Dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử

20/09/2024 05:55 GMT+7

Trong khi ứng viên Tổng thống Mỹ Kamala Harris được cho là sẽ không thay đổi nhiều về chính sách đối ngoại so với chính quyền đương nhiệm, thì đối thủ Donald Trump sẽ thay đổi điều này như thế nào nếu ông đắc cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới?

Trong phân tích gửi đến Thanh Niên, TS Ian Bremmer, Chủ tịch Eurasia Group (Mỹ) - đơn vị tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị hàng đầu thế giới, đã đưa ra nhận định về chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Trump đắc cử.

Thế giới nhiều thách thức hơn

Theo đó, với tư cách là Tổng thống Mỹ từ năm 2017 - 2021, ông Trump có thể đã đạt một số thành công về chính sách đối ngoại, bao gồm tái thiết hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ, Hiệp định Abraham (bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập), chia sẻ chi phí công bằng hơn giữa các thành viên NATO và các liên minh an ninh mới ở châu Á. Những kết quả này diễn ra trong bối cảnh môi trường quốc tế nói chung là ôn hòa và hòa bình, ít nhất là trước khi đại dịch Covid-19 bùng nổ gần cuối nhiệm kỳ của ông.

Dự báo chính sách đối ngoại của Mỹ nếu ông Trump tái đắc cử- Ảnh 1.

Ông Trump tại một cuộc vận động tranh cử vào ngày 18.9

Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, từ đó đến nay thì hai cuộc chiến tranh khu vực lớn, sự cạnh tranh giữa các cường quốc với Trung Quốc ngày càng gay gắt, tình hình khu vực Trung Đông bất ổn nghiêm trọng và xung đột Ukraine kéo dài, nền kinh tế toàn cầu trì trệ, trí tuệ nhân tạo bùng nổ… đặt ra các yêu cầu hoàn toàn mới nếu ông Trump tái đắc cử.

Ông Bremmer dự báo: "Nhiệm kỳ thứ hai (nếu có) của ông Trump có thể sẽ dẫn đến những kết quả chính sách đối ngoại cực đoan hơn so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông cũng như so với chính quyền đương nhiệm.

Viễn cảnh đổi thay

Theo TS Bremmer, ông Trump sẽ có đường lối cứng rắn hơn đối với sự cạnh tranh của Trung Quốc. Điều này sẽ bắt đầu với sự trở lại của ông Robert Lighthizer, chuyên gia thương mại được đánh giá là "diều hâu" dưới thời ông Trump, và thúc đẩy mức thuế quan cao hơn nhiều đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Đồng thời, ông Trump có thể cũng sẽ khơi lại căng thẳng cũ với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Hàn Quốc bằng cách đòi hỏi xem lại một số thỏa thuận thương mại. Nhưng nếu kịch bản này xảy ra, Washington có thể khiến Tokyo và Seoul "hữu hảo" hơn với Bắc Kinh.

Trong khi đó, Trung Quốc có thể "ăn miếng trả miếng" không khoan nhượng dẫn đến không chỉ căng thẳng thương mại, mà còn có thể gây tới bất ổn quân sự, đặc biệt là đối với các vùng biển trong khu vực. Nguy cơ xung đột quân sự ở eo biển Đài Loan có thể dâng cao. Tất nhiên, nếu triển vọng kinh tế Trung Quốc tiếp tục thiếu khả quan, Bắc Kinh có thể nhún nhường và đưa ra một thỏa thuận lớn để ông Trump ghi dấu "chiến thắng" với nội bộ Mỹ vì giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Nhưng nếu điều này xảy ra, Đài Loan có thể là một phần của thỏa thuận, bởi theo TS Bremmer nhận định thì Bắc Kinh tin rằng Washington, dưới thời ông Trump - so với chính quyền đương nhiệm - sẽ ít cam kết hơn với Đài Loan.

Ở Trung Đông, ông Bremmer đánh giá ông Trump có thể đóng vai trò ổn định. Hiệp định Abraham, có lẽ là thành tựu chính sách đối ngoại lớn nhất của Nhà Trắng dưới thời ông Trump, đã bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập, khơi dậy hy vọng về một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn. Nhưng rủi ro là ông Trump có thể thiếu kiềm chế trong việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại Iran, như từng ra lệnh giết chết tướng Qasem Soleimani của nước này đã dẫn đến leo thang căng thẳng. Tuy nhiên, với những gì diễn ra gần đây, Tehran có vẻ không muốn chiến tranh trực tiếp với Washington hay Tel Aviv, bởi gần như khả năng chiến thắng cho Iran là không có. Vì vậy, ngay cả tiếp cận mạo hiểm, ông Trump nhiều khả năng sẽ khiến tình hình khu vực hạ nhiệt.

'Phó tướng' của ông Trump nêu hướng giải quyết xung đột Nga-Ukraine

Cựu Tổng thống Trump từng tuyên bố rằng nếu đắc cử, ông sẽ chấm dứt chiến tranh ở Ukraine trong vòng 24 giờ bằng cách đơn phương buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin chấp nhận lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Trong trường hợp này, nếu Tổng thống Zelensky từ chối các điều khoản của ông Trump, Washington có thể sẽ cắt viện trợ quân sự dành cho Kyiv. Ngược lại, nếu Tổng thống Putin từ chối đàm phán, Mỹ có thể tăng cường viện trợ cho Ukraine.

Còn việc Ukraine gia nhập NATO có lẽ khó diễn ra dưới thời ông Trump. Tuy nhiên, để Kyiv chấp nhận đàm phán, Washington có thể đưa ra một thỏa thuận đảm bảo an ninh cho Ukraine như một phần của thỏa thuận đột phá để Nga không tiếp tục tấn công. Như thế, EU phải chịu phần lớn gánh nặng trong việc đẩy nhanh quá trình Kyiv gia nhập khối và tài trợ cho việc tái thiết Ukraine.

Về NATO, hầu hết các thành viên châu Âu trong khối sẽ không muốn hoặc không thể đáp ứng yêu cầu của ông Trump về việc chia sẻ gánh nặng nhiều hơn trên toàn liên minh. Tất nhiên, ông Trump khó có thể đơn phương rút Mỹ khỏi NATO, nhưng lại có thể giảm bớt lực lượng khỏi châu Âu.

Quay lại châu Á, Lãnh đạo Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên có thể sẽ chào đón ông Trump. Trong khi đó, ông Trump có thể vẫn bị hấp dẫn bởi viễn cảnh lâu dài về một thỏa thuận mà ông tin rằng không có Tổng thống Mỹ nào khác đạt được: phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Nhưng điều đó có thể khiến Hàn Quốc đứng trước nhiều thách thức.

Cuối cùng, theo TS Bremmer, nhiệm kỳ thứ hai (nếu có) của ông Trump sẽ cố gắng đạt được các thỏa thuận mới với Mexico về cả an ninh biên giới và thương mại một lần nữa. Lời lẽ gay gắt của ông Trump và việc xem xét lại theo lịch trình thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico - Canada vào năm 2026 có thể dẫn đến những bất đồng giữa các nước này.

Cuộc đua Trump - Harris chưa có bứt phá

Hôm qua (giờ VN), Đài Fox News dẫn kết quả khảo sát toàn quốc cho thấy tỷ lệ người ủng hộ Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là 50% so với 48% của cựu Tổng thống Donald Trump.

Theo đó, con số này cho thấy vẫn chưa lộ diện người dẫn đầu rõ ràng trên đường đua vào Nhà Trắng. Cả hai ứng viên đều xấp xỉ nhau về khả năng làm tốt hơn trong việc mang lại sự thay đổi cần thiết (bà Harris là 50% còn ông Trump 47%), và giúp nước Mỹ an toàn (50% Trump với 47% Harris).

Bà Harris được cho nhỉnh hơn khi giúp đỡ giai cấp trung lưu (53% Harris với 44% Trump), đoàn kết nước Mỹ (50% Harris với 45% Trump). Còn ông Trump dẫn trước 5 điểm cho câu hỏi ai là người đáng tin cậy hơn năng lực xử lý nền kinh tế (51% Trump và 46% Harris) và nới rộng cách biệt 10 điểm liên quan đến vấn đề di trú (54% Trump với 44% Harris). Hai ứng viên so kè nhau về vấn đề xử lý thuế má (49%) và súng ống (49% Trump với 48% Harris).

H.G

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.