Trước đó, một số thông tin cho rằng, việc chậm trễ này là do chủ đầu tư thiếu năng lực. Để làm rõ các thông tin này, chúng tôi đã có buổi làm việc với chủ đầu tư ngay tai công trường dự án.
Công nhân ngồi chơi, giàn thiết bị gần 50 tỉ "đắp chiếu"
Dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa - đoạn 2 (sông Sài Gòn - Khu vực khách sạn Sài Gòn Domine) có tổng chiều dài toàn tuyến kè là 2.797m, do Khu quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT TP.HCM) làm chủ đầu tư. Dự án được chia thành 2 gói thầu gồm xây dựng công trình phần dưới nước (76.754 tỉ đồng) và xây dựng phần công trình trên cạn (204.495 tỉ đồng). Công ty Cổ phần Tập đoàn Anh Vinh là doanh nghiệp đã tham gia đấu thầu và trúng thầu, trở thành nhà thầu thi công công trình.
Đáng nói, trong báo cáo mới đây về tình hình thực hiện dự án chống sạt lở bán đảo Thanh Đa, Khu Quản lý đường thủy nội địa cho biết gói thầu xây dựng phần công trình dưới nước tiến độ thực hiện 8 tháng nhưng khởi công từ tháng 8.2014 đến giờ vẫn chưa hoàn thiện. Trong khi đó, phần trên cạn dự kiến về đích vào tháng 3.2019 nhưng đến nay khối lượng thi công mới đạt khoảng 30%.
Trao đổi với ông Nguyễn Văn Đặng, Phó Tổng giám đốc Công ty Anh Vinh ngay tại công trường dự án, vị này khẳng định việc chậm trễ hoàn toàn do giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, ông Đặng cho biết ngay từ khi Khu Quản lý đường thủy nội địa có lệnh khởi công xây dựng công trình, công ty đã huy động 5 sà lan, 4 giàn cần cẩu đóng cọc, 1 giàn đóng cừ larsen với tổng giá trị khoảng 10 tỉ đồng mỗi giàn để tổ chức thi công thực hiện. Thế nhưng, do vướng giải phóng mặt bằng, công trình phải hoạt động cầm chừng và vài tháng này đã phải tạm ngưng hẳn. Tuy nhiên công ty vẫn không thu thiết bị về mà để nằm tại công trường để chủ động, khi nào có mặt bằng tiếp tục làm ngay.
|
"Thiết bị của chúng tôi gấp đôi so với hợp đồng về trang thiết bị, lại hoàn toàn của công ty chứ không phải đi thuê như các nhà thầu khác thì không thể nói chúng tôi không đủ năng lực như một số thông tin. Chưa kể bản thân công ty còn tự bỏ tiền ra ứng trước bồi thường cho các hộ đồng ý di dời. Làm gì có doanh nghiệp nào muốn gần 50 tỉ đồng thiết bị "đắp chiếu" một chỗ, anh em công nhân ngồi chơi, thiệt hại vài chục tỉ đồng như vậy" - ông Đặng vừa nói, vừa chỉ tay về phía mấy lán nhỏ phía trên bờ kè - nơi công nhân trực chờ có mặt bằng để làm việc.
Chậm do cơ chế giá đề bù
Theo báo cáo của Khu Quản lý đường thủy nội địa, Khu và Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh đang phối hợp vận động các tổ chức, cá nhân bị ảnh hưởng trong dự án bàn giao mặt bằng. Đến này đã vận động được 871m trên tổng số 2.797m tổng chiều dài toàn tuyến. Nhà đầu tư cũng đang triển khai theo kiểu cuốn chiếu, có mặt bằng đoạn nào làm ngay đoạn đó nhưng do mặt bằng bàn giao manh mún từng đoạn kiểu da beo nên rất khó làm.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Phan Công Bằng, Giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa thừa nhận, khó khăn lớn nhất đối với dự án hiện nay là khâu giải phóng mặt bằng. Do có làm bờ kè vừa giúp chống sạt lở, chống ngập, tạo hành lang đi bộ chung, tăng mức độ an toàn mà họ vẫn không phải chuyển đi chỗ khác, giữ được đất đai nên dân không phản đối nhiều. Tuy nhiên còn một số khu vực thuộc DN, tổ chức vẫn chưa thỏa thuận được vấn đề giá.
"Công tác giải phóng chậm thật nhưng không phải địa phương thiếu trách nhiệm mà do cơ chế chính sách hiện nay phải qua từng bước vận động, trình giá đền bù T1, trình lên UBNT TP, nếu TP đồng ý mới quay lại thỏa thuận với người dân. Trường hợp người dân không đồng ý lại phải xây dựng giá T2... Cứ như vậy, rất khó cho cả địa phương và chủ đầu tư" - ông Bằng nói.
Về những nghi vấn năng lực phía công ty Anh Vinh, ông Bằng khẳng định: "Qua rà soát cả hồ sơ và trên hiện trường, chủ đầu tư hoàn toàn đảm bảo năng lực thi công dự án và không có chuyện tiêu cực trong đấu thầu. Thực tế hiện nay, giàn thiết bị không có chỗ để, nằm chờ rất khó cho nhà đầu tư. May mà thiết bị của họ còn đỡ, nếu là thiết bị đi thuê còn bị động, khó khăn hơn nhiều".
Trong giai đoạn trước năm 2005, khu vực bán đảo Thanh Đa có diễn biến sạt lở bờ sông đặc biệt nghiêm trọng. Như ngày 6.7.2001, sạt lở đã làm sụp hoàn toàn quán Hoàng Ty 1 khiến 2 người chết và 3 người bị thương. Tháng 6.2002, sạt lở kho tang vật của Công an quận Bình Thạnh. Tháng 7.2002 sạt lở dãy nhà đất dài 30 m, mố cầu Thanh Đa bị hư hỏng. Đến năm 2003, tình hình sạt lở tại khu vực bán đảo Thanh Đa trở nên đặc biệt nghiêm trọng, cuốn trôi 3 căn nhà cùng hàng ngàn mét vuông đất của người dân. Cũng trong năm này, trung tâm cai nghiện ma túy quận Bình Thạnh bị hư hại nặng vì sạt lở đất. Ngoài ra còn nhiều đợt sạt lở khác làm hư hại tài sản người dân.
|
Bình luận (0)