Dự án ven biển: Bít đường ra biển ?

07/02/2014 03:25 GMT+7

Việc cho phép hoặc làm ngơ cho chủ đầu tư xây rào chiếm bãi biển khiến bãi biển bỏ hoang suốt nhiều năm, trong khi người dân ở vùng dự án gặp vô vàn khó khăn.

Việc cho phép hoặc làm ngơ cho chủ đầu tư xây rào chiếm bãi biển khiến bãi biển bỏ hoang suốt nhiều năm, trong khi người dân ở vùng dự án gặp vô vàn khó khăn.

Dự án ven biển: Bít đường ra biển ?
Đất ven biển ở Bà Rịa-Vũng Tàu bỏ hoang vì dự án treo trong khi người dân thì cần đất sản xuất - Ảnh: N.Long

Không có chỗ ra biển

Là một người dân từng chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của du lịch Mũi Né, ông Lê Văn  Tám (70 tuổi, KP.1, P.Hàm Tiến, TP.Phan Thiết, Bình Thuận) cho rằng phải quy hoạch lại Mũi Né chứ không thể để tình trạng manh mún như hiện nay. Ông Nguyễn Hữu Quý (68 tuổi, cán bộ hưu trí, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận) cho rằng: “Sai lầm lớn nhất trong quy hoạch du lịch của Bình Thuận là du lịch biển mà không nhìn thấy biển ở chỗ nào. Thậm chí người dân bản địa không còn chỗ ra biển để tắm. Nhiều dự án được cấp phép cả chục năm nay nhưng bỏ hoang hoặc là xây dựng dở dang để đối phó. Sự yếu kém trong quản lý, kèm theo thiếu kiên quyết trong xử lý thu hồi đã gây lãng phí lớn tài nguyên ven biển Bình Thuận”.

Cuối tháng 1, chúng tôi đã đi khảo sát dọc tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, ở địa bàn xã Phước Hải (H.Đất Đỏ) và Phước Thuận (H.Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đang có đến hàng chục dự án du lịch không có gì ngoài tường rào được xây dựng từ rất lâu. Ông Nguyễn Văn Đấu, Chủ tịch UBND xã Phước Thuận, cho biết: Trên tuyến đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận, xã Phước Thuận có đến hơn 20 dự án du lịch với tổng diện tích trên 400 ha. Từ khi đất ven biển được cấp cho các dự án, người dân địa phương không còn nơi để đi tắm biển. Với những dự án đã đưa vào sử dụng thì người dân muốn vào bãi tắm phải trả tiền, các dự án chưa triển khai thì dù đất trống trơn nhưng đã có tường rào bao quanh, người dân không có lối nào để đi xuống biển.

Tại Đà Nẵng, ông Lê Văn Trọng, nhà ở P.Hòa Hải (Q.Ngũ Hành Sơn) bức xúc: “Người dân đa phần sống bằng nghề biển, nhưng từ khi giao đất cho các chủ dự án thì họ bít luôn đường ra biển. Có muốn đi tắm biển cũng khó. Bởi đất đã giao cho chủ dự án toàn quyền sử dụng rồi”.

 

Sai lầm lớn nhất trong quy hoạch du lịch của Bình Thuận là du lịch biển mà không nhìn thấy biển ở chỗ nào. Thậm chí người dân bản địa không còn chỗ ra biển để tắm

Ông Nguyễn Hữu Quý, nguyên Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận

Không được xây mới, sang nhượng...

Tại Nha Trang, một trong những dự án dọc theo tuyến biển ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống người dân là Champarama (Rusalka trước đây) tại khu đất liền ven biển Bãi Tiên thuộc P.Vĩnh Hòa. Năm 2000, khu du lịch Rusalka do Công ty đầu tư và phát triển du lịch Rus-Invest-Tur làm chủ đầu tư trên diện tích 43,8 ha dọc bờ biển phía bắc TP.Nha Trang, với tổng vốn dự kiến khoảng 15 triệu USD. Khi dự án đang triển khai thì ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch HĐQT Công ty Rus-Invest-Tur, bị khởi tố vì vi phạm pháp luật, dự án “treo” luôn từ đó. Năm 2012, UBND tỉnh Khánh Hòa chọn Công ty CP du lịch Trọng Điểm Nha Trang tiếp tục thực hiện dự án với tên gọi mới là Champarama. Tuy nhiên, đến nay dự án này gần như vẫn chưa triển khai thêm gì. Anh Đặng Vĩnh Hải (43 tuổi, tổ 13 Bãi Tiên, P.Vĩnh Hòa) cho biết: “Gia đình tôi đã ở đây mấy đời nay. Đã hơn 10 năm nay sau khi có quyết định thu hồi đất để thực hiện Rusalka nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa được đền bù, giải quyết đất tái định cư. Nhà cửa đã hư hỏng, muốn xây mới, sang nhượng nhưng cũng không được vì nằm trong khu vực quy hoạch thực hiện dự án”. Bà Phạm Thị Tú (71 tuổi, tổ 14 Bãi Tiên) thì nói: “Nhà tôi có hơn 10.000 m2 đất, gia đình cần tiền, muốn bán một phần đất cũng không được. Người dân chỉ mong dự án triển khai sớm, đền bù hợp lý cho dân, bố trí nơi ở mới để người dân ổn định cuộc sống nhưng đã chờ đợi nhiều năm nay mà vẫn không có gì thay đổi”. Theo ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND P.Vĩnh Hòa, dự án trên đã và đang gây khó khăn cho hơn 200 hộ dân. Dự án càng kéo dài thì người dân càng khổ. Tại các cuộc họp, người dân liên tục có ý kiến, kiến nghị về vấn đề này. UBND phường cũng đã có nhiều văn bản kiến nghị gửi lên cấp trên nhưng chỉ nhận được trả lời là phải chờ đợi.

Vẫn cứ ngồi chờ

Người dân trong dự án khu du lịch Bình Tiên (Ninh Thuận) cũng gặp vô vàn éo le. Ông Dương Văn Tữu, Chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh thôn Bình Tiên, cho biết, việc chủ đầu tư chậm tiến độ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân. Khi triển khai dự án, người dân nhận được khoản tiền đền bù, nhưng không còn đất sản xuất nên ngồi chờ dự án hoàn thành để xin vào làm công nhân. Chờ hoài không thấy, khoản tiền đền bù thì cạn sạch. Còn ông Phạm Văn Hòa (60 tuổi, làng Bình Tiên) cho biết do không có đồng cỏ chăn nuôi, nên đàn bò của gia đình đành phải bán tháo. Tương lai không biết ra sao.

Tại huyện đảo Phú Quốc (Kiên Giang), những vườn hồ tiêu đặc sản nổi tiếng đang tiêu điều vì nằm trong vùng dự án du lịch, không thể phát triển. Môi trường thì đang bị đe dọa nghiêm trọng do khai thác đá, cát ồ ạt, rừng thì bị chặt phá do không ai quản lý vì đã giao cho các dự án. Dạo một vòng tại các khu quy hoạch du lịch Phú Quốc, sẽ không khó nhận biết khi những dự án mà phần biệt thự đã đầu tư dang dở, ngổn ngang hoang phế, những khung nhà bê tông phơi nắng phơi mưa; những bãi biển đẹp thành nơi đổ rác. Cảnh ngổn ngang này khiến du khách rất ngại mỗi khi đến tham quan, nghỉ dưỡng.  Ông Hoàng Đồng, một người dân ở đây có hơn 4 ha đất bị giải tỏa trong dự án của Công ty Đại Cát Hoàng Long, cho biết: “Tôi cùng với hơn 200 dân ở đây rất bức xúc, công ty chỉ chi trả bồi thường còn tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề đã mấy năm nay chẳng thấy đâu, cứ hứa hết năm này sang năm khác. Ở đây có người vì tin lời hứa chi trả tiền của công ty mà đi mượn tiền nóng để cất nhà, lo cho con cái. Giờ thì ngay cả người có 2 đến 3 công đất nhưng số tiền đền bù nhận được cũng không đủ trả nợ. Trước kia tôi có mấy căn nhà gần mé biển bán nước giải khát và phục vụ ăn uống cũng đủ sống. Mấy năm nay bỏ hoang, thấy tiếc cho khu đất quá”.

Mất niềm tin

Dự án treo kéo dài, ngay những người quản lý như chúng tôi cũng mất niềm tin. Khi mới bắt đầu dự án, các nhà đầu tư nói rằng sẽ làm nhiều dịch vụ nhằm giải quyết công việc làm cho người lao động, nhưng thực tế thì dự án chẳng biết bao giờ triển khai.

Ông Nguyễn Văn Nhưỡng
(Phó bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Bãi Thơm, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang)

>> Bất động dự án ven biển

Thanh Niên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.