Những thời điểm không thể nào quên
Ông Cảnh còn nhớ như in những thời điểm sau: tháng 4/2001, tưới rượu sakê lên vách núi, mở điểm khoan đầu tiên tại Hói Thương, phía Bắc. Năm tháng sau, ngày 10/9/2001 xuất hiện sự cố đầu tiên: sạt lở đoạn đầu đường hầm phía Nam, trên 600m3 đất đổ xuống từng mảng. Các chuyên gia nước ngoài do không tin khả năng xử lý nền đất yếu của Tổng công ty Sông Đà nên chủ đầu tư Việt Nam buộc phải mời một công ty chuyên ngành của Hồng Kông vào xử lý. Được 10 ngày, chuyên gia John Boy tử nạn, họ tức tốc rút quân về Hồng Kông. Trong họa có phúc, Tổng công ty Sông Đà được mời vào cuộc. Sau 4 tháng nỗ lực, khai đào và chống đỡ phần hầm chính gặp đất, họ đã thành công, tiết kiệm hơn 1/3 chi phí (chỉ tốn 300.000 USD so với 1 triệu USD, chưa kể khoản vật liệu chỉ 12 tỉ đồng so với 2 triệu USD do công ty Hồng Kông yêu cầu). Đến tháng 3.2002 lại sự cố mạch nước ngầm tại hầm thông gió (lý trình 0 + 700 đến 1.000) đoạn hầm phía Bắc. TS Trần Đức Oanh (chuyên gia đầu ngành về địa chất, người Quảng Ngãi) khi ấy đang tu nghiệp ở Nhật được Hazama mời về xử lý. Tháng đầu tiên, ông dùng biện pháp bơm hút để công nhân tiếp tục khoan đào. Tiếp thêm 1 tháng, ông gia cố bằng cách bơm thẳng vữa hóa chất vào tận "hang ổ" mạch nước ngầm. Ông còn xử lý thành công một số vị trí triền đứt gãy. Và cuối cùng, thời điểm mong chờ đã đến: ngày 7/11/2003 hai đoạn đường hầm Bắc-Nam thông nhau, chỉ lệch tâm 2,5 cm!
Hầm đường bộ xuyên đèo Hải Vân là 1 trong 30 hầm đường bộ lớn và hiện đại nhất trên thế giới. Hệ thống đường hầm - kể cả cầu và đường dẫn vào hầm - có tổng chiều dài trên 12 km, ngắn hơn 9 km so với đường đèo hiện tại. Điểm đầu đường hầm thuộc thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế; điểm cuối thuộc phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng. Hầm chính và hầm lánh nạn chạy song song, mỗi hầm có chiều dài 6,247 km. Chiều rộng hầm chính 11,9m; chỗ tránh xe là 13,7m. Giữa hai hầm chính và lánh nạn là hệ thống 15 hầm ngang, có tổng chiều dài 450m, trong đó 11 hầm dành cho người đi bộ và 4 hầm cho ô tô đi qua. Ngoài ra còn có hệ thống hầm thông gió và hầm lọc bụi tĩnh điện. Cạnh đó, còn có các hệ thống phụ trợ gồm: trạm biến áp 110/22 KV, đường truyền tải điện 110 KV hòa mạng điện lưới quốc gia, văn phòng điều khiển với các trang thiết bị hiện đại, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống quạt phản lực, hệ thống camera kiểm soát, thiết bị báo cháy tự động, buồng điện thoại khẩn cấp, hệ thống phát thanh, các thiết bị đếm xe, thiết bị đo khí độc, thiết bị tầm nhìn, hệ thống cọc tiêu, biển báo giao thông và nhiều thiết bị chuyên dùng khác.
Đường hầm sẽ được quản lý, vận hành như thế nào?
Theo ông Cảnh, đội ngũ công nhân kỹ thuật của Công ty Hamadeco đã được đào tạo rất căn bản công tác quản lý, vận hành, khai thác đường hầm. Không chỉ trong nước mà còn được đào tạo ở ngoài nước. Không chỉ lý thuyết mà còn được đào tạo trên hiện trường ở Nhật, Phần Lan. Cạnh đó là các khóa chuyên ngành về phòng chống cháy nổ, cứu người và phương tiện khi bị nạn trong đường hầm. Ông Cảnh khẳng định, đến nay Hamadeco đã đủ khả năng thực hiện nhiệm vụ, có thể đưa đường hầm vận hành vào ngày 19/5 như từng dự kiến nhưng do gói thầu số 6 - thiết bị vệ sinh, bảo dưỡng đường hầm - dự kiến đến tháng 7/2005 mới lắp đặt xong nên họ đề nghị dời thời điểm khánh thành sớm nhất vào đầu tháng 6 tới.
Còn vấn đề xe gắn máy (và có thể sẽ còn một số loại xe khác nữa) sẽ không được phép vào hầm theo như Bộ trưởng Đào Đình Bình đã từng nói, ông Cảnh cho biết: "Đó là xe quá khổ, xe chở chất độc hại. Cũng có thể là xe gây ô nhiễm, xe quá hạn kiểm định. Tôi chưa rõ có xe bán tải để tăng bo xe gắn máy qua hầm hay không nhưng trong tương lai, khi hầm lánh nạn được mở thành hầm chính, mỗi đường hầm một làn xe thì có thể xe gắn máy sẽ được qua hầm". Ông Cảnh cho biết thêm, trước đây do căn cứ vào các thông số nghiên cứu năm 1998, đến năm 2025 lượng xe quy đổi mới đạt 15.000 lượt/ngày đêm nên các chuyên gia đề xuất đến lúc ấy mới mở rộng hầm lánh nạn thành hầm chính, nhưng nay trước sự phát triển đột biến của lưu lượng xe trong nước và trong khu vực, nên họ đề nghị đến 2010 phải bắt đầu mở rộng hầm lánh nạn để đến 2014 chính thức đưa vào khai thác, vận hành.
Một chút băn khoăn
Bộ trưởng GTVT Đào Đình Bình trao bằng khen cho ông Nguyễn Ngọc Cảnh (trái). Ảnh: Đ.N.K |
Cuối cùng, ông Nguyễn Ngọc Cảnh thông báo từ 1/5 nghiêm cấm mọi loại xe vào hầm trừ những trường hợp đặc biệt. Khi đường hầm chính thức đi vào hoạt động, tốc độ tối đa quy định là 60 km/giờ thay vì 80 km/giờ như thiết kế. Tuy vậy, ông nhấn mạnh: "Đường hầm Hải Vân sẽ tiết kiệm rất nhiều khoản, trong đó chỉ còn 1/10 thời gian, tức chỉ 10 phút so với hàng giờ khi qua đèo và tiết giảm ít nhất 1.000 tỉ đồng tiêu hao nhiên liệu mỗi năm".
Đặng Ngọc Khoa
Bình luận (0)