Đó là nhận định của các đại biểu tham dự hội thảo Nghiên cứu tác động BĐKH và sự thích ứng tại TP.HCM do Sở Tài nguyên - Môi trường và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức hôm qua 14.7.
Khí hậu đã thay đổi
Ông Jeremy Carew - Reid (Trung tâm Quản lý môi trường quốc tế ICEM) cho biết, trong 30 năm qua, khí hậu TP.HCM đã thay đổi dưới các hình thức gia tăng bão nhiệt đới, thay đổi hình thế mưa và khô hạn. Ở cấp toàn cầu, TP.HCM được xác định là một trong 10 thành phố có khả năng chịu tác động nặng nề nhất và đứng hàng thứ 5 về số dân có thể phải chịu tác động từ BĐKH vào năm 2070.
Các khu vực có thể bị ngập vĩnh viễn bao gồm hai bên bờ sông Đồng Nai trước khi hợp lưu với sông Sài Gòn - ở khu vực quận 9 và bờ bên kia; tả ngạn sông Đồng Nai đối diện quận 2, quận 7 và phía bắc huyện Cần Giờ; khu vực nằm ở phía nam thành phố tiếp giáp với tỉnh Long An. Công trình Nghiên cứu thích ứng với BĐKH tại TP.HCM do ADB, ICEM phối hợp UBND TP.HCM thực hiện |
Theo ông Jeremy, tuy TP.HCM đã có lịch sử ứng phó với tác động của thiên tai, nhưng BĐKH cũng đồng nghĩa với các biến động xảy ra thường xuyên hơn, nghiêm trọng hơn. Thế nhưng cường độ và quy mô ngày càng tăng này vẫn chưa được đưa vào các kế hoạch quản lý thiên tai hay quy hoạch phát triển ngành và phát triển đô thị.
Theo ICEM, dự báo dân số TP.HCM năm 2050 cao nhất là 22,8 triệu người. Trong đó, sẽ có khoảng 2 triệu người từ ĐBSCL di cư đến TP.HCM do tác động của BĐKH. ICEM đưa ra kịch bản BĐKH năm 2050 cho TP.HCM, với kết luận rằng tình hình năm 2050 sẽ là sự mở rộng và trầm trọng hơn của các thông số hiện tại, bao gồm ngập lụt, lượng mưa cũng như nhiệt độ đều ở mức cực lớn. Đặc biệt, triều cường và ngập lụt do thủy triều sẽ có tác động hủy hoại lớn nhất.
Bên cạnh đó, nhiệt độ mặt biển ấm hơn ở biển Đông sẽ làm tăng cường độ những trận bão đổ bộ gần TP.HCM, do vậy có khả năng trực tiếp ảnh hưởng tới TP.HCM - một hiện tượng rất hiếm trước đây. Vùng không gian triều sẽ chuyển dịch vào trong đất liền kéo theo một số vùng vốn khô ráo quanh năm sẽ chịu tác động của thủy triều. Các vùng đã thường xuyên ngập lụt sẽ phải chịu mức nước sâu hơn và thời gian ngập lâu hơn.
Khoảng 77% diện tích không gian mở sẽ chịu ngập lụt vào năm 2050 và hệ thống kiểm soát lũ lụt sẽ "bó tay" trong việc bảo vệ những vùng này. Nghiêm trọng nhất là từ việc thay đổi tình hình thủy triều và kết quả của mực nước biển dâng, một số vùng của TP.HCM bị nhấn chìm vĩnh viễn.
Tình trạng ngập sẽ làm tê liệt phần lớn mạng lưới giao thông TP.HCM. Trong đó, 187 km đường sắt, 33 km đường sắt một ray và đường sắt trên cao, 36 km đường tàu điện ngầm sẽ nằm trong khu vực nguy cơ ngập lụt cực độ. Các sân bay hiện có và tương lai nằm trên nền đất cao hơn sẽ không bị ngập, song việc tiếp cận tới chúng sẽ bị ngăn trở bởi đường bị ngập. Ngập lụt có thể làm đình trệ dòng giao thông cả bốn hướng tại các nút giao thông vốn là những điểm chính yếu trong hệ thống đường sá. Hơn một nửa các nút giao thông hiện có và khoảng 80% nút đang trong kế hoạch xây dựng ở TP.HCM sẽ bị ngập lụt cực độ vào năm 2050.
Chống chọi và thích ứng
Giám đốc quốc gia ADB tại VN, ông A.Konishi, nhận xét BĐKH đang ngày càng tập trung nhiều ở phía Nam VN, trong đó có TP.HCM và những vùng xung quanh. Theo ông Konishi, VN có thể mất 17,3% GDP do tác động từ BĐKH. "Chúng ta cần tiên liệu sẽ gặp những gì và đối phó ra sao, có như vậy mới giảm thiểu những tác động từ BĐKH" - ông Konishi nói. Hiện ADB và ICEM phối hợp với UBND TP.HCM thực hiện công trình Nghiên cứu thích ứng với BĐKH ở TP.HCM. Theo ông Konishi, TP.HCM là đô thị đầu tiên trên thế giới nghiên cứu mô hình này, dự kiến sẽ trình Thủ tướng trong thời gian tới.
Theo bản nghiên cứu, cần có một tập hợp biện pháp đồng bộ cho TP.HCM, bao gồm cả các biện pháp bảo vệ cứng và những giải pháp "mềm", thiên về thích ứng. Chẳng hạn như xây đê kè dọc bờ sông, kể cả đê gắn với hệ thống kiểm soát lũ lụt dự kiến; quản lý và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; tái trồng rừng đầu nguồn cho lưu vực sông Đồng Nai và thực hiện các chiến lược quản lý dòng chảy trên toàn lưu vực; phục hồi kênh rạch, sông ngòi; bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước đô thị...
Cần chú trọng lồng ghép tác động của BĐKH vào quy hoạch phát triển ngành và phát triển không gian, đặc biệt là quy hoạch vị trí các khu công nghiệp và định hướng chiến lược cho phát triển kinh tế. Quan trọng nhất là cần xây dựng dự án kiểm soát úng ngập. Tuy dự án không giúp chống được úng ngập hoàn toàn nhưng sẽ làm giảm số phường nội thành phải chịu nguy cơ này.
Những con số dự báo * Năm 2050, nhiều khu vực ở TP.HCM sẽ bị ngập trong thời gian hơn 100 ngày/năm. Ví dụ, tại quận 9, đa số các phường bị ngập hơn 150 ngày/năm. * Quy mô ngập lụt địa lý ở TP.HCM tính bằng số ha ngập nước năm 2050 sẽ tăng 3% (với các sự kiện cực đoan) và 7% (với ngập lụt thường xuyên) so với hiện nay. Nếu hiện tại có 48% số xã, phường ở TP.HCM chịu ngập lụt thường xuyên, thì năm 2050, con số này sẽ lên đến 55%. * Sẽ có một diện tích lớn đất bị ngập lụt với thiệt hại khoảng 6,69 - 22,1 tỉ USD. * Dự báo 62% dân số TP.HCM, tức gần 13 triệu người sẽ bị ảnh hưởng do ngập úng bất thường vào năm 2050. Mức độ hiện nay là 26% dân số hay 1,7 triệu người bị ảnh hưởng. * Một tỷ lệ lớn đất công nghiệp đang bị đe dọa bởi những tác động khí hậu bất thường, ngay cả khi có các biện pháp phòng chống ngập lụt. Gần 50% khu công nghiệp và cụm kinh tế sẽ bị ngập nếu có hệ thống kiểm soát úng ngập và 53% bị ngập nếu không có hệ thống đó. |
Ngập do đô thị hóa Thạc sĩ Hồ Long Phi (ĐH Bách khoa TP.HCM) Dành không gian cho triều cường GS Nguyễn n Niên (Chủ tịch Hội Thủy lợi TP.HCM) |
Phương Thanh
Bình luận (0)