Dự án 5 triệu ha rừng: Tạo việc làm cho 4,6 triệu lao động

27/04/2011 16:37 GMT+7

Sau 13 năm triển khai, Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng đã tạo việc làm cho 4,6 triệu lao động, trồng mới 2,45 triệu ha rừng và mang lại hiệu quả lớn về kinh tế, môi trường.

Hôm nay (27/4), Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến giữa các bộ, ngành, địa phương Tổng kết Dự án Trồng mới 5 triệu ha rừng. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Hội nghị.

 
Ảnh: Chinhphu.vn

Trồng được hơn 2,45 triệu ha

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết, qua 13 năm thực hiện dự án “Trồng mới 5 triệu ha rừng”, cả nước đã trồng được hơn 2,45 triệu ha (đạt 49% dự án).

Trong đó, rừng phòng hộ, đặc dụng được hơn 898 nghìn ha, rừng sản xuất được gần 1,56 triệu ha. Nếu tính cả diện tích rừng khoanh nuôi tái sinh tự nhiên 1,28 triệu ha, tổng diện tích gây rừng mới đạt trên 3,73 triệu ha (đạt 74,6% dự án).

Vùng nguyên liệu tập trung cho phát triển các khu chế biến giấy, ván nhân tạo, gỗ trụ mỏ… đã được hình thành. Sản lượng khai thác rừng trồng hàng năm không ngừng tăng nhanh, từ vài trăm nghìn m3/năm đã lên đến 4,5 triệu m3 năm 2010. Hiện 1.200 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 3,55 tỷ USD.

Tuy dự án chưa đạt được mục tiêu ban đầu về chỉ tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng nhưng đã có hiệu quả lớn về môi trường, xã hội và kinh tế. Dự án đã tạo việc làm và thu nhập cho hơn 4,6 triệu lao động nông thôn. Tỷ lệ che phủ rừng của cả nước từ 32% năm 1998 đã tăng lên 39,5% cuối năm 2010.

Phân tích các nguyên nhân chưa thực hiện được mục tiêu dự án, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, rừng trải rộng trên địa bàn cả nước, tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, sức ép dân số lên đất rừng và đất lâm sản còn lớn, nhất là đối với nhứng vùng miền núi thiếu đất sản xuất nông nghiệp, là nơi dân di cư tự do.

Đất quy hoạch giành cho trồng rừng thường là đất xấu, tầng đất mỏng, nghèo dưỡng chất, phân tán và xa đường giao thông, địa hình chia cắt phức tạp, cơ sở hạ tầng thiếu thốn.

Bên cạnh đó, nhận thức về lâm nghiệp của các ngành có chuyển biến nhưng chưa quan tâm toàn diện; việc thực hiện xã hội hóa lâm nghiệp còn chậm, tiến độ cho thuê rừng và đất lâm nghiệp chậm.

Nâng độ che phủ rừng lên 43% vào năm 2015

Tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp cả nước là hơn 16,2 triệu ha, diện tích rừng đã có đạt hơn 13,4 triệu ha. Trên cơ sở phân tích diện tích rừng hiện có và cơ cấu đất trồng còn lại, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang xây dựng Chương trình Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2011 – 2015.

Theo đó, Chương trình dự kiến sẽ nâng độ che phủ rừng đạt 42-43% năm 2015; nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị của rừng; đảm bảo cung cấp gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản để sản xuất. Trong giai đoạn này, dự kiến trồng mới 450 nghìn ha rừng.

Để thực hiện mục tiêu trên, dự kiến tổng vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là gần 25 tỷ đồng.

Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, việc cho thuê rừng, giao rừng sẽ được rà soát, đảm bảo tất cả diện tích rừng có chủ quản lý cụ thể; cơ bản hoàn thành công tác giao rừng, cho thuê rừng, đất lâm nghiệp và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gắn với rừng vào năm 2015.

Hệ thống tổ chức kiểm lâm thống nhất ở các địa phương cũng sẽ được kiện toàn, đảm bảo tổng biên chế kiểm lâm toàn quốc bình quân 1.000 ha rừng có 1 kiểm lâm, đến năm 2015 bổ sung thêm khoảng 3.000 biên chế kiểm lâm.

Bên cạnh đó, việc khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài được quy định cụ thể theo hướng hưởng lợi trực tiếp lâm sản theo quy định của pháp luật.

Bảo vệ, phát triển rừng: Điều kiện sống còn để phát triển

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Chinhphu.vn

Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, mục tiêu chung nhất sau 13 năm thực hiện dự án về cơ bản đã đạt được. Kết quả lớn nhất là nâng được độ che phủ rừng, nhờ đó tác động của rừng đối với môi trường được tốt hơn. Chủ trương về trồng rừng mới, khoanh nuôi, bảo vệ, chăm sóc phát triển rừng đã nâng cao đời sống, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Đồng thời, các mô hình sản xuất trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng đã được tổ chức lại và có kết quả bước đầu. Nhiều mô hình mới, cách làm hay, công nghệ mới cũng đã được áp dụng hiệu quả.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những vấn đề lớn còn tồn tại là độ che phủ rừng còn thấp, đất trống, đồi núi trọc còn lớn.

Chất lượng rừng cũng chưa cao. Từ rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng nơi xung yếu cho tới rừng đặc dụng, rừng sản xuất chưa được quy hoạch, tổ chức để có chất lượng tốt. Trình độ trồng và sản xuất rừng còn hạn chế.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về rừng, từ quy hoạch, giao đất, giao rừng, tổ chức mô hình sản xuất để làm nghề rừng, bảo vệ, thanh tra kiểm tra cho tới ban hành những chính sách cần thiết để khuyến khích việc trồng rừng bảo vệ rừng tập trung, rừng phân tán còn nhiều tồn tại. Việc huy động nguồn lực cho việc trồng rừng, bảo vệ rừng, quản lý nhà nước về rừng chưa được đảm bảo, chưa làm cho người dân hăng hái trong việc giữ rừng, bảo vệ rừng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu trong thời gian tới. Đó là phải xây dựng được chương trình phát triển và bảo vệ rừng trong 10 năm. Đưa việc trồng mới rừng gắn với các chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, nông thôn mới…

Đặc biệt, cần nâng cao hơn nữa nhận thức về bảo vệ, phát triển rừng trong cả hệ thống chính trị, coi đây là điều kiện sống còn để phát triển đất nước, giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là giảm nghèo. Cần coi đây là nhiệm vụ lâu dài, bền bỉ, có tầm chiến lược.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý, nhiệm vụ quan trọng trong thời gian tới là làm tốt công tác quy hoạch tổng thể, gắn liền với đánh giá hiện trạng về số lượng, chất lượng, sở hữu…

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan phối hợp với các địa phương nhanh chóng tổng kết, rà soát lại việc giao đất, giao rừng, xác định chủ sở hữu rừng.

Đặc biệt, cần tăng cường quản lý nhà nước, phân công tổ chức bảo vệ rừng, xây dựng đội ngũ bảo vệ dân quân kết hợp. Cần làm sao để người dân trên địa bàn được hưởng lợi ích từ rừng, tự bảo vệ rừng, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Theo Cổng TTĐT Chính phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.