Serepok không đổ thẳng ra biển Đông như nhiều dòng sông khác mà chảy ngược sang Campuchia, sau đó hợp vào dòng Mê Kông rồi xuôi về miền tây Nam Bộ để hòa vào biển.
Câu chuyện của dòng sông
Serepok không phải là dòng sông hiền hòa. Chuyện kể rằng, ngày xưa có chàng trai ở bờ bên này đem lòng yêu cô gái xinh đẹp bên kia bờ sông. Nhưng rồi gia đình của đôi trai gái kiên quyết ngăn cản tình yêu của họ chỉ vì mối thù dòng họ. Bởi quá thương nhau, vào một đêm trăng thanh gió mát, cả hai đã nắm tay nhau nhảy xuống Serepok tự tử. Từ đó bỗng dưng mây đen kéo đến, trời đất đen ngòm, mưa tuôn xuống xối xả, khiến dòng sông trở nên hung dữ.
Thực tế thì Serepok được hợp lại bởi nhiều con sông, con suối nhỏ chảy về từ đại ngàn nên lưu lượng nước rất lớn. Bây giờ dòng sông còn trở nên hung dữ hơn vì những cánh rừng ở thượng nguồn và dọc hai bên bờ đã bị tàn phá tan hoang. Người dân ở đây cho biết, khoảng chục năm trước, những quả đồi dọc hai bên bờ sông còn là những cánh rừng với rất nhiều loại gỗ như hương, bằng lăng, căm xe… nhưng lâm tặc và nạn phá rừng làm rẫy đã xóa sạch chúng. Lúc này, tôi đứng bên này bờ nhìn sang bên kia sông cũng thấy bạt ngàn màu xanh nhưng đó là màu xanh của cà phê, khoai mì, bắp... Đây là những phần đất mà người Kinh mua lại của người dân tộc thiểu số để làm rẫy. Bán hết đất từ việc phá rừng, người dân tộc thiểu số lại càng đi xa hơn để tiếp tục... đốt rừng bán cho người Kinh. Muốn sang rẫy phía bên kia bờ sông, con đường nhanh nhất là chiếc cầu treo vắt vẻo qua dòng sông Serepok hung dữ.
|
Chuyện nhỏ
Chúng ta từng biết người dân xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum vượt sông Pô Kô bằng những sợi cáp treo tự thiết kế mà nhiều người coi việc đó chẳng khác nào đu dây tử thần qua sông. Nhưng cáp treo qua sông Serepok, nối liền huyện Eatling tỉnh Đắk Nông và huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk là "công trình" của những người khai thác cát trên sông được người dân sáng kiến "xài ké" để vượt sông. Muốn chuyển cát từ bờ bên này sang bờ bên kia sông, những người khai thác cát phải làm hai sợi dây cáp (một sợi trên và một sợi dưới) cỡ bằng ngón tay người lớn để nối hai bờ sông. Đầu cáp treo được nối với một thân cây đường kính khoảng 1 gang tay và néo lại bằng 3 sợi dây. Trông mong manh như sợi chỉ lưng trời, thế mà người dân địa phương đã bám víu vào nó gần chục năm nay để mỗi ngày qua sông canh tác.
Chú Vũ Văn Đức ở thị trấn Cư Jút, huyện Eatling cho biết: Dây cáp treo này có từ năm 2001 và từ đó đến nay chú cùng nhiều người dân địa phương tận dụng nó để vượt qua sông Serepok làm rẫy. Khi tôi đề nghị được đu dây cáp qua rẫy, chú Đức gật đầu cái rụp, hẹn 7 giờ sáng mai. Có lẽ, những ai liều lĩnh mới vượt dòng sông Serepok hung dữ bằng cách đi trên dây cáp mà không có một thiết bị bảo hiểm nào dù là thô sơ nhất. Tôi cũng thử liều bước lên chiếc dây cáp ấy...
|
Thủ thế trước hiểm nguy, tôi mua đôi dép lê có quai hậu chắc chắn, mặc quần soọc, áo thun rồi lên đường, sau khi đã dằn bụng tô phở tái ngon hơn bất cứ tô phở nào tôi từng ăn ở Sài Gòn. Cùng đi với tôi có Khánh - một cậu em thân thuộc - làm phó nháy bất đắc dĩ để ghi lại những tấm hình khi cần. Hôm nay, cùng sang sông với chúng tôi là chú Tuynh, bạn láng giềng của chú Đức và một anh tôi chưa kịp hỏi tên. Họ mặc quần áo lao động, đi dép nhựa sơ sài. Các vật dụng lao động của họ mang theo cũng khá đơn giản gồm: bình xịt thuốc sâu và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên họ cho biết, khi cần thiết thì một mớ thứ lỉnh kỉnh như lương thực, phân bón và các loại nông cụ khác cũng được "tháp tùng" qua sông trên dây cáp.
Đến bờ sông, chú Đức nhanh như sóc leo lên dây cáp. Lúc này tôi mới tá hỏa vì kiểu vượt sông của người dân nơi đây còn "phiêu" hơn cả người dân ở sông Pô Kô (Kon Tum). Họ không dùng thiết bị ròng rọc, không bảo hiểm tối thiểu bằng sợi dây quàng qua giữa hai chân mà chỉ bám vào hai sợi dây cáp trên và dưới bằng tứ chi. Tôi hỏi lớn: "Đi như vậy hả chú?". Chú Đức cười toe toét: "Chuyện nhỏ. Có bữa còn mang theo cả mấy chục ký cũng đi ngon lành". Đã lên bờ, xuống ruộng mới tới được đây, lại hơi hổ thẹn với lão nông kia, tôi đành leo lên dây cáp. Chân đặt lên dây cáp phía dưới, tay nắm chặt dây cáp phía trên, tôi dò đi từng bước. Nhìn phía trước, chú Đức đi phăng phăng, thỉnh thoảng lại ngoái lại nhìn tôi cười. Những bước đi đầu tiên tại phần dây cáp gần bờ chưa làm tôi lo lắng, nhưng càng bước xa bờ, cảm giác bất an lại càng tăng lên... Bây giờ là mùa mưa, nên con sông hình thành từ hai con sông lớn trên cao nguyên Đắk Lắk là Krông Ana (sông mẹ) và Krông Knô (sông cha) này nước đổ về cuồn cuộn. Nhìn xuống Serepok chảy xiết, nước đập vào những tảng đá bắn trắng xóa, bất giác tôi thấy sợ, tay chân căng cứng, chỉ có thể nhích từng chút một. Ra đến giữa sông, gió càng mạnh như đùa giỡn... Bên kia sông, chú Đức hét lên: "Qua được không, chú ra giúp!". Cuối cùng thì tôi cũng qua được bờ bên kia. Tuy nhiên, với dây cáp bắc qua sông dài hơn 200m, chú Đức di chuyển chỉ có hơn 3 phút, còn tôi phải mất nửa tiếng đồng hồ!
Câu chuyện bên rẫy
Chú Đức đãi tôi một chầu cá trắm cỏ nướng vừa kéo từ hồ lên. Trong cái chòi mà chú gọi là biệt thự ngàn sao đã có sẵn một can rượu đế ngâm 11 con tắc kè hoa. Thế là bữa nhậu hoang dã được tiến hành. Khi sương sương, chú Đức nói: “Nếu có dịp cháu về đây lần nữa, chú sẽ đi đánh lưới trên sông Serepok để đãi món cá đặc sản. Đó là các loại cá rất ngon như cá lăng và đặc biệt là cá mõm trâu (loài cá nhiều người vẫn đinh ninh là cá anh vũ tiến vua)”. Chú Đức kể rằng, rẫy này mua lại từ người dân tộc Ê đê cách nay 5 năm. Bây giờ trên cái rẫy đó mọc lên bạt ngàn cà phê, bắp và sắn. Tôi thấy nhiều gốc cây cổ thụ cháy đen còn sót lại. Đó là "chứng tích" của việc đốt rừng làm rẫy. Tôi thắc mắc: vậy cà phê, hoa màu khi thu hoạch được sẽ vận chuyển bằng cách nào? Chú cho biết, có một con đường bộ để vận chuyển nông sản nhưng phải đi vòng sang huyện Krông Ana, qua cầu 14 mới về được huyện Cư Jút. Vì thế, hằng ngày nhiều người vẫn sử dụng cáp treo là phương tiện chủ yếu để sang rẫy. Một ít người có tiền và "nhát gan" hơn thì cũng sắm chiếc thuyền nhỏ để đi lại. Thế nhưng, trước sức mạnh của dòng sông hùng vĩ này, những chiếc thuyền bé nhỏ đó vô cùng mong manh... Tôi nhớ, cách nay hơn 3 tháng, Serepok đã cướp đi sinh mạng của 2 người dân dùng thuyền câu cá tại xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk). Càng thương tâm hơn khi dòng nước chảy xiết của nó còn cướp đi sinh mạng 5 cán bộ, chiến sĩ, lúc họ tham gia tìm kiếm hai người dân xấu số kia.
Cơn mưa giữa trưa bất ngờ đổ xuống. Tôi cảm thấy hơi ớn lạnh khi nghĩ đến đoạn quay về qua cáp treo bắc qua dòng sông đầy bất trắc này. Rời rẫy, đến bên mép sông tôi thấy nước chảy dữ dội hơn lúc sáng. Chú Đức nói: "Để chú qua bên kia sông tìm thuyền cho cháu về". Tôi thấy giọng chú "nhựa" rồi. Bước chân chú trông có vẻ liêu xiêu hơn. Tôi cản chú đừng đi trên dây cáp qua sông, thế nhưng chú cười xòa: "Ôi, thấm gì. Cháu nhìn chú biểu diễn nhé!". Không kịp níu, chú Đức đã lên dây cáp và vèo một cái đã qua sông. Một lúc sau chú mượn được chiếc thuyền bé tẻo tèo teo chở tôi. Dù sao thì đi thuyền cũng làm tôi thấy an tâm hơn đu dây cáp.
Dọc hai bờ sông Serepok bây giờ còn quá ít rừng, nhưng trông vẫn hoang sơ, vẫn còn những chiếc cầu treo lắt lẻo đầy may rủi. Và, cuộc sống của người dân thì gần với thiên nhiên đến mức… chẳng tìm thấy đâu sự hiện diện của những phương tiện văn minh, hiện đại!
Bài & ảnh: Quang Viên
Bình luận (0)