Dự báo số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá vàng ngày mai sẽ không nhiều

Dự báo số lượng doanh nghiệp tham gia đấu giá vàng ngày mai sẽ không nhiều

02/05/2024 17:59 GMT+7

Phiên đấu thầu vàng ngày mai 3.5, mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc 82,90 triệu đồng/lượng được nhiều chuyên gia nhìn nhận tương đối hợp lý, đủ sức thu hút một số doanh nghiệp tham gia.

Hôm nay 2.5, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gửi tới các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thông báo đấu thầu vàng miếng SJC vào 9 giờ ngày mai 3.5. Đây là phiên đấu thầu vàng lần thứ 4 trong năm nay.

Hình thức đấu thầu theo giá với khối lượng vàng miếng dự kiến đấu thầu tương tự các lần trước là 16.800 lượng. Khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Tỷ lệ đặt cọc là 10%. Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc là 82,90 triệu đồng/lượng.

Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày mai là 82,90 triệu đồng/lượng

Giá tham chiếu để tính giá đặt cọc trong phiên đấu thầu vàng miếng SJC ngày mai là 82,90 triệu đồng/lượng

ĐT

Khối lượng đấu thầu tối thiểu của mỗi thành viên vẫn là 14 lô (tương đương 1.400 lượng). Khối lượng đấu thầu tối đa một thành viên được phép đặt thầu là 20 lô (tương đương 2.000 lượng).

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22.4, 23.4 và 25.4. Thông tin chi tiết về đấu thầu vàng cơ bản giống phiên đấu thầu ngày mai, chỉ khác mức giá tham chiếu để tính giá đặt cọc.

Kết quả, phiên đấu thầu ngày 22.4 và 25.4 đều bị hủy sau đó lần lượt bởi các lý do là không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc; chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Trong khi đó, phiên đấu thầu 16.800 lượng vàng ngày 23.4 diễn ra nhưng khá ế ẩm khi chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng, tương ứng 34 lô.

Current Time0:00
/
Duration0:00

0:00

Đấu thầu vàng miếng vào sáng 3.5.2024

"Mức giá tham chiếu khá hợp lý"

Trao đổi với Thanh Niên chiều nay 2.5, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho rằng, mức giá tham chiếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra lần này khá sát giá thị trường đang chấp nhận, có thể gọi là mức giá hợp lý. Điều này sẽ thu hút một số doanh nghiệp có nhu cầu tham gia.

Tuy nhiên, dự báo số lượng doanh nghiệp tham gia sẽ không nhiều vì số lượng phải mua tối thiểu 1.400 lượng vẫn là khá lớn.

"Hiện nay, một vài doanh nghiệp bị âm hàng sẽ mạnh dạn mua vào để bù đắp lượng đã bán ra trước đó, còn doanh nghiệp âm ít hơn thì không thể mua vào số lượng vàng nhiều như vậy. Bởi nếu doanh nghiệp tham gia đấu thầu mua 14 lô mà bán không hết, không có đầu ra sẽ rất rủi ro, dễ bị lỗ", ông Phương nói.

Một chuyên gia vàng lâu năm khác khi chia sẻ với Thanh Niên phân tích, giá tham chiếu Ngân hàng Nhà nước đưa ra lần này tương đối hợp lý, bằng giá mua vào chiều nay của một số đơn vị.

"Nếu giá sàn ngày mai bằng giá tham chiếu hoặc cao hơn khoảng 100.000 đồng/lượng, hy vọng một số đơn vị cần vàng sẽ mua. Đương nhiên, mọi việc còn phụ thuộc biến động thực tế của giá vàng ngày mai.

Nếu giá vàng quốc tế hạ thấp hơn mức giá chiều nay, sáng mai giá vàng mua vào - bán ra trong nước sẽ sụt giảm, cũng có thể xảy ra tình trạng không có đơn vị nào bỏ thầu", vị này nói.

Trước đó, nhiều chuyên gia về vàng chung nhận định, các phiên đấu thầu vàng của Ngân hàng Nhà nước vừa qua cơ bản đều thất bại là bởi các yêu cầu đặt ra chưa thực sự phù hợp, đủ sức thu hút các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia.

Để thay đổi cục diện trong đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần có sự điều chỉnh phù hợp hơn về lượng vàng phải mua tối thiểu hay mức giá sàn.

Phân tích trong bối cảnh biến động địa chính trị phức tạp, các ngân hàng T.Ư mua vào lượng vàng lớn, chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nhu cầu vàng đang rất cao cả trên thế giới và trong nước. Dự báo, giá vàng thế giới sẽ còn tiếp tục neo ở mức cao trong thời gian tới, từ đó tác động trực tiếp tới giá vàng trong nước.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh, về lâu dài, biện pháp được nhìn nhận là căn cơ giúp ổn định thị trường vàng, kéo giảm chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Nhiều chuyên gia kinh tế đề xuất cần tập trung sửa đổi các nội dung khác như xóa bỏ độc quyền vàng miếng SJC và độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu…

Mức giá tham chiếu tính giá đặt cọc 82,90 triệu đồng/lượng mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trong đấu thầu vàng lần này tương ứng với mức giá mua vào của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) chiều nay 2.5, chiều bán ra là 85,1 triệu đồng/lượng.

Chiều nay, giá mua vào của một số đơn vị kinh doanh vàng khác dao động từ 82,6 - 82,95 triệu đồng/lượng. Cụ thể, Tập đoàn Doji mua vào với giá 82,6 - 82,8 triệu đồng/lượng, bán ra 84,9 - 85 triệu đồng/lượng; Công ty Bảo Tín Minh Châu mua vào 82,95 triệu đồng/lượng, bán ra 84,84 triệu đồng/lượng…

Bình luận (1)

avatar-user
Thanh Nguyên

Sao không tính giá vàng thế giới để đấu thầu mà lấy giá của SJC, như vậy sao kéo giá vàng đi xuống?

Trả lời 0 9 tháng trước
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.