Felix Finkbeiner là một trong những đại diện thiếu nhi hiếm hoi được mời phát biểu trước Đại hội đồng LHQ vào năm 2011. Với bề ngoài chẳng khác nào nhân vật Harry Potter, Finkbeiner đặt câu hỏi trước cử tọa người lớn về những vấn đề thay đổi khí hậu. “Chúng con biết rằng người lớn hiểu được những thách thức và cũng biết về các giải pháp, nhưng chúng con không hiểu tại sao lại có quá ít hành động thực tế”, theo Đài National Geographic. Và các em thiếu nhi đã đưa ra 3 lý do để giải thích tình trạng này, một trong số đó là những cách nhìn nhận khác nhau về ý nghĩa của từ “tương lai”.
Đối với hầu hết người trưởng thành, đó là câu hỏi mang tính học thuật, nhưng đối với “đa số chúng con, đây lại là câu hỏi của sự tồn tại”, vì “thế kỷ 21 vẫn nằm trong khoảng thời gian sống của chúng con”, học sinh người Đức nhấn mạnh. Một cách giải thích khác là thái độ chối bỏ tình trạng ấm lên toàn cầu, trong khi lý do thứ 3 được diễn tả vô cùng hình tượng theo quan điểm của trẻ nhỏ.
“Nếu mọi người để một con khỉ chọn lấy ngay một quả chuối hoặc đợi sẽ được 6 quả chuối sau đó, tất nhiên khỉ luôn chọn quả chuối trước mặt. Từ khía cạnh này, thiếu nhi chúng con hiểu rằng không thể nào tin tưởng chỉ có người lớn mới cứu lấy tương lai của chúng con. Để đạt được mục tiêu này, chúng con buộc phải giữ lấy tương lai trong tầm tay mình”, Finkbeiner nói.
tin liên quan
Khi sinh viên được giao việcNhờ được tin tưởng giao trách nhiệm khi còn trên giảng đường, các sinh viên ở nhiều đại học trên thế giới có cơ hội thực hành các kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm quý báu cho cuộc sống.
Sáng kiến từ bài tập về nhà
Vào thời điểm phát biểu tại New York, Finkbeiner mới 13 tuổi nhưng đã dẫn đầu phong trào môi trường ấn tượng suốt 4 năm. Phong trào “Trồng cây cho trái đất” do Finkbeiner khởi xướng đã thiết lập một mạng lưới trên thế giới, bao gồm các nhà hoạt động trẻ tuổi, nỗ lực làm chậm lại tình trạng ấm lên toàn cầu bằng cách khôi phục những cánh rừng xanh cho hành tinh.
Sáng kiến này là kết quả của bài tập về nhà dành cho học sinh lớp 4 ở thành phố quê hương Finkbeiner - Uffing am Staffelsee, phía nam Munich. Đề tài là về thay đổi khí hậu. Và đối với thế giới quan của một cậu bé 9 tuổi, điều này có nghĩa là loài động vật yêu thích của mình, gấu trắng, đang đối mặt với nguy hiểm.
Trong quá trình tìm kiếm trên Google, Finkbeiner tìm thấy bài viết về Wangari Maathai, một phụ nữ Kenya được trao giải Nobel Hòa bình năm 2004 nhờ chiến dịch khôi phục vùng đất cằn cỗi của quê hương bằng cách trồng 30 triệu cây non.
“Tôi nhận ra rằng câu chuyện không thực sự về gấu trắng, mà là cứu lấy loài người”, Finkbeiner, giờ là sinh viên Đại học London (Anh), chia sẻ. Bài báo cáo về cây xanh đã gây ấn tượng trong dư luận vào năm 2007 và Finkbeiner quyết tâm đặt mục tiêu trồng 1 triệu cây ở Đức, dù chẳng ai cho rằng cậu bé có thể làm được.
Thầy giáo của Finkbeiner đã đề nghị cậu trình bày lại bài thuyết trình trước các học sinh khác cùng hiệu trưởng, và hai tháng sau cậu trồng cây đầu tiên gần cổng trường. Đó là cây táo dại nhỏ bé và tầm thường, nhưng Finkbeiner thú nhận nếu biết hành động khởi đầu của mình thu hút sự chú ý đến thế của giới truyền thông toàn cầu, ắt hẳn cậu đã đề nghị mẹ mua một giống cây “oách” hơn.
tin liên quan
Giới trẻ và giấc mơ chinh phục những vì saoVũ trụ có vẻ không còn quá xa vời đối với những bạn trẻ đang là nhân tố chính trong các chương trình nghiên cứu không gian.
14 tỉ cây xanh
Cùng với khả năng diễn thuyết lưu loát của Finkbeiner, dự án của học sinh Đức đã nhanh chóng lan tỏa khắp nơi. Thế là cậu bé được mời nói chuyện trước Nghị viện châu Âu và tham gia các hội nghị của LHQ ở Na Uy, Hàn Quốc. Vào thời điểm Finkbeiner có bài phát biểu gây xúc động ở tổng hành dinh LHQ tại New York năm 2011, Đức đã hoàn thành mục tiêu trồng cây thứ 1 triệu và tổ chức “Trồng cây cho trái đất” chính thức được khai trương, với website và nhân viên làm việc toàn thời gian.
Giờ đây Finkbeiner đã 19 tuổi và tổ chức “Trồng cây cho trái đất” cùng với chiến dịch “Nghìn tỉ cây” của LHQ đã trồng được hơn 14 tỉ cây tại ít nhất 130 nước. Tổ chức này cũng đang thiết lập các mục tiêu mới nhằm đẩy mạnh nỗ lực trồng 1.000 tỉ cây, tức 150 cây cho mỗi con người trên trái đất.
Tổ chức của sinh viên Đức cũng thúc đẩy chiến dịch tiên phong nhằm đếm cây xanh trên quy mô toàn cầu dựa trên mục đích khoa học. Kết quả thu được đang được Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) sử dụng trong cuộc nghiên cứu về năng lực hấp thu carbon dioxide của rừng, và tiềm năng bảo vệ trái đất.
Hiện Finkbeiner đã tuyển mộ khoảng 55.000 “đại sứ công bằng cho khí hậu”, thu hút những người trẻ tuổi góp phần vào nỗ lực ứng phó nguy cơ môi trường đang chực chờ. Đa số các đại sứ có tuổi từ 9 - 12. “Finkbeiner là một sự kết hợp giữa năng lực khơi nguồn cảm hứng và tài hùng biện”, theo nhà sinh thái học Thomas Crowther, từng tham gia dự án đếm cây xanh trong lúc công tác tại Đại học Yale (Mỹ).
Để trả lời câu hỏi “Trái đất có bao nhiêu cây?” của Felix Finkbeiner, Đại học Yale đã tiến hành cuộc nghiên cứu trong 2 năm và theo báo cáo được đăng tải trên chuyên san Nature vào năm 2015, hành tinh xanh được ước lượng có 3.000 tỉ cây. Tuy nhiên, khoảng 10 tỉ cây đang mất đi mỗi năm. Với dự án trồng 1.000 tỉ cây, nhóm của Finkbeiner có thể giúp hấp thu 10 tỉ tấn CO2 mỗi năm và nhà hoạt động trẻ tuổi hy vọng điều này có thể trì hoãn được ngày thảm họa ập đến để thế giới có thái độ nghiêm túc hơn về việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Họ đang liên lạc với giới tỉ phú trên toàn thế giới cho mục tiêu đầy tham vọng của mình.
|
Bình luận (0)