(TNO) “Công trình Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc xây dựng ở TP Sơn La về mặt chủ trương đã được Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (VH-TT-DL), Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính ủng hộ, sau đó đã trình Ban Bí thư và nhận được sự đồng ý về mặt chủ trương”, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh trả lời báo chí vào hôm nay 5.8.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Diệp Đức Minh
|
"Tóm lại về mặt chủ trương, công trình đã được thông qua, đúng các bước về mặt thủ tục, còn thông tin báo chí đang đưa công trình tượng đài Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tây Bắc mức kinh phí 1.400 tỉ đồng là thông tin không chính xác, bởi với một công trình tượng đài bao giờ cũng phải xây dựng dự toán kinh phí trên cơ sở phác thảo đã được lựa chọn. Khi phác thảo được duyệt rồi, mới xây dựng dự toán được", ông Thành lý giải.
Cũng theo ông Thành, hiện nay, hội đồng nghệ thuật trong đó có lãnh đạo Bộ VH-TT-DL tham gia, vẫn chưa chọn được mẫu nào, đương nhiên chưa thể xây dựng được dự toán kinh phí. "Số liệu 1.400 tỉ đồng có thể tỉnh thông báo hay đưa tin thế nào tôi không hiểu. Nhưng đó sẽ là kinh phí của việc xây dựng bảo tàng tỉnh, đài liệt sĩ, nhà đón tiếp, quảng trường, kiến trúc công viên cây xanh. Còn kinh phí xây dựng tượng đài chưa thể có được vì mẫu phác thảo còn chưa được phê duyệt thì làm sao xây dựng dự toán được?”, ông Thành nói thêm.
Cục trưởng Cục Mỹ thuật, triển lãm và nhiếp ảnh cho biết: “Bộ VH-TT-DL luôn giữ quan điểm là phải căn cứ vào tình hình kinh tế của từng địa phương, điều kiện kinh tế - xã hội để làm thế nào quy mô công trình phù hợp. Không những thế, công trình phải phù hợp với không gian kiến trúc ở đấy, không chạy theo quy mô hoành tráng, to lớn; không có tư tưởng xây dựng tràn lan.
Đề án Quy hoạch tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đang lấy ý kiến các bộ, ngành, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố. Hiện UBND các tỉnh, thành phố đề xuất xây dựng 58 tượng đài từ nay đến 2030, nhưng Bộ VH-TT-DL xét theo tiêu chí, mới trình Thủ tướng 14 công trình”.
* Sơn La là một tỉnh còn rất nghèo, ông nghĩ sao về con số 1.400 tỉ với một quần thế công trình như vậy?
Ông Vi Kiến Thành: Tôi mới chỉ biết bản dự thảo đưa trên báo là khoảng 1.400 tỉ đồng. Cá nhân tôi nhiều cái chưa đồng ý với việc sắp xếp quy hoạch tổng thể với các hạng mục trong đó, nhưng tất cả đang trong quá trình xây dựng, các bộ ngành đang góp ý.
Đương nhiên, không chỉ cá nhân tôi mà người Việt Nam nào cũng thấy phải hết sức cân nhắc chi 1.400 tỉ cho một quần thể quảng trường, không gian văn hóa của tỉnh Sơn La, một tỉnh nghèo như vậy. Cần phải làm cho chặt chẽ từ dự toán cho đến thi công.
* Hiện có một mức trần nào cho các công trình tượng đài hiện nay không?
Không có, vì rất phức tạp, chẳng hạn chuyển chất liệu làm tượng đài từ đá xanh sang đá hoa cương thì chi phí đã thay đổi rất nhiều.
* Khi đã đề ra việc phác thảo cho công trình tượng đài, thì cũng đã phải dự tính quy mô của tượng đài thế nào chứ, thưa ông?
Cái đó là giả định, đó là hình ảnh Bác Hồ với đồng bào dân tộc Tây Bắc. Hiện nay có nhiều ý kiến đề nghị phải có đầy đủ các dân tộc sinh sống ở Tây Bắc, tức là có bao nhiêu dân tộc, thì cố gắng có ít nhất 1 đại diện cho nhóm nhân vật đó. Nhiều nhân vật đại diện thì giá sẽ cao lên. Tượng đài chỉ cao 5 - 8m, như thế cũng không phải là lớn lắm.
* Như ông đã nói, hiện rất thiếu nhà điêu khắc, kiến trúc sư tài năng có năng lực làm tượng đài. Vậy vì sao vẫn phải cố gắng làm những công trình hoành tráng mà không có nhiều chất lượng nghệ thuật?
Làm công trình tượng đài, các công trình công cộng phục vụ đời sống nhân dân là khác. Tôi muốn nói chưa bao giờ đó là đặt hàng của ngành mỹ thuật cả. Tất cả đều do nhu cầu địa phương đặt hàng ngành mỹ thuật làm.
* Ông có ý kiến thế nào về việc nhiều địa phương hiện nay thích xây những tượng đài, quảng trường lớn?
Tôi nghĩ cần có sự đồng thuận vào cuộc của các nhà lãnh đạo và giới truyền thông. Xu hướng của khá nhiều người trong xã hội hiện nay rất thích to, rất thích lập kỷ lục, rất thích hoành tráng. Thay quan niệm này không đơn giản, không thể ngày 1 ngày 2 được, vì đó là xu thế của rất nhiều người, thậm chí có cả xu thế nhiệm kỳ nữa. Đó là tâm lý của nhiều người. Ngành mỹ thuật không can thiệp về việc quy mô như thế nào được.
* Có chuyện mang danh xây dựng tượng đài để xây các hạng mục xung quanh?
Không nói mang danh được mà là nhu cầu của mỗi địa phương, đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương.
* Thực tế thì không ít những công trình lớn như vậy bị rút ruột?
Luật pháp quy định rất rõ. Chúng ta phải tin tưởng vào bộ máy nhà nước.
* Nhưng có những công trình, chẳng hạn như tượng đài ở Điện Biên, đã xảy ra tình trạng đó, và đến giờ có vẻ như vụ việc đã chìm vào quên lãng?
Nếu nói về mặt nghệ thuật thì công trình đó là tốt. Nhưng quá trình làm không đảm bảo về mặt kỹ thuật, bị ép tiến độ nên xảy ra sai sót.
Cũng có trường hợp tượng đài ở Uông Bí bị sét đánh, đó là sai sót không thể chấp nhận được. Đã xây công trình ngoài trời mà lại không có cột thu lôi. Trường hợp này, đơn vị quản lý dự án, thi công đúng là có vấn đề.
* Cho đến nay, tượng đài nào được làm với kinh phí lớn nhất, thưa ông?
Lớn nhất mới có tượng đài ở Quảng Nam, kinh phí hơn 400 tỉ đồng.
Bình luận (0)