Dự án Vệ sinh môi trường TP.HCM chậm tiến độ: Chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm

10/03/2010 00:22 GMT+7

Việc dự án Vệ sinh môi trường thi công ì ạch, bê bối thì lỗi trực tiếp là ở nhà thầu. Song, chủ đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm khi liên tục chọn "nhầm" nhà thầu và thiếu kiên quyết trong việc xử lý sai phạm.

Hai gói thầu "xương sống" của dự án Vệ sinh môi trường là số 7 và 10 do hai nhà thầu Trung Quốc thi công đều liên tục lỗi hẹn tiến độ. Điểm đáng chú ý là hai gói này đều chọn nhà thầu dựa trên cơ sở giá bỏ thầu thấp một cách bất hợp lý.

UBND TP.HCM có “sai sót nhỏ”

Đến nay, vẫn còn rất nhiều nghi vấn xung quanh việc chọn nhà thầu TMEC - CHEC 3 thi công gói số 7.

Thứ nhất là về giá bỏ thầu, TMEC - CHEC 3 bỏ thấp hơn giá dự toán gói thầu đến 20 - 30%. Theo lý lẽ của chủ đầu tư, Luật Đấu thầu quy định chọn nhà thầu nào có giá thấp nhất nên TMEC - CHEC 3 nghiễm nhiên trúng thầu. Tuy nhiên, nói như vậy nghĩa là chủ đầu tư chưa làm hết trách nhiệm và năng lực, bởi bất kỳ chuyên gia xây dựng nào cũng thấy ngay đây là một cái giá vô lý. TS Tô Văn Trường - nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam - cho rằng trên thực tế, đơn giá dự toán áp dụng tại VN đã ở mức thấp, do đó bỏ thầu thấp như TMEC - CHEC 3 là không thể chấp nhận. Ngay tại thời điểm chọn thầu, tư vấn giám sát là Công ty CDM (Mỹ) cũng đã có văn bản khuyến cáo không nên chọn TMEC - CHEC 3 vì giá bỏ thầu quá thấp sẽ khó đảm bảo chất lượng và tiến độ công trình.

Thứ hai, khi thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu gói số 7 vào năm 2003, Bộ Kế hoạch - Đầu tư đã có văn bản nhắc nhở UBND TP.HCM (đơn vị quyết định) chú ý đến năng lực của liên danh nhà thầu TMEC. Trong đó, bộ này khuyến cáo xem xét tính hợp lệ và khả thi của thành viên trong liên danh được đề nghị trúng thầu, cụ thể nhà thầu CHEC 3 của liên danh này vốn không có chức năng hoạt động tại nước ngoài. Tuy nhiên, cuối cùng TMEC - CHEC 3 vẫn trúng thầu. Theo giải thích của UBND TP, TMEC vốn là một tập đoàn hùng mạnh, thi công nhiều công trình quốc tế nên tin tưởng họ đủ năng lực tài chính và kỹ thuật. Theo đúng Luật Đấu thầu, TMEC - CHEC 3 đủ năng lực và kinh nghiệm, giải pháp thi công phù hợp hồ sơ mời thầu, bỏ thầu thấp nhất... nên UBND TP duyệt trúng thầu là hợp lệ. UBND TP chỉ có “sai sót nhỏ” là không biết liên danh này thiếu kinh nghiệm thi công tại VN, do đó không lường trước được các yếu tố địa chất, thủ tục hành chính quá phức tạp của VN.

Mặt khác, thay vì kiên quyết "trảm" nhà thầu, UBND TP lại liên tục nhân nhượng cho TMEC - CHEC 3, thể hiện ở chỗ tách gói thầu số 7 thành 3 gói để giảm nhẹ công việc cho nhà thầu và tạm ứng 1 triệu USD từ ngân sách cho nhà thầu tiếp tục thi công. Đến nay, gói thầu số 7 đã đạt hơn 95% nhưng không vì thế mà cho rằng việc thi công gói thầu này đã khả quan hơn, bởi thực tế tất cả các phần việc chính yếu của gói thầu này đã bị cắt ra thành gói 7A, 7B và đùn đẩy cho nhà thầu khác, chỉ còn lại những hạng mục có lợi cho TMEC - CHEC 3.

“Ông chủ” thiếu quyết đoán

Theo TS Tô Văn Trường, việc triển khai dự án Vệ sinh môi trường được áp dụng theo quy định của Hiệp hội Kỹ sư tư vấn quốc tế (FIDIC), trong đó đặc biệt tôn trọng vai trò của tư vấn giám sát. Tuy nhiên, thực tế vai trò của tư vấn CDM đã bị hạn chế khi hàng loạt ý kiến của đơn vị này bị chủ đầu tư bỏ ngoài tai. Chẳng hạn, ngay từ khi đàm phán đến khi bước vào thi công, CDM đã nhiều lần khuyến cáo chủ đầu tư (bằng văn bản cũng như tại các cuộc họp) về nguy cơ chậm trễ tiến độ gói số 7. Cụ thể, trong suốt thời gian dài, nhà thầu chỉ đưa nhân sự và thiết bị đáp ứng 30% yêu cầu công việc. Nhà thầu cũng bỏ qua những khuyến cáo của tư vấn về các biện pháp ổn định đất nên đã xảy ra sự cố chìm robot kích ống mà phải mất gần 1 năm mới trục vớt lên được. Khi xảy ra sự cố này, nhà thầu vẫn không huy động thêm nhân sự và thiết bị làm tiến độ đã chậm càng chậm thêm.

Vào năm 2005, khi thấy tiến độ gói số 7 quá chậm so với kế hoạch, CDM đã kiến nghị chủ đầu tư và UBND TP.HCM các biện pháp cải thiện tình hình, trong đó có giải pháp thay thế nhà thầu. Tuy nhiên, đây là hợp đồng quốc tế có quy định chỉ thay thế nhà thầu sau khi có phán quyết của trọng tài quốc tế và có sự xác nhận của nhà thầu là họ không thực hiện hợp đồng. Nhưng vào thời điểm đó, thời hạn hợp đồng vẫn còn đến cuối năm 2006 nên các cơ quan thẩm quyền đã không áp dụng phương án chấm dứt hợp đồng.

Đến đầu năm 2007, khi đáo hạn hợp đồng với TMEC - CHEC 3, tư vấn CDM một lần nữa đề nghị Ban quản lý và UBND TP cắt nhà thầu này để tìm đơn vị có năng lực tốt hơn song vẫn không được chấp nhận. Như vậy, có thể thấy ban quản lý dự án và UBND TP dù nắm thực quyền trong tay nhưng chưa thể hiện được tầm nhìn và quyết đoán của một “ông chủ”. Chính sự do dự này đã góp phần làm chậm trễ tiến độ, phát sinh chi phí dự án như hôm nay.

Lỗ hổng của luật

Theo ông Phan Phùng Sanh - Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM, hiện nay, giá bỏ thầu được coi là yếu tố "chốt" để chọn nhà thầu, tức bỏ giá càng thấp càng dễ trúng. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp cố tình bỏ giá thật thấp, rồi sau đó tìm cách hạ chất lượng công trình, "vẽ" ra nhiều khoản chi phí phát sinh hoặc đùn đẩy phần việc khó cho chủ đầu tư. Đây cũng chính là cái khó của chủ đầu tư trong quá trình chọn lựa nhà thầu. Chẳng hạn, nhà thầu CSCEC thi công gói số 10 dự án Vệ sinh môi trường bỏ giá rất thấp cho hạng mục di dời đường ống cấp nước phi 2.000 mm. Rút kinh nghiệm gói thầu số 7, Ban quản lý dự án đã đề nghị CSCEC cân nhắc mức bỏ thầu hợp lý hơn, song nhà thầu này vẫn cố tình bỏ giá thấp để trúng thầu, thậm chí còn dọa kiện Ban quản lý nếu không được trúng thầu theo đúng luật.

Ông Sanh cho rằng, nên sửa luật theo hướng khống chế giá sàn của gói thầu như các nước trên thế giới, bởi thực tế cho thấy giá bỏ thầu chấp nhận được là giá chỉ chênh lệch 5% so với dự toán gói thầu.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.