"Chỉ cần dịch mic thu âm sang 1 cm thì âm thanh đã khác rồi, và chúng tôi phải tính toán để đặt đúng từng cm", Giám đốc âm nhạc Nguyễn Tuấn Nam nói về quá trình thu âm dự án âm nhạc Live Studio Session của "họa mi" bán cổ điển Phạm Thu Hà. Đây là dự án ghi âm, ghi hình trực tiếp một chương trình của nữ ca sĩ Phạm Thu Hà.
Nữ ca sĩ cho biết, Live Studio Session có 20 ca khúc chắt lọc từ những nhạc phẩm cô thường hay nghe, chúng thể hiện rất rõ sự thăng, trầm của Phạm Thu Hà trong cuộc sống.
"Tôi muốn "cư trú" những cảm xúc của mình bằng âm nhạc, mong âm nhạc thể hiện nỗi lòng mình. Hy vọng những người bạn, người thân, khán giả của mình sẽ cảm nhận được những cảm xúc đó khi nghe sản phẩm", Phạm Thu Hà nói.
Cùng "chạy đua" với việc chính xác từng cm đó với ông Nguyễn Tuấn Nam là đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa. Đạo diễn âm thanh này đã hoàn thành việc chuẩn bị thu âm và thu âm trong 2 ngày, trong đó việc thu âm trực tiếp chỉ diễn ra trong 1 tiếng. Anh Nghĩa cho biết để làm việc đó, anh đã phải tính toán cho chương trình trong 2 tháng, sắp đặt máy móc trong 1 ngày rưỡi và thời gian còn lại để cùng mọi người chuẩn bị cũng như thu âm.
Việc thu âm được các nghệ sĩ xác định là không thể có sai sót. Vì thế, việc sản xuất chương trình diễn ra theo cách khác với cách ghi âm thông thường. Anh Nghĩa cho biết, bình thường việc thu âm diễn ra trong phòng thu, các nghệ sĩ sẽ ngồi phòng riêng, được cách âm toàn bộ. Trong khi đó, ở đây tất cả sẽ ngồi cùng nhau như trong một buổi biểu diễn; thêm vào đó là việc ghi hình trực tiếp.
"Trong quá trình thu âm, chỉ có 2 bài phải thu lại bởi Phạm Thu Hà quá xúc động, chứ không phải do lỗi của kỹ thuật và dàn nhạc. Điều này cũng thể hiện trình độ chuyên môn rất cao của ca sĩ, dàn nhạc cũng như ê kíp sản xuất", đạo diễn âm thanh Nguyễn Duy Nghĩa nhớ lại.
Cả trăm mic ghi âm đã được tính toán vị trí để được đặt chính xác, hướng tới việc thu những âm thanh tốt nhất của từng vị trí âm nhạc: người hát, dàn dây, dàn kèn…
Cảm giác của Nguyễn Duy Nghĩa là vô cùng hạnh phúc vì được các bộ phận còn lại điều chỉnh theo yêu cầu kỹ thuật của mình. "Khi tôi nói tôi cần bắt micro ở đây để âm thanh đạt tối ưu, Phạm Thu Hà liền nói "ok". Anh Tuấn Nam cũng vậy, anh sẵn sàng điều chỉnh theo những yêu cầu của tôi. Trong 15 năm làm việc, đây là dự án tôi hạnh phúc nhất", anh Nghĩa chia sẻ.
Dự án có "động cơ đốt trong"
Đạo diễn hình ảnh Đỗ Hồng Sơn cũng chịu sức ép từ yêu cầu âm thanh đó. Trong suốt quá trình ghi hình, bộ phận quay phim không được phép phát ra bất cứ tiếng động nào để không ảnh hưởng chất lượng âm thanh. Vì thế, nhiều máy móc quay đã bị loại bỏ. Bù lại, số camera được tăng lên nhiều lần để có thể ghi được hình ảnh nghệ sĩ kỹ càng.
Đỗ Hồng Sơn cũng vui vẻ chia sẻ về việc "muốn gì được nấy" khi ghi hình.
"Các dự án trước đây tôi làm, cả MV ca nhạc, phim ngắn hay phim quảng cáo, câu tôi được nghe nhiều nhất là "không" từ đơn vị sản xuất hoặc nhà tài trợ. Đây là dự án đầu tiên trong đời tôi có cảm giác tất cả mọi thứ đều "có". Chị Phạm Thu Hà luôn nói: "Em cứ làm đi". Về mặt kinh phí, tôi không phải lo và không có khó khăn gì cả. Điều khó khăn chỉ là tìm được cây cỏ và giữ chúng tươi nguyên, đẹp đẽ để đưa vào trường quay".
Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Nam chia sẻ, dự án Live Studio Session này rất khó về kỹ thuật. "Ê kíp chúng tôi làm vì nhu cầu từ bên trong, muốn được làm một chương trình hay và kỹ thuật khó. Việc ghi âm, ghi hình như vậy sẽ đem lại cảm giác thật, cảm xúc thật và sự chân thật, điều đó rất quý", nam nhạc sĩ nói về "động cơ đốt trong" của ê kíp.
Phạm Thu Hà cho biết, chương trình sẽ được chia thành 4 phần, lần lượt giới thiệu trong năm. Đợt ra mắt đầu tiên vào 14.2 tới, nữ ca sĩ giới thiệu 4 tác phẩm trên kênh YouTube cá nhân, website cá nhân và sportify gồm các ca khúc trữ tình, như: Phố mùa đông (Bảo Chấn), Biết mãi là bao lâu (Đỗ Bảo), Đời có bao nhiêu ngày vui (Châu Đăng Khoa), Xin lỗi (Hồ Tiến Đạt).
Phần tiếp theo là màn kết hợp của cô với 2 giọng ca trẻ Nguyễn Đình Tuấn Dũng, Phạm Anh Duy. Phần 3 dự kiến ra mắt vào ngày giỗ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với các tác phẩm của ông. Phần 4 đưa khán giả trở về một không gian đậm chất cổ điển. Cô cũng cho biết sẽ chọn 8 bài chất lượng tốt nhất để ra đĩa.
Với lượt ra mắt đầu tiên, các tác phẩm được phối mới công phu và khi "chào hàng", các nhạc sĩ, nhạc công đã có phản hồi tích cực. "Anh Đỗ Bảo là người phối khí rất giỏi. Anh ấy đã gọi cho tôi và đề nghị cùng hợp tác", nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Nam, người đã phối mới bản Biết mãi là bao lâu của Đỗ Bảo theo phong cách jazz, cho biết.
Vào tối 11.2, đêm nhạc mang tên Be my love với một số tác phẩm trong dự án được thực hiện tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia (Hà Nội), mở đầu cho chuỗi liveshow của Phạm Thu Hà trong năm 2023. Chương trình này không bán vé, khách mời tùy tâm đóng góp. Toàn bộ số tiền thu được, nữ ca sĩ quyên góp để xây chùa tại TP.HCM.
Bình luận (0)