Dota 2: Năm căn bệnh kinh niên của "gà" và "cách chữa"

25/02/2014 13:30 GMT+7

Bạn có bao giờ tự hỏi rằng mình chơi game rất lâu rồi sao vẫn bị gọi là “noob” chưa? Hãy xem qua những lý do sau đây nhé.

Hẳn là khi chơi Dota 2, sẽ không ít lần bạn bị gọi là “noob”. Khác với “newbie” dùng để chỉ người chơi kém do mới làm quen với game, từ “noob” dành cho những người đã chơi rất lâu mà vẫn không thể khá lên. Nói cách khác thì họ không nắm được cách hoạt động cũng như các nguyên tắc của trò chơi.

Các chú “gà” này dù có chơi bao lâu đi nữa cũng vẫn không thể “thấu hiểu” được những điều cơ bản và “ăn hành” ngày này qua ngày khác. Biết đâu đó, bạn lại chính là một trong số này mà không hề hay biết… Hãy cùng Thanh Niên Game (TNG) làm một vài “xét nghiệm” lâm sàng nhé.

Nếu bạn đã chơi trên 300 trận mà vẫn mắc phải những sai lầm sau đây, rất có thể bạn chính là kẻ làm đồng đội nổi điên mỗi trận nhưng đừng quá lo lắng, bệnh nào cũng sẽ có thuốc chữa. Chúng tôi không cam đoan sau bài viết này bạn sẽ trở thành những Dendi hay Mushi, nhưng đảm bảo tay nghề Dota 2 của bạn sẽ được cải thiện đáng kể.

Triệu chứng thứ 1: Bạn biết rất ít về các Hero

Ai cũng có vài hero yêu thích nhưng nếu bạn chơi tới 300 trận mà vẫn không biết nổi phân nửa số hero mình đối mặt hằng ngày mạnh yếu ra sao thì thực sự bạn đang chơi Dota 2 kiểu “thầy bói xem voi”.

Nguyên nhân căn bệnh: Am hiểu hơn 100 có thể nói khá “khoai” nhưng không phải là không thể. Dù chỉ chơi một hay hai hero yêu thích thì trong những trận đấu bạn cũng sẽ lần lượt giáp mặt tất cả các hero, chủ yếu là do bạn không rút ra kinh nghiệm và tập trung quan sát chúng có kỹ năng gì, thời gian hồi chiêu ra sao, v.v.

Di chứng kinh hoàng: Đây là tai họa cực lớn, bạn đi đường mà không biết hero đối diện có cái gì, skill như thế nào thì làm sao bạn đưa ra lối chơi hợp lý? Hay là bất chấp tất cả mà bay vào… feed.

Thuốc chữa: Hãy chơi nhiều hero hơn, thỉnh thoảng hãy thử chọn ngẫu nhiên để trải nghiệm hero mới. Thử trước với bot (máy) sẽ là lựa chọn thông minh hơn cả.

Khi thử nghiệm, bạn sẽ biết được điểm mạnh và điểm yếu của hero, như các cụ đã dạy: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Chí ít bạn cũng nên biết khi Lich bắn ra quả cầu trắng trắng nảy qua nảy lại thì tốt nhất là nên chạy càng xa đồng đội càng tốt.

Triệu chứng thứ 2: Ở lì một đường

Ở giai đoạn đầu, bám lane là điều vô cùng quan trọng, nó giúp bạn có được lượng tiền và kinh nghiệm cần thiết để bước vào những cuộc giao tranh vào giữa trận đấu. Điều cần lưu ý là bạn bám lane chứ không phải… ở lì đó luôn.

Đảo lane, cùng đồng đội đẩy trụ, gank lẻ hay thậm chí tự đẩy một lane là điều rất tốt, nó giúp bạn giành quyền kiểm soát bản đồ và tạo ưu thế cho đội nhà. Chẳng đội muốn có một thành viên chỉ biết… ngồi chơi với quái.

Nguyên nhân căn bệnh: Khả năng đọc tình huống chưa tốt, họ không nắm được ai là kẻ họ nên đánh, ai là người họ nên giúp. Quá nhiều thứ để tính toán nên họ chọn phương án an toàn nhất là… ngồi một chỗ.

Di chứng kinh hoàng: Ở lì một chỗ như vậy không những bạn không giúp được gì cho đồng đội mà còn trở thành một món mồi béo bở cho ganker phía địch.

Thuốc chữa: Hãy chơi thử một vài hero có thiên hướng gank, điều này thúc đẩy bạn phải đi tìm con mồi. Bạn sẽ không thể đứng một chỗ khi chơi những hero như Lion hay Night Stalker, bản năng “săn mồi” sẽ thúc đẩy bạn rời khỏi “tổ ấm” và lao ra đường “kiếm ăn”.

Triệu chứng thứ 3: Nhìn mini map (bản đồ nhỏ) kém

Mini map là công cụ cực kỳ hữu dụng trong bất kì game MOBA nào, kể từ Dota trên nền Warcraft 3. Việc sử dụng mini map tốt hay không là một yếu tố quan trọng quyết định “trình độ” của bạn.

Nếu bạn đã chơi hơn 300 trận mà vẫn không thể phán đoán được những điều tối thiểu đang diễn ra trong trận đấu thì “bệnh” của bạn khá nặng và xin nói thêm rằng, Dota 2 không có hack map nên bạn phải tự rèn luyện thôi.

Nguyên nhân căn bệnh: Hầu như người chơi đều quá tập trung vào việc last hit hoặc dè chừng tướng cùng đường mà quên để ý mini map.

Di chứng kinh hoàng: Nếu bạn không có thói quen sử dụng mini map, bạn sẽ không khác nào một “chú nai ngơ ngác” chờ địch tới “làm thịt” vì đứng farm quá cao. Lười quan sát mini map còn làm các Supporter phí tiền cắm mắt vì bạn chẳng bao giờ để ý tới diễn biến xung quanh, chỉ chăm chăm last hit mấy con quái.

Thuốc chữa: Hãy tập chơi vài Hero có kỹ năng toàn bản đồ như Nature Prophet, Zeus hay Clockwerk. Đây là những hero có khả năng can thiệp vào cuộc chiến ở các lane khác, sử dụng chúng thì bạn sẽ tập làm quen với việc theo dõi diễn tiến trên toàn bản đồ.

Triệu chứng thứ 4: Điều khiển nhầm “con gà” (carrier)

Chắc hẳn không ít lần giữa lúc nước sôi lửa bỏng bạn cùng đồng đội tròn mắt khi thấy chú gà chở đồ mỏng manh lon ton băng qua nơi “tên bay đạn lạc”. Ai cũng cuống cuồng cứu “em nó”, dẫn đến lộ sơ hở và phần thua chắc chắn sẽ thuộc về đội của bạn. Khi tất cả “nắm tay” nhau “lên bảng” thì cũng là lúc cuộc tranh luận đổ lỗi vụ con gà nổ ra.

Nguyên nhân căn bệnh: Mọi người thường gán cho chú gà này một hotkey (phím tắt) để sử dụng cho dễ và việc bấm nhầm hotkey là chuyện thường tình.

Di chứng kinh hoàng: Biếu không cho đội bạn 875 gold là điều khá tệ, nhưng làm cả đội mất tập trung còn tệ hơn rất nhiều. Đây thực sự là một lỗi khá nặng mà lại vô cùng phổ biến.

Thuốc chữa: Thường thì do bạn để hotkey điều khiển gà quá gần với hotkey điều khiển Hero nên tình trạng bấm nhầm trường xảy ra, hãy thử điều chỉnh lại thói quen này với phím bấm khác.

Triệu chứng thứ 5: Bổn cũ soạn lại

Một hero có khá nhiều kiểu lên đồ, nếu bạn cứ giữ khư khư một kiểu thì sẽ có lúc bộ đồ bạn cho là hoàn hảo sẽ khiến bạn ngậm trái đắng.

Lấy ví dụ, ai cũng biết Spectre rất cần Radiance nhưng món đồ này thực sự rất đắt. Nếu cả đội đang gặp khó khăn, bạn sẽ chẳng bao giờ có được Radiance đâu. Những lúc thế này, Difusal Blade hay Yasha thực sự lại là phương án hợp lý hơn rất nhiều.

Nguyên nhân căn bệnh: Có thể do sở thích, cũng có thể do đọc tình huống kém, hay nặng hơn là “lười” nên không muốn tìm hiểu để thay đổi công thức “danh bất hư truyền” bấy lâu nay.

Di chứng kinh hoàng: Nếu đã trải qua 300 trận, bạn thực sự đã có cơ hội thử qua nhiều kiểu lên đồ và biết được điểm mạnh yếu của từng cách. Nếu cứ giữ mãi một phương án thì bạn sẽ trở thành gánh nặng cho đồng đội.

Thuốc chữa: Hãy học cách phân tích điểm mạnh yếu của đối phương, nếu họ có quá nhiều sát thương phép thuật hay disable lợi hại như stun, hex thì Black King Bar sẽ là lựa chọn hàng đầu. Còn nếu tướng chính của địch có khả năng né tránh hay đã lên được Butterfly, hãy sắm ngay một chiếc Monkey King Bar để “gõ” vào đầu hắn.

Có công mài sắt có ngày nên kim, hi vọng với những “thang thuốc” trên đây, bạn có thể chữa cho mình những lỗi vặt và tiến bộ hơn, không còn là gánh nặng của đồng đội nữa. Nếu còn thiếu “bệnh” nào, hãy comment phía dưới đây để Thanh Niên Game bổ sung các bạn nhé!

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.