Sau 4 tập đầu khá hấp dẫn với những màn đối đáp thẳng tưng giữa các “Sếp” (là các chủ doanh nghiệp) và ứng viên, từ tập 5 gameshow truyền hình “Cơ hội cho ai - Whose Chance” có sự xuất hiện của một nhân vật mới: ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Hiệp Phát.
|
Vốn là người ít xuất hiện ở “chốn ồn ào” và được coi là làm giỏi hơn nói, việc ông Thanh tham dự chương trình gây khá nhiều tò mò. MC Lại Văn Sâm cũng nói ông cảm thấy rất thú vị với doanh nhân 66 tuổi này.
“Muốn thành doanh nghiệp trăm năm, Tân Hiệp Phát phải xây dựng từ những người trẻ hôm nay”
“Khi nhận được thư mời tham dự chương trình, ban lãnh đạo muốn giao cho Phó tổng giám đốc phụ trách nhân sự tham gia. Nhưng sau khi cân nhắc, tôi muốn đích thân tôi đi vì cảm thấy cần tiếp xúc với những người trẻ để hiểu hơn về tố chất, suy nghĩ của các bạn trẻ hiện nay”, Dr Thanh cho biết.
Điều khá bất ngờ là khi tham dự chương trình, ông chủ Tân Hiệp Phát lại không nói quá nhiều trên trường quay. Không vồ vập với các ứng viên, ông Thanh thường trầm ngâm, quan sát và nghe những “sếp” khác đối đáp với ứng viên.
|
“Các bạn trẻ rất thú vị, dám nghĩ dám làm và có những cơ hội trải nghiệm toàn cầu sớm hơn thời của tôi rất nhiều. Tôi đánh giá cao tinh thần không gì là không thể và đầy nhiệt huyết, đam mê của các ứng viên trẻ”.
Tại chương trình, có những ứng viên chỉ ở độ tuổi hơn 20, nhưng tự tin thuyết trình về năng lực bản thân, các dự định công việc và thuyết phục nhà tuyển dụng về giá trị của mình. Điều đó gây ấn tượng tốt với vị doanh nhân có tiếng là khắt khe này.
“Tân Hiệp Phát đang hướng tới cột mốc 100 năm tồn tại và phát triển. Hiện thế hệ tôi đã chuyển giao rất sâu quyền điều hành cho thế hệ trẻ. Nên sự tự tin, khát vọng, tinh thần muốn thể hiện mình của các bạn trẻ ở Tân Hiệp Phát và trong chương trình này khiến tôi cảm nhận được tương lai tốt đẹp của công ty”, ông Thanh chia sẻ.
|
“Người trẻ muốn thành công, phải lắng nghe và rèn giũa nhiều hơn”
Qua quan sát và tương tác với các ứng viên tại chương trình “Cơ hội cho ai - Whose Chance”, ông Thanh nhận thấy một số ứng viên quá tự tin vào bản thân và thiếu trải nghiệm nên không đạt được mục tiêu nghề nghiệp như kỳ vọng.
“Từ việc nhỏ thôi, là lắng nghe kỹ câu hỏi để hiểu nhà tuyển dụng đang nói gì, cho đến việc sẵn sàng thừa nhận mình chưa biết hơn là cố gắng… nói bừa. Tất cả những điều đó đều được nhà tuyển dụng nhìn thấy để đánh giá ứng viên, chứ không chỉ là việc nói trôi chảy, bằng cấp tốt”.
Dưới góc nhìn của một doanh nhân có gần nửa thế kỷ trải nghiệm thương trường, ông Thanh cho biết ông đánh giá cao những người biết lắng nghe và đưa ra phản hồi mang tính chất đàm phán để tìm điểm chung.
“Có câu nói này: Chúng ta phải im lặng trước khi có thể lắng nghe - Chúng ta phải lắng nghe trước khi có thể học hỏi. Việc tuyển dụng nhân sự cũng như mọi cuộc đàm phán trong kinh doanh, hai bên phải lắng nghe để hiểu nhau, rồi cùng tìm những điểm chung. Tuyển dụng sai cũng như quyết định sai trong kinh doanh, đều lãng phí thời gian và cơ hội cho cả ứng viên và doanh nghiệp” - lời Dr Thanh.
|
Theo ông Thanh: “Qua việc lắng nghe nhau, ứng viên cũng hiểu thêm về triết lý doanh nghiệp, và so sánh với những khát vọng của mình. Các công ty tốt đều rất kỷ luật, nhưng kỷ luật là để rèn giũa ra những người chuyên nghiệp và thực thi tốt các mục tiêu, chứ không phải để đồng hóa và kìm hãm sự sáng tạo, đột phá”.
Doanh nhân này cho rằng, việc non kinh nghiệm, thiếu trải nghiệm thực tế hoàn toàn có thể bù đắp được nếu người trẻ biết học hỏi và được rèn giũa trong một môi trường tốt.
“Thành công của một cá nhân trong tổ chức là sự kết hợp hài hòa giữa kỷ luật, đào tạo, năng lực phát triển con người của tổ chức với những tố chất sẵn có và tinh thần cầu thị, quyết tâm theo đuổi mục tiêu của cá nhân. Đó cũng là lý do vì sao Tân Hiệp Phát luôn coi những ứng viên có giá trị cá nhân tương đồng với giá trị cốt lõi của công ty là những ứng viên hàng đầu”, ông chủ Tân Hiệp Phát nói.
Bình luận (0)