Chiều 17.1 tại TP.HCM, lãnh đạo PTSC đã có buổi gặp gỡ với các cổ đông lớn, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán, nhằm cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023, định hướng phát triển của PTSC và đặc biệt là thông tin về gói hợp đồng EPCI#1 dự án khí Lô B, và gói thầu thuộc dự án khí Lô B mà các nhà đầu tư quan tâm.
Luôn nỗ lực tìm kiếm cơ hội cho các dự án mới
Ông Lê Mạnh Cường - Tổng giám đốc PTSC cho biết: "Năm 2024, PTSC sẽ tập trung nguồn lực, ưu tiên tối đa cho dự án Lô B, bởi đây là dự án mang rất nhiều kỳ vọng của PTSC và rất quan trọng đối với ngành dầu khí Việt Nam. PTSC tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các cuộc đàm phán với nhiều bên đối tác, tìm kiếm cơ hội tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo ngoài khơi (NLTTNK); tham gia thi công, thực hiện các dự án công trình năng lượng tái tạo phù hợp, cũng như nghiên cứu hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng xây dựng chuỗi cung ứng cho các dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam và khu vực, đồng thời tiếp tục mở rộng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các cuộc đàm phán với nhiều bên đối tác, tìm kiếm cơ hội cho các dự án mới trong tương lai".
Là dự án trọng điểm quốc gia, dự án khí Lô B với vòng đời 20 năm sẽ tổng mức đầu tư gần 7 tỉ USD do các bên gồm PVN, PVEP, Công ty Thăm dò dầu khí Mitsui (MOECO, Nhật Bản), PTTEP (Thái Lan) cùng tham gia đầu tư theo hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí. Mục tiêu là khai thác và thu gom nguồn khí Lô B với tổng trữ lượng thu hồi dự kiến 3,78 tỉ bộ khối (khoảng 107 tỉ m³) và 12,65 triệu thùng condensate, sản lượng khí đưa về bờ khoảng 5,06 tỉ m³/năm, có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng đất nước.
Cùng với gói thầu EPCI#1, đơn vị thành viên PTSC - PTSC M&C cũng trúng thầu gói thầu EPCI#2 của dự án khí Lô B) với tổng giá trị khoảng 300 triệu USD, cùng gói thầu "Thiết kế chi tiết cho toàn bộ dự án, mua sắm, thi công lắp đặt tuyến ống bờ, các trạm và chạy thử cho toàn bộ dự án (EPC)" - dự án đường ống dẫn khí Lô B - Ô Môn với giá trị hơn 6.243 tỉ đồng.
PTSC luôn duy trì sự phát triển ổn định, bền vững
Thông tin đến các cổ đông lớn, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh năm 2023 và định hướng phát triển của PTSC, Phó tổng giám đốc PTSC Trần Hoài Nam cho biết: "Tỷ trọng doanh thu cung cấp dịch vụ ra nước ngoài năm 2023 đạt trên 55%, tăng nhiều so với những năm trước đây cho thấy nỗ lực chuyển dịch cơ cấu doanh thu sang thị trường nước ngoài của PTSC nhằm đảm bảo duy trì sự phát triển ổn định, bền vững. Việc tham gia lĩnh vực NLTTNK PTSC đã mở ra bước ngoặt trong việc phát triển dịch vụ mới đảm bảo duy trì sự phát triển của PTSC trong thời gian tới".
Một điểm sáng trong lĩnh vực NLTTNK mà PTSC đạt được trong năm qua có thể kể đến như Dự án Hải Long OSS (hoàn thành 95% hạng mục công việc); ký kết hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế cho dự án điện gió ngoài khơi Greater Changhua 2b&4 tại Đài Loan (đến hết năm 2023 tiến độ đạt 54%). Được Bộ Tài nguyên và Môi trường trao giấy phép khảo sát phục vụ dự án điện gió ngoài khơi tại khu vực biển Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu điện sang Singapore.
Tổng giám đốc PTSC Lê Mạnh Cường dành thời gian giải đáp cụ thể đối với tất cả câu hỏi nhà đầu tư đưa ra, xoay quanh kế hoạch triển khai các gói thầu của dự án khí Lô B và dự báo những khó khăn có thể ảnh hưởng tiến độ đạt được quyết định đầu tư cuối cùng (FID) của dự án; tình hình triển khai các dự án điện gió ngoài khơi mà PTSC đang thực hiện.
Các nhà đầu tư quan tâm đến khả năng tạo ra lợi nhuận của mảng NLTTNK khi PTSC thể hiện quyết tâm tiến sâu hơn vào lĩnh vực này, kế hoạch đầu tư và khả năng tăng vốn, thời hạn giải ngân khi đầu tư trực tiếp vào dự án NLTTNK, tiến độ dự án xuất khẩu điện sạch sang Singapore, các vấn đề pháp lý có thể tác động đến việc triển khai và kịch bản doanh thu lợi nhuận, cũng như cơ hội và thách thức trong những năm sắp tới…, đều được lãnh đạo PTSC giải đáp cụ thể.
Năm 2023, PTSC đạt doanh thu hợp nhất 20.224 tỉ đồng, tăng 18% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất trước thuế 1.098 tỉ đồng, đạt 141% kế hoạch năm. Các mảng dịch vụ có sự tăng trưởng nổi bật gồm cơ khí dầu khí, công nghiệp và năng lượng tái tạo (doanh thu 9.702 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2022), dịch vụ căn cứ cảng (1.699 tỉ đồng, tăng 5% so với 2022) và vận chuyển, lắp đặt, đấu nối, vận hành, sửa chữa bảo dưỡng các công trình dầu khí (2.079 tỉ đồng, đạt 109% kế hoạch, tăng 10% so với 2022). Các mảng cung ứng tàu chuyên dụng, FSO/FPSO, khảo sát địa chấn địa chất công trình và ROV lần lượt đạt và vượt 134%, 111% và 114% theo kế hoạch.
Bình luận (0)