm sao càng nhiều số lượng VĐV được đến Olympic là tốt. Nhưng kể từ sau Thế vận hội Moscow 1980, do ảnh hưởng Chiến tranh lạnh giữa phe xã hội chủ nghĩa mà đứng đầu là Liên Xô cùng CHDC Đức cũ và các siêu cường phương Tây mà Mỹ là thế lực đáng gờm, nên xu hướng tranh giành huy chương Olympic, giành vinh dự cho đất nước và dân tộc mình trở nên quan trọng. Thành tích thể thao khi đó còn được coi là tính ưu việt của chế độ.

Chính vì việc giành huy chương giờ đây trở thành mục tiêu hàng đầu mà nhiều nước đã đầu tư cho Olympic một cách tích cực. Bởi thông qua Olympic khi VĐV giành thành tích cao thì ngay lập tức cả thế giới sẽ biết đến đất nước và dân tộc của mình. Nó là cái hiện hữu chứ không chỉ đơn thuần là tư tưởng phải hội nhập, phải giới thiệu đất nước, con người mình, giới thiệu nền văn hóa thông qua các cuộc thi đấu thể thao vốn chỉ là cách nói trừu tượng. Như ở Olympic Sydney năm 2000 khi Trần Hiếu Ngân giành huy chương bạc môn taekwondo, Chủ tịch Ủy ban Olympic quốc tế lúc đó là ngài Juan Antonio Samaranch đã gửi tặng nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương bức thư nạm gỗ rất đẹp, trong đó ghi rõ “Chúc mừng Việt Nam gia nhập vào gia đình có huy chương Olympic”. Hành động này của vị đứng đầu Ủy ban Olympic quốc tế cùng với hình ảnh Hiếu Ngân rạng ngời hạnh phúc với chiếc huy chương bạc đã được cả thế giới biết đến và là một vinh dự to lớn cho thể thao Việt Nam.

Từ thành quả đó, cách làm của thể thao Việt Nam trong những năm qua cũng dần có những thay đổi. Đặc biệt là nhận thức của những nhà quản lý thể thao không còn “đóng khung” như trước mà luôn đấu tranh với những tồn tại trước đây để cố gắng nâng tầm trình độ thể thao nước nhà. Chúng ta đã có những bước chuẩn bị dài hơi hơn, biết đầu tư có trọng điểm hơn chứ không còn “đi tắt đón đầu” như trước và cũng biết tập trung tốt hơn vào các môn thể thao cơ bản có trong chương trình Olympic. Nhờ vậy điền kinh và bơi lội trong gần 10 năm qua đã thực sự khởi sắc, gần như có sự “lột xác” so với thời kỳ trước đây khi bước ra vũ đài quốc tế. Bên cạnh đó, các môn võ thuật, bắn súng, vật, rowing, kiếm... cũng đã có sự quan tâm thỏa đáng, đặc biệt là cử tạ và thể dục dụng cụ đã có bước nhảy vọt. Dẫu vậy cách làm đôi lúc đôi chỗ của ngành thể thao vẫn còn mang nặng tính dàn trải và chưa tập trung đột phá một cách mạnh mẽ.

Tôi lấy ví dụ tháng 1.2011, Vụ Thể thao thành tích cao đã xây dựng đề án cho Olympic London. Trong đề án có nêu sẽ tập trung đầu tư cho trên 60 VĐV của 14 môn thể thao phấn đấu đến London bằng chính khả năng và trình độ của mình. Nhưng việc triển khai còn chậm vì trong nhận thức của một số nhà quản lý là phải tập trung cho SEA Games ở Indonesia cùng năm, phải lấy vị trí thứ 3 toàn đoàn rồi sau đó mới tính Olympic. Chính động thái và suy nghĩ này đã gây không ít khó khăn cho quá trình chuẩn bị Olympic vì thể thao chúng ta vẫn tồn tại tầm nhìn “ao làng” mà chưa nghĩ đến việc phải mạnh dạn thay đổi để bước ra biển lớn sớm hơn. Do vậy con số 18 VĐV vượt qua vòng loại đến London trong bối cảnh đó là đáng khen dù lẽ ra chúng ta xứng đáng phải có nhiều hơn.

Tóm lại, thể thao Việt Nam đã có sự đột phá nhưng cần phải quyết liệt và đầu tư có trọng điểm hơn. Cơ hội của thể thao nước nhà giờ đã sáng sủa hơn rất nhiều, nhưng để có kết quả tốt mỗi khi đến Olympic, chúng ta cần có sự chuẩn bị chu đáo và nghiêm túc hơn chứ đừng để “nước đến chân mới nhảy” thì khó lòng gây tiếng vang với bạn bè quốc tế.

Nguyễn Hồng Minh
(nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao Ủy ban TDTT)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.