Các nhà khoa học thuộc Đại học California, San Diego (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp điều trị có thể thu nhỏ và thậm chí phân hủy luôn cườm mắt, nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa trên toàn thế giới.
Ảnh: Shutterstock
|
Chỉ tính riêng tại Mỹ, khoảng 17% dân số từ 40 tuổi trở lên khổ sở vì cườm mắt, khiến thủy tinh thể của bệnh nhân bị đục đi và ảnh hưởng đến thị lực. Tình trạng này có thể được điều trị bằng cách phẫu thuật, theo đó bác sĩ loại bỏ thủy tinh thể của mắt bị tật, và trong hầu hết các trường hợp, thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Dù phương pháp điều trị này khá phổ biến và tương đối an toàn, nhưng vẫn còn liệu pháp mới dễ dàng thực hiện hơn, sau khi các chuyên gia mắt tại Đại học California ở San Diego công bố họ đã điều chế một loại thuốc nhỏ mới có thể biến loại tiểu phẫu trên trở thành chuyện của quá khứ.
Trong khi giới khoa học vẫn chưa hiểu hết hoàn toàn cơ chế hình thành của cườm mắt thì chúng được cho là hình thành từ cơ chế các protein phòng vệ liên kết lại với nhau thành màng và che mờ thủy tinh thể của mắt, tạo ra hiệu ứng hết sức khó chịu mà nhiều người so sánh tương tự như kính bị bám hơi nước. Phải mất nhiều năm trước khi nhà sinh học phân tử Khang Zang thuộc Viện Mắt Shiley của đại học Mỹ và những nhà nghiên cứu khác có thể đưa ra liệu pháp mới, dựa trên lanosterol, một dạng steroid xuất hiện trong tự nhiên. Trưởng nhóm Zang đã thực hiện một loạt cuộc thí nghiệm trên tế bào thủy tinh thể ở người và phát hiện lanosterol dưới dạng giọt có thể thu nhỏ cườm mắt. Kế đến, đội của ông tiến hành những cuộc thử nghiệm trên thỏ, và 11 trong số 13 đối tượng cho thấy có tiến triển khả quan. Cuối cùng, họ chuyển sang điều trị cho nhiều giống chó bị kết cườm tự nhiên; kết quả là 3 trong số 7 con được phục hồi thị lực, cườm mắt ở 3 con chó gần như tan hết sau 6 tuần điều trị.
Trong bối cảnh tuổi thọ con người tăng dần theo thời gian, số người bị cườm mắt cũng tăng lên. Theo Tổ chức Y tế thế giới, cườm mắt gây đục thủy tinh thể là nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng mù lòa và giảm thiểu thị lực trên toàn thế giới, chiếm 47,9% số bệnh nhân gặp trục trặc về mắt. Bất chấp các tiến triển gần đây trong y khoa, phẫu thuật lấy cườm nằm ngoài tầm với của khoảng 20 triệu người. Do vậy, phát hiện mới của các chuyên gia Mỹ được hy vọng có thể sớm chuyển sang giai đoạn điều chế thuốc để phục vụ cho đa số bệnh nhân.
Bình luận (0)