>> Nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp
Nạo vét luồng Soài Rạp là DA nhằm thúc đẩy kinh tế biển của TP.HCM, với mục tiêu mở đường cho tàu biển trọng tải lớn (đến 70.000 tấn) ra vào khu cảng Hiệp Phước, hoàn thành di dời các cảng biển ở nội đô ra phía biển. Trong đó, giai đoạn 1 của DA đã hoàn thành nạo vét đến độ sâu 8,5m, cho tàu 30.000 tấn vào cụm cảng Hiệp Phước. Giai đoạn 2 nạo vét tới độ sâu 12m, chia làm 3 đợt: đợt 1 (từ 2010 - 2011) nạo vét sâu 9,5m, đợt 2 (2013 - 2014) nạo vét sâu 11m, đợt 3 (sau 2015) nạo vét sâu 12m. Tuy vậy, tiến độ trên thực tế rất chậm trễ.
|
Khó hiểu trong chỉ định thầu
Để triển khai dự án, cuối năm 2009, UBND TP chỉ đạo IPC đấu thầu quốc tế gói nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2 - đợt 1. Trong quá trình đấu thầu, tuy không nhà thầu nào đáp ứng đầy đủ yêu cầu hồ sơ mời thầu, nhưng đến tháng 1.2010, IPC có văn bản đề nghị chọn nhà thầu Van Oord Dredging and Marine Contractors BV (Hà Lan) trúng thầu. UBND TP bác bỏ đề nghị này. Đến tháng 3.2010, IPC tiếp tục có văn bản trình UBND TP kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định thầu. Vào thời điểm đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, theo quy định của Chính phủ thì gói nạo vét Soài Rạp (với dự toán khoảng 1.470 tỉ đồng) chưa phù hợp với các điều kiện về hạn mức gói thầu (được chỉ định với gói xây lắp giá trị dưới 5 tỉ đồng) và các điều kiện được phép chỉ định thầu.
Dù lựa chọn phương án tài chính nào của IPC, ngân sách TP cũng sẽ phải chi thêm từ 288 tỉ - 678 tỉ đồng cho DA. Trong khi đó, một nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi lại bị bỏ quên |
Đề xuất này không được UBND TP chấp thuận. Mới đây, UBND TP kiến nghị và được Thủ tướng chấp thuận tổ chức đấu thầu lại DA và giao Sở GTVT làm chủ đầu tư. Nguyên nhân đấu thầu lại là do việc điều chỉnh tỷ giá đã làm tăng giá gói thầu so với dự toán được duyệt nên IPC không thể đáp ứng được nguồn vốn.
Chọn phương án tài chính bất lợi
Chê vốn ODA? Theo Chính phủ Bỉ, điều thuận lợi của gói tài chính này là bên vay có thể thanh toán bằng cách trả dần sau khi luồng Soài Rạp bắt đầu có doanh thu. Phía Bỉ cam kết trong thời gian nguồn vốn chưa dùng đến, chủ đầu tư có thể sử dụng ngay cho các hoạt động phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước như: xây dựng đường sá, công trình công cộng, năng lượng, nước sạch, bến cảng, cao ốc… Vốn ODA này đã được xác nhận lại bởi Đại sứ Bỉ tại VN bằng Công hàm số 434 (ngày 8.3.2010) và 459 (ngày 10.3.2010). Tuy nhiên, trong các văn bản có liên quan trình UBND TP, IPC lại không hề nhắc gì đến nguồn vốn này. |
Như vậy, dù lựa chọn phương án tài chính nào của IPC, ngân sách TP cũng sẽ phải chi thêm từ 288 tỉ - 678 tỉ đồng cho DA. Chưa kể, việc IPC đề nghị lấy ngân sách T.Ư (phương án 1), hoặc ngân sách TP (phương án 2), hoặc vay thương mại (phương án 3) đối với một khoản tiền lên đến 1.743 tỉ đồng là khó khả thi trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, các ngân hàng thắt chặt cho vay tín dụng.
Trong khi đó, một nguồn vốn ODA với lãi suất ưu đãi đã được Chính phủ Bỉ “đặt sẵn lên bàn” từ tháng 3.2010 lại bị IPC bỏ quên. Cụ thể, tháng 2.2010, Chính phủ Bỉ đã đồng ý về nguyên tắc cho TP.HCM vay khoản tín dụng ODA để triển khai DA. Phía Bỉ sẵn sàng làm việc với IPC về khoản tiền lên đến 70 triệu euro.
Có thể thấy, trong khi các phương án mà IPC đưa ra đều phải lấy tiền ngân sách hoặc vay thương mại với lãi suất lên đến 13%/năm, thì gói tài trợ của Bỉ đưa ra mức lãi suất rất ưu đãi. Trong đó, 35% tổng trị giá hợp đồng phần nước ngoài là vốn ODA của Bỉ có lãi suất 0% và thời hạn vay 20 năm (chưa kể 10 năm ân hạn), 65% còn lại là vay tín dụng thương mại và tín dụng người mua có lãi suất khoảng 3,78%/năm trong 10 năm (thời gian ân hạn 14 tháng).
Vướng mắc lớn nhất của DA nạo vét Soài Rạp hiện nay là vấn đề tài chính, từ đây kéo theo sự chậm trễ hình thành khu đô thị cảng Hiệp Phước cũng như kế hoạch di dời cảng biển của TP.HCM. Hy vọng với quyết định đổi chủ đầu tư, DA sẽ tận dụng được nguồn vốn ODA ưu đãi để đẩy nhanh tiến độ.
Phương Thanh
Bình luận (0)