Đột phá vào công nghiệp vi mạch

07/05/2012 03:04 GMT+7

Vi mạch được xếp hàng đầu trong danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển tại Việt Nam.

TS Bùi Văn Quyền, Vụ trưởng phụ trách cơ quan Bộ Khoa học - Công nghệ phía Nam, cho rằng đó là lợi thế lớn nhất để hình thành và phát triển ngành công nghiệp vi mạch trở thành một ngành chủ lực của Việt Nam. Vấn đề là làm thế nào để phát triển ngành công nghiệp non trẻ này.

Trước hết cần một sự đột phá, bắt đầu từ các trường đại học, viện nghiên cứu (trường/viện) để tạo ra cộng đồng thiết kế vi mạch trong cả nước. Tiếp đến là sự hợp tác giữa các trường/viện với các doanh nghiệp sản xuất, để ứng dụng và thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của các trường/viện. PGS-TS Nguyễn Thanh Nam, Phó ban Khoa học -  Công nghệ, ĐH Quốc gia TP.HCM - cho biết xác định thiết kế vi mạch là một trong những lĩnh vực mũi nhọn, chiến lược trong tương lai, nên ĐH Quốc gia TP.HCM đã mạnh dạn thành lập Trung tâm nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC).

Đột phá vào công nghiệp vi mạch 
Phòng kiểm định IP sẽ thúc đẩy và nhân rộng ngành công nghiệp vi mạch tại Việt Nam - Ảnh: Mai Vọng  

Vào cuối tháng 3, ICDREC đã khai trương Phòng Kiểm định lõi IP (một lõi sở hữu trí tuệ bán dẫn) cho ngành thiết kế vi mạch, trị giá 7,2 tỉ đồng do UBND TP.HCM đầu tư.  Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, bước đầu phòng này đáp ứng nhu cầu kiểm định các lõi IP vừa và nhỏ do chính Trung tâm ICDREC thiết kế và lõi IP do các đối tác phối hợp thực hiện.

ICDREC cũng vừa ký biên bản hợp tác chiến lược với Evatronix - một công ty hàng đầu về giải pháp thiết kế và cung cấp IP tại châu Âu, nhằm trao đổi công nghệ, phát triển sản phẩm, liên kết kinh doanh sản phẩm IP của hai đơn vị trên toàn thế giới. Quy mô thị trường lõi IP bán dẫn đạt 1,35 tỉ USD vào năm 2009; 1,67 tỉ USD vào năm 2010; dự báo sẽ đạt 2 tỉ USD vào năm 2012 và 2,3 tỉ USD năm 2014, duy trì mức tăng trưởng 7,75% trong 5 năm liên tiếp. Tuy nhiên, thị trường lõi IP ở Việt Nam gần như chưa có; các hợp đồng chuyển nhượng giấy phép có thể đếm trên đầu ngón tay. Về phía các nhà cung cấp lõi IP, hiện chỉ mới có ICDREC là đơn vị nghiên cứu và phát triển lõi IP của Việt Nam thực hiện kinh doanh lõi IP trên sàn giao dịch quốc tế. Tính đến thời điểm hiện tại, ICDREC đã hoàn thành hơn 20 lõi IP, và đang phát triển hơn 10 lõi IP khác. Một số lõi IP có giá trị kinh tế cao như lõi IP vi xử lý VN32-02, lõi IP điều khiển bộ nhớ DDR3, lõi IP giải mã MPEG-4, lõi IP mã hóa ảnh JPEG-2000... Đây là những sản phẩm có độ phức tạp cao, cần thiết phải được kiểm tra, kiểm định chất lượng kỹ lưỡng trước khi tham gia thị trường quốc tế. Quy trình kiểm định này đòi hỏi những thiết bị chuyên dụng đặc biệt. Do vậy, với điều kiện trang bị của ICDREC trước đó, việc kiểm định là rất khó khăn, gần như không thể.

Từ những nhu cầu kể trên, cộng với quyết tâm đầu tư phát triển vi mạch của TP.HCM, năm 2010, UBND TP.HCM đã đầu tư trang bị một phòng kiểm định lõi IP đặt tại ICDREC. Tiếp đó, để tăng cường năng lực cho phòng kiểm định nhằm đáp ứng khả năng kiểm định các lõi IP phức tạp, Sở Thông tin - Truyền thông, thông qua nguồn vốn ngân sách UBND TP.HCM, đã tiếp tục đầu tư nâng cấp phòng kiểm định IP. Hiện nay, phòng kiểm định đã hoàn tất các khâu trang bị vật tư và sẵn sàng kiểm định các lõi IP phức tạp.

Nhờ những chính sách khuyến khích của nhà nước, phong trào nghiên cứu vi mạch những năm gần đây tại các trường, viện đã phát triển mạnh mẽ. Một số các nghiên cứu từ các trường đã hướng đến phát triển một số lõi IP có độ phức tạp từ thấp đến cao, đánh dấu những nỗ lực ban đầu của đội ngũ nghiên cứu khoa học Việt Nam.

Mai Khanh

>> Ven sông Sài Gòn sẽ có khu nông nghiệp làng nghề và du lịch sinh thái
>> Một dự án công nghệ cao tăng vốn 870 triệu USD
>> Ô tô công nghệ cao cho người lớn tuổi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.