|
Trở ngại vẫn tiếp diễn
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại VN, khi điểm lại tình hình năm 2013 đã nhận định: Ổn định vĩ mô đã được củng cố. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được kiềm giữ ở mức dưới 2 con số. Dự báo về năm 2014, ông Mahajan cho rằng các trở ngại ngắn hạn ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế vẫn còn, đặc biệt là sụt giảm niềm tin của khu vực tư nhân. Lấy ví dụ trong năm 2013, ông cho biết đầu tư của tư nhân giảm mạnh từ 15% GDP (2007 - 2010) xuống còn 11,5% GDP (2013). Báo cáo chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) cũng cho thấy các doanh nghiệp (DN) có xu hướng giảm đầu tư hoặc không mở rộng sản xuất. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) phần lớn thời gian của năm 2013 nằm ở dưới ngưỡng 50 cho thấy sản xuất có chiều hướng thu hẹp. Chi tiêu hộ gia đình giảm mạnh khi chỉ tăng 5,1% trong giai đoạn 2009-2012 so với mức 8,9% của 4 năm trước đó. Các trở ngại này vẫn tiếp diễn vào năm 2014.
Có mặt hàng vẫn giữ 10% thuế giá trị gia tăng, nhưng có mặt hàng 5% và thậm chí có mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế lúc này thì nên giảm thuế giá trị gia tăng về 0% |
||
Chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành |
||
TS Trần Du Lịch cũng cho rằng bức tranh kinh tế năm 2014 cũng khó có thể sáng hơn về tăng tổng cầu, tăng sức mua, tăng đầu tư... “Mục tiêu của năm 2014 và có thể sang đến năm 2015 là tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, tiến hành tái cấu trúc nền kinh tế. Những điểm nghẽn của nền kinh tế cần phải xử lý trong năm tới”, ông Lịch nhấn mạnh. Cụ thể những điểm nghẽn đó, theo ông Lịch, chính là “tàn tích” của các năm trước mà chúng ta từng kỳ vọng khắc phục nhưng không đạt trong năm nay: hàng tồn kho, nợ xấu, thị trường bất động sản đóng băng...
Những điểm có thể hy vọng tạo ra động lực cho nền kinh tế trong năm 2014, theo nhận định của HSBC VN, có thể là những sự kiện mới như ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng kinh tế chung Đông Nam Á (AEC), Hiệp định thương mại tự do châu Âu hay Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... Đó là những cánh cửa mở ra cơ hội hợp tác kinh doanh mới cho DN. Tuy nhiên, để có thể đón đầu được các cơ hội đó, Chính phủ cần có những bước đột phá trong chính sách hỗ trợ DN.
Tiếp tục giảm lãi suất
Theo chuyên gia kinh tế tài chính Bùi Kiến Thành, chính sách về tiền tệ năm 2012-2013 đã không thành công trong việc cung ứng đủ vốn với lãi suất (LS) hợp lý để DN ổn định hoạt động. Hiện cả nước có trên 55.000 DN giải thể và ngừng hoạt động, điều này cho thấy sức khỏe của nền kinh tế đáng lo như thế nào.
Ông Bùi Kiến Thành cho rằng, có 2 việc nhà nước cần làm gấp trong năm 2014. Thứ nhất là giúp DN dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, đồng thời tiếp tục giảm LS vay để DN cạnh tranh được với DN các nước trong khu vực. Ông Thành dẫn chứng, các công ty đầu tư nước ngoài vào VN đang vay vốn ngân hàng nước họ với LS khoảng 1-3%/năm hoặc 5 -7%/năm (tùy quốc gia), thậm chí có công ty hưởng LS 0% khi đầu tư ra nước ngoài, trong khi DN VN đang phải vay thấp nhất là 9%/năm, đa phần vay với LS 11%/năm hoặc cao hơn. “Như vậy DN chúng ta làm thế nào có thể cạnh tranh được?”, ông Thành nói.
Sau LS là chính sách về thuế. “Có mặt hàng vẫn giữ 10% thuế giá trị gia tăng, nhưng có mặt hàng 5% và thậm chí có mặt hàng mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế lúc này thì nên giảm thuế giá trị gia tăng về 0%”, ông Thành đề nghị, đồng thời nhấn mạnh: “Năm 2014, nhà nước cần chú trọng chính sách hỗ trợ tăng xuất khẩu. Giảm LS để tăng cạnh tranh cho DN nội. Nếu công tác điều tiết tiền của Ngân hàng Nhà nước tốt, chính sách tài khóa tốt hơn, bức tranh kinh tế năm 2014 mới có hy vọng sẽ sáng sủa hơn”.
Ba vấn đề cấp bách Theo Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, năm 2014, kinh tế thế giới được dự báo tăng trưởng khả quan hơn. Dự báo khu vực EU thoát khỏi khủng hoảng với mức tăng trưởng 0,9%, Mỹ 2,7% và Nhật 1,2%. Dự báo trong năm 2014, CPI của Việt Nam tăng 7%, GDP tăng từ 5,6 - 5,8%, tổng vốn đầu tư từ 30 - 31% GDP, tín dụng tăng 15% và xuất khẩu tăng 12 - 14%. Chuyên gia phân tích kinh tế vĩ mô Trinh Nguyễn của HSBC (trụ sở Hồng Kông) thì cho rằng tăng trưởng GDP của VN năm 2014 chỉ tăng 5,4% và sẽ tăng lên 5,8% vào năm 2015. Mức tăng trưởng này tương đối khá so với Thái Lan (4,4%), Singapore (3,5%) và tương đương với Philippines (5,5%), Malaysia (5,6%), Indonesia (5,5%)... Tuy nhiên, CPI VN năm 2014 giữ ở mức cao hơn năm 2013 là 8,3% và sẽ tăng lên 8,6% vào 2015. So với các quốc gia trong khu vực, mức này là rất cao, như Thái Lan chỉ 2,8%, Malaysia 2,7%, Singapore 3,1%, Philippines 3,6%... “Ba vấn đề cấp bách mà VN cần nhanh chóng cải thiện là hệ thống ngân hàng, năng lượng và môi trường kinh doanh”, bà Trinh Nguyễn nói. |
Cảnh báo của WB Theo WB, rủi ro mà nền kinh tế VN phải đối mặt trong năm 2014 là tăng trưởng chậm có thể đòi hỏi tiếp tục phải nới lỏng tiền tệ và tài khóa, từ đó sẽ làm tăng lạm phát và ảnh hưởng xấu đến những kết quả đạt được trong năm 2013. Nếu quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vẫn bị trì hoãn, lòng tin của các nhà đầu tư sẽ bị xói mòn và tác động tiêu cực lên tăng trưởng. WB dự báo năm 2014, nhu cầu nội địa của VN tăng 5,2%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,5%, nợ công giữ ở mức 50,5% GDP, kim ngạch xuất khẩu khoảng 146 tỉ USD (tăng 9,9%), nhập khẩu 150 tỉ USD (tăng 14%), đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 7,6 tỉ USD (giá trị ròng), nợ nước ngoài 51,7 tỉ USD (27,6% GDP), tín dụng nội địa tăng 15% và GDP danh nghĩa sẽ đạt 187 tỉ USD. |
Nguyên Nga - Trần Tâm
Bình luận (0)