Ngày 25.9, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, Ban quản lý Khu kinh tế (BQL KKT) tỉnh đã đối thoại với nhân dân xã Cát Hải (H.Phù Cát) về những bức xúc liên quan đến 2 dự án đang triển khai tại địa phương, gồm: dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội và dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus.
Hàng trăm hộ dân bị “trói”
Dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội (dự án Vĩnh Hội) do Công ty TNHH MTV Khách sạn và Du lịch Việt Mỹ (Công ty Việt Mỹ, ở Mỹ) làm chủ đầu tư, tổng vốn đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 324,9 ha đất tại thôn Vĩnh Hội (xã Cát Hải).
Dự án được UBND tỉnh Bình Định cấp giấy chứng nhận đầu tư vào năm 2006. Để triển khai dự án, cơ quan chức năng thực hiện giải phóng mặt bằng, di dời toàn bộ người dân thôn Vĩnh Hội (gồm hơn 300 hộ gia đình, với khoảng 1.500 nhân khẩu). Hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) vẫn chưa hoàn thành.
Tại buổi đối thoại, người dân thôn Vĩnh Hội rất bức xúc vì dự án đã “treo” nhiều năm qua và hiện vẫn chưa biết có triển khai hay không. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của người dân càng tăng, con cháu lập gia đình rất bức bách về nhà ở, nhiều hộ phải ở chung (4 - 5 cặp vợ chồng, con, cháu) trong một ngôi nhà vì đất thuộc dự án nên không được xây dựng, sửa chữa.
Người dân không được hưởng lợi từ chương trình nông thôn mới, không có quyền chuyển nhượng, mua bán hay tặng đất đai, không được cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng, không dám đầu tư sản xuất…
“Người dân đã mất đi cái quyền lợi hợp pháp vốn được nhà nước bảo hộ vì dự án Vĩnh Hội bị “treo” quá lâu. Vì vậy, khi dự án mới có thì dân đồng tình nhưng giờ ai cũng bức xúc. Dân với dân cũng có mâu thuẫn, dân với cán bộ địa phương càng mâu thuẫn hơn, giờ nói ai nghe nữa?”, ông Võ Hữu Đức, Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Hội, nói.
Dự án Khu phức hợp du lịch sinh thái Pegasus tại thôn Tân Thanh (xã Cát Hải) do Công ty tư vấn và đầu tư Pegasus làm chủ đầu tư, có diện tích 60,8 ha, tổng số vốn đầu tư 216,7 tỉ đồng được UBND tỉnh Bình Định cho chủ trương và triển khai thực hiện vào năm 2015. Đến nay, công tác bồi thường GPMB đã cơ bản được thực hiện xong, chỉ còn 8 hộ chưa đồng ý nhận tiền hỗ trợ, vì cho rằng chính sách hỗ trợ còn thấp.
Đa số người dân ở thôn Tân Thanh đều làm nghề đánh bắt hải sản, rất cần có nơi để neo đậu tàu, thuyền nên yêu cầu phải quy hoạch địa điểm để neo đậu tàu thuyền thuận lợi sau khi chính quyền giao mặt biển cho nhà đầu tư. Ngoài ra, người dân lo ngại việc cấp đất dự án cho các nhà đầu tư dày đặc sẽ không còn đường ra biển.
Chủ đầu tư đang kiện ra tòa án quốc tế
Trả lời những vấn đề bức xúc của người dân, ông Phan Viết Hùng, Phó trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định đã thay mặt lãnh đạo đơn vị này xin lỗi toàn bộ người dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án nói trên.
Theo ông Hùng, những thiệt thòi, bức xúc của người dân trong vùng dự án đều được lãnh đạo tỉnh, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định và chính quyền địa phương nắm rất rõ và đang có gắng giải quyết.
“Tôi xin nhận khuyết điểm, thiếu sót vì những vấn đề mà các dự án đã gây ra cho bà con địa phương, làm ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người, kìm hãm sự phát triển của địa phương hơn 10 năm qua”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, dự án Vĩnh Hội khởi công năm 2007, dự kiến đến năm 2014 sẽ hoàn thành nhưng dự án đã không thành công do nhiều nguyên nhân, trong đó cơ bản là do thiếu kinh phí để GPMB. Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định đã làm việc, yêu cầu Công ty Việt Mỹ ứng tiền để tỉnh GPMB nhưng đơn vị này không thực hiện. Tỉnh Bình Định đã giao trước 130 ha "mặt bằng sạch", trên cơ sở đó yêu cầu cho nhà đầu tư nộp tiền thuê đất khoảng 37 tỉ để lấy kinh phí thực hiện tiếp việc GPMB nhưng đơn vị này cũng không thanh toán được.
Từ năm 2015 đến nay, 2 bên đã làm việc nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không thực hiện dự án. Giữa năm 2018, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định ra quyết định thu hồi dự án thì Công ty Việt Mỹ lại khởi kiện ra toà án quốc tế.
Đối với các kiến nghị của người dân thôn Tân Thanh, ông Hùng cho biết bờ biển khu vực này có chiều dài 2,5 km. Sau khi giao đất các dự án, Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Định có chừa một đoạn 350m bờ biển trước UBND xã để cho người dân sinh hoạt cộng đồng. Ngoài ra, giữa 2 lô đất cấp cho 2 dự án khác cũng chừa một đoạn 50 m ra bờ biển.
Ông Phạm Ngọc Trình, Bí thư Huyện ủy Phù Cát cũng rất bức xúc vì dự án Khu du lịch khách sạn và nghỉ dưỡng Vĩnh Hội bị “treo” hàng chục năm qua khiến thôn Vĩnh Hội không phát triển vì không được đầu tư. “Là người đứng đầu huyện, tôi xin nhận trách nhiệm của mình về việc chậm trễ của dự án Vĩnh Hội đã làm ảnh hưởng đến đời sống người dân”, ông Trình nói.
Theo ông Nguyễn Phi Long, sau khi Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND tỉnh Bình Định ban hành quyết định chấm dứt hoạt động của Dự án Vĩnh Hội thì Công ty Việt Mỹ đã khởi kiện theo luật quốc tế. Ngày 26.6, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Trương Hòa Bình về giải quyết tranh chấp với Công ty Việt Mỹ. Theo đó, Phó thủ tướng giao UBND tỉnh Bình Định khẩn trương kiểm tra, xử lý các nội dung liên quan đến tranh chấp đầu tư của Công ty Việt Mỹ, không để xảy ra khiếu kiện quốc tế.
“Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Bình Định tiếp tục đàm phán lần thứ 2 một cách cương quyết với nhà đầu tư về dự án Vĩnh Hội để sớm có câu trả lời cho người dân về dự án”, ông Nguyễn Phi Long nói.
Ông Long cũng yêu cầu Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh ngay trong tháng 10 phải lên được phương án giải quyết tái định cư tại chỗ hay di dời đến khu tái định cư tại xã Cát Tiến đối với những người dân bị ảnh hưởng bởi 2 dự án nói trên.
Bình luận (0)