Đột phá du khách quốc tế đến Việt Nam

31/12/2019 06:24 GMT+7

Liên tiếp xác lập kỷ lục vào những tháng cuối năm, ngành du lịch Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra cả về lượng khách và doanh thu. Đặc biệt, trong cơ cấu khách, lượng khách giàu từ nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng.

Căng mình đón khách

Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Giữa tháng 12, lần đầu tiên một doanh nhân tỉ phú Việt Nam thu xếp đi nghỉ cuối năm cùng gia đình tại Phú Quốc. Thế nhưng, J.W.Marriott Phú Quốc, khu nghỉ dưỡng gia đình doanh nhân này chọn, lại hết phòng. Cuối cùng, gia đình ông chọn InterContinental Đà Nẵng.
“May mà InterContinental Đà Nẵng còn phòng, không ngờ giờ mọi người đi du lịch nhiều thế”, bạn của vị doanh nhân kia kể kèm theo câu cảm thán. Nhưng J.W.Marriott Phú Quốc không chỉ hết phòng dịp Tết dương lịch, khu nghỉ dưỡng này đã kín 250 phòng đến qua Tết Nguyên đán. Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng 5 sao Sun Premier Village Phú Quốc gần đó, do Tập đoàn SunGroup đầu tư, dù đã đưa thêm số lượng lớn phòng giai đoạn 2 vào hoạt động, nhưng cũng không đủ đáp ứng nhu cầu tăng đột biến của du khách.
Theo đại diện SunGroup, tất cả các dự án du lịch nghỉ dưỡng của tập đoàn trên khắp cả nước đều đã báo kín phòng. Đáng nói, ở những nơi này, lượng khách quốc tế đang áp đảo. Lúc 16 giờ ngày 30.12 tại SunWorld Hòn Thơm, hơn 7 chiếc xe tuk tuk 20 chỗ vẫn liên tục đưa khách từ cáp treo vào khu vui chơi. Cùng với Aquatopia Water Park - công viên nước chủ đề hiện đại nhất Đông Nam Á vừa khai trương ngày 29.12, du khách tới từ khắp nơi thích thú trải nghiệm hàng loạt trò chơi trên biển như lặn biển ngắm san hô (scuba diving), lướt ván cùng cano (wakesurfing), cano kéo dù, chèo thuyền kayak... Mặt trời sắp lặn nhưng đồi cát trước biển vẫn nhộn nhịp du khách. Người nằm nhoài tắm nắng, người choàng khăn nghỉ mệt sau gần 2 giờ đồng hồ ngụp lặn ngoài nhà phao giữa biển... Hơn 18 giờ là chuyến cáp treo cuối cùng từ Hòn Thơm quay vào nhưng dường như không ai có ý định ra về.
Năm 2019, ngành du lịch Việt Nam liên tục được vinh danh với nhiều danh hiệu danh giá, giải thưởng du lịch toàn cầu như “Điểm đến golf tốt nhất thế giới 2019 (World Golf Awards)”; “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới (World Travel Awards 2019)”, “Điểm đến hàng đầu châu Á trong hai năm liên tiếp”. Một loạt thương hiệu du lịch từ khách sạn, resort tới lữ hành của Việt Nam nhận cơn mưa giải thưởng trong các lễ trao giải du lịch tầm cỡ thế giới.
Tương tự, hệ thống du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl tại tất cả các điểm trên cả nước cũng đều báo “full”. Vé máy bay ra Phú Quốc giai đoạn này luôn trong tình trạng kẹt cứng, nhất là giờ vàng. Vừa qua mùa cao điểm hè, du lịch Việt Nam tiếp tục đón đợt tăng đột biến của du khách dịp đầu năm mới.
Đi cùng chuyến bay với chúng tôi từ TP.HCM ra Phú Quốc, Areli đến từ Tây Ban Nha cho biết cô sẽ ở tại đảo ngọc đến 10 đêm để cùng bạn bè tham dự Epizode Festival - lễ hội âm nhạc biển lớn nhất Đông Nam Á diễn ra từ 28.12 - 8.1. Areli kể từ cách đây 1 tháng, nhóm bạn 12 người của cô đã đặt trước khách sạn, nhưng khảo sát hơn 5 điểm 3 - 4 sao tại Phú Quốc đều báo hết chỗ. Cuối cùng, nhóm khách này phải thuê 2 căn hộ kiểu homestay để lưu trú tạm trong thời gian diễn ra lễ hội.
“Chắc mọi người khắp nơi đều đổ về Phú Quốc tham gia lễ hội nên đông như vậy. Đây là lần thứ 2 tôi tới Việt Nam. Lần đầu tiên cách đây 13 năm, tôi tới du lịch ở Hà Nội và TP.HCM. Tôi thấy con người Việt Nam rất đáng yêu, nhưng chưa có nhiều chỗ đi lắm. Bây giờ thì khác, tôi thường xuyên thấy hình ảnh Việt Nam xuất hiện trên các trang mạng xã hội quốc tế. Đất nước các bạn thật sự đẹp và còn quá nhiều nơi tôi chưa khám phá. Sau 10 đêm ở Phú Quốc, chúng tôi dự kiến sẽ ở thêm khoảng 1 tuần để khám phá vùng núi phía bắc Việt Nam. Hy vọng còn khách sạn để đặt phòng”, Areli cười thân thiện.

Hướng tới khách đẳng cấp, chi tiêu nhiều

Số liệu thống kê mới nhất từ Tổng cục Du lịch cho biết kết thúc năm 2019, ngành du lịch Việt Nam đã đạt được kỳ tích, đón hơn 18 triệu lượt khách quốc tế. Đây là lượng khách cao nhất từ trước đến nay và kết quả này vượt qua cả kế hoạch đón 17,5 - 18 triệu du khách quốc tế mà Tổng cục Du lịch đã đặt ra vào cuối năm 2018.
Để hoàn thành mục tiêu này, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước "chạy nước rút" xuất sắc khi liên tiếp lập kỷ lục lượng khách đến vào những tháng cuối năm. Cụ thể, tháng 10.2019, Việt Nam xác lập kỷ lục mới về lượng khách đến với con số 1,62 triệu lượt/tháng, tăng mạnh 34,3% so cùng kỳ. Đây là tháng có tốc độ tăng trưởng du khách cao nhất từ trước đến nay. Tổng kết từ tháng 1 - 10, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ 2018. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, cao hơn đáng kể mức bình quân chung của thế giới cũng như khu vực, theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO).
Nhưng cũng chỉ 1 tháng sau, kỷ lục này nhanh chóng bị phá vỡ khi tháng 11 tiếp tục ghi nhận lượng khách quốc tế tới Việt Nam cao nhất từ trước tới nay, giúp Việt Nam lần đầu chạm mốc hơn 16 triệu lượt khách quốc tế. Tới tháng cuối cùng của năm, con số 1,7 triệu lượt khách tới Việt Nam đã giúp tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam tăng 24,4% so với cùng kỳ 2018 và đưa du lịch Việt Nam “về đích” xuất sắc.
TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, đánh giá thành tích mà ngành du lịch Việt Nam đạt được trong thời gian qua là đáng ghi nhận, song vẫn chưa xứng với tiềm năng. Muốn bứt phá, phải phát triển du lịch theo hướng khác biệt, đặc sắc.
“Nếu chỉ nhăm nhăm chuyện năm nay đón 15 triệu thì năm sau phải lên được 17 hay 25 triệu khách thì không ổn. Phải hướng tới đẳng cấp, khách đến ít nhưng chi tiêu nhiều. Chúng ta phải đặt vấn đề: Tài nguyên du lịch của Việt Nam ít nhưng đẳng cấp cao như Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc... phải làm du lịch xứng đáng với tài nguyên đó”, ông Thiên nhìn nhận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.