Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội khởi công tháng 9.2010, dự kiến hoàn thành tháng 9.2016, tổng mức đầu tư ban đầu 783 triệu Euro, trong đó 80% vốn vay ODA Pháp, Ngân hàng ADB và 20% vốn đối ứng của Việt Nam.
Dự án sau đó được đẩy tiến độ hoàn thành tới tháng 9.2017, tổng mức đầu tư cũng được điều chỉnh tăng thêm gần 400 triệu Euro lên 1.176 triệu Euro. Tuy nhiên, tới đầu năm 2017, UBND thành phố Hà Nội báo cáo lùi tiến độ dự án đến sau năm 2021.
Năm 2018, Chính phủ đã chấp thuận cho dự án hoàn thành vào 2 mốc thời gian năm 2020 với đoạn trên cao Nhổn - công viên Thủ Lệ, và năm 2022 với đoạn đi ngầm Công viên Thủ lệ - ga Hà Nội.
Vì sao nhà thầu đòi bồi thường 81 triệu USD?
Gói thầu bị nhà thầu nước ngoài yêu cầu bồi thường là gói CP3, gồm các ga S9, S10, S11, S12 đi ngầm từ công viên Thủ Lệ về ga Hà Nội. Nhà thầu thực hiện gói thầu này là Liên danh Hyundai (Hàn Quốc) - Ghella (Italy).
Theo kế hoạch, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị (MRB) phải bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công từ năm 2017 đến năm 2018, chậm nhất tới 30.9.2018. Nhưng đến hết quý 1, liên danh nhà thầu mới nhận mặt bằng tại ga S9, một phần ga S10, hai ga S11 và S12 chưa được bàn giao mặt bằng.
Báo cáo tiến độ của MRB cho biết, gói thầu CP3 mới đang triển khai tại 3/5 công trường gồm: dốc hạ ngầm, ga S9 và ga S10. Dải phía Bắc và hộp ga của ga S12 đang được phá dỡ. Gói thầu này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.
Liên danh nhà thầu đã có văn bản gửi đến MRB và UBND Thành phố Hà Nội đòi bồi thường 81 triệu USD, với lý do dự án chậm bàn giao mặt bằng ảnh hưởng thi công và dẫn đến nhiều khoản kinh phí phát sinh.
Trước đó, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận thanh tra theo đơn tố cáo một số nội dung dự án Nhổn - ga Hà Nội đã khẳng định, việc MRB và liên danh Hyundai và Ghella ký hợp đồng khi chưa có mặt bằng đã dẫn đến việc nhà thầu yêu cầu phải bổ sung chi phí, nguy cơ gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.
Nhiều gói thầu chậm trễ
Báo cáo của MRB cho biết, tiến độ tổng thể dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt 47,86%. Tiến độ thi công của các gói thầu trong 3 tháng trở lại đây bắt đầu có hiện tượng bị chậm trễ do dự án không được bố trí đủ vốn để thanh toán.
|
Đến tháng 2.2019, giá trị chưa thanh toán cho các nhà thầu là 210 tỉ đồng do kế hoạch trung hạn chưa được phê duyệt, dẫn tới kế hoạch vốn của TP.Hà Nội năm 2019 chưa được bố trí. Nhu cầu vốn cấp phát của dự án là 1.368 tỉ đồng, nhưng thành phố mới bố trí tạm 84 tỉ đồng, chỉ đủ chi trả một phần cho tư vấn và gói thầu CP02. Cụ thể, tiến độ gói CP02 (các ga trên cao do nhà thầu Posco Hàn Quốc đảm nhận) mới chỉ hoàn thiện được 59,97%.
Công tác giải phóng mặt bằng chậm (đặc biệt là các ga ngầm) phải bàn giao từng phần là nguyên nhân dẫn đến việc nhà thầu không thể thi công đồng loạt như kế hoạch ban đầu.
Hơn nữa, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm nổi phức tạp, mặt bằng thi công chật hẹp không có diện tích di dời, phải phối hợp và chia thành nhiều bước thi công dẫn đến kéo dài thời gian.
Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã đề nghị Chính phủ cần sớm phê duyệt bổ sung kế hoạch vốn trung hạn 2016-2020 và giao bổ sung kế hoạch vốn ODA ngân sách trung ương cấp phát năm 2019 cho dự án trong tháng 3 để bố trí kịp thời vốn thanh toán cho nhà thầu.
Ông Nguyễn Cao Minh, Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, cho biết thành phố đã đặt mục tiêu trong quý 2.2019 sẽ hoàn thành giải phóng mặt bằng tại 4 ga ngầm thuộc gói thầu CP03 để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5 km, gồm 8,5 km trên cao và 4 km đi ngầm. Dự án đi qua quận Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm.
|
Bình luận (0)