UBND TP Hải Phòng thu hồi hơn 712 ha mặt bằng tại các huyện Cát Hải, Thủy Nguyên và quận Hải An để thực hiện Dự án cải tạo nâng cấp cảng Hải Phòng giai đoạn 2. Tổng kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của cả dự án là hơn 47 tỉ đồng. Tuy nhiên khi triển khai, cấp cơ sở đã chi sai tới 42 tỉ đồng, trong số đó có hơn 32,8 tỉ đồng được Ban đền bù GPMB thành phố "đền" cho diện tích đất công; hơn 4,7 tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước được chi ra để "bồi thường" thiệt hại là tài sản đê bao, kè, cống... đều có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
Mặt khác, dù đây là diện tích đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, đất trồng rừng ngập mặn... được xác định là đất hạng 6, nhưng Ban đền bù đã "nâng hạng" cho những diện tích này lên đất hạng 5 để có đơn giá đền bù cao, gây thất thoát ngân sách Nhà nước. Tại huyện Cát Hải, riêng ông Nguyễn Hữu Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Phó chủ tịch UBND huyện) cũng "quyết" luôn toàn bộ diện tích 290 ha đất nuôi trồng thủy sản bị thu hồi tại đây là đất hạng 5. Số tiền lấy được từ việc nâng khống hạng đất, ông Khánh chia theo tỷ lệ: đối với đất đầm nuôi trồng thủy sản do UBND huyện đang quản lý, cho thuê thì tiền bồi thường chuyển về ngân sách TP 20%, ngân sách huyện giữ lại 20%, ngân sách xã giữ 40%. Đối với đất đầm đã hết thời hạn cho thuê thì ngân sách TP "được" 20%, ngân sách huyện 30%, ngân sách xã 50%.
Sau khi phát hiện sai phạm, cơ quan Thanh tra đã yêu cầu UBND TP Hải Phòng có trách nhiệm xử lý, thu hồi "số tiền hơn 12 tỉ đồng đã chi cho các tập thể, cá nhân" để nộp lại ngân sách Nhà nước. UBND TP Hải Phòng cũng đã ra thông báo thu hồi khoản tiền hơn 4,2 tỉ đồng bồi thường vượt mức tại huyện Cát Hải. Nhưng cho đến nay ngân sách Nhà nước vẫn chưa thu hồi được khoản tiền này.
Khi tiếp xúc với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hữu Khánh cho rằng, việc Thanh tra Bộ Tài chính kết luận UBND TP nâng khống hạng đất là do "tự ái" vì Bộ GTVT đã không trình Bộ Tài chính trước khi phê duyệt dự án, phương án đền bù của dự án này. Ông Khánh còn nói: "Huyện và xã chẳng có quyền nâng hạng đất, nếu tôi có quyền tôi sẽ nâng lên hạng 3, hạng 4 chứ không phải hạng 5".
Ông Khánh cũng giải thích rằng do xác định đây là dự án quan trọng, cần phải thực hiện sớm, nếu không nhà thầu sẽ phạt nặng, trong khi đó dân lại không chấp nhận mức đền bù đất hạng 6 nên huyện đành đề nghị nâng lên đất hạng 5. "Nhưng huyện cũng chỉ đề nghị còn quyền quyết định cuối cùng vẫn là UBND TP. Nếu TP không đồng ý thì sao lúc đó không gạt ngay đi ?", ông Khánh đặt vấn đề ngược lại với cấp trên như vậy.
Hậu quả của việc nâng khống hạng đất để chi sai hàng chục tỉ đồng từ ngân sách Nhà nước đã rõ. UBND TP Hải Phòng trong công văn 2700/UBND-ĐC từ giữa năm 2006 cũng đã chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với tổ chức cá nhân có vi phạm trong vụ việc này.
Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn một năm trôi qua nhưng mọi chuyện vẫn chưa được xử lý rốt ráo. Ngoài việc ngân sách chưa thu lại được số tiền bị thất thoát, những cán bộ trực tiếp liên quan đến sai phạm vẫn bình an, thậm chí còn được thăng chức !
Phạm Hải Sâm
Bình luận (0)