(TNO) Có một nhóm gồm 2 người lớn và 4 học sinh cũng đi xuồng qua sông. Do không biết lái nên khi xuồng ra giữa dòng thì bị nước cuốn lật úp. Nghe đứa trẻ la hét, tôi chạy ra rồi nhảy vội xuống sông “vơ” được 3 đứa kéo lên bờ...
Để đi qua sông, người dân nơi đây phải “làm xiếc” với dây thừng và thuyền trên mặt sông - Ảnh: Tiểu Thiên |
Nhiều học sinh suýt chết đuối
Năm 2000, để phục vụ việc đi lại, người dân ấp Tân Bắc đã đóng góp xây dựng một cây cầu sắt có chiều dài khoảng 14m, rộng 1,2m. Cây cầu sắt bắc qua sông Mây (thường gọi là suối Đục, một nhánh của Sông Thao, huyện Trảng Bom) là con đường duy nhất phục vụ việc đi lại, vận chuyển nông sản cho khoảng 50 hộ dân của ấp Tân Bắc (xã Bình Minh) và 20 hộ dân xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom). Tháng 9.2015 vừa qua, trận mưa lớn đã cuốn sập chiếc cầu, cắt đứt đường đi lại của người dân.
Không có cầu, người dân chỉ còn nước đi vòng hàng chục cây số qua xã Sông Trầu để ra đường lớn, hoặc băng rừng đi đường tắt dài khoảng 4km. “Con đường này rất xấu, hố sâu, đá tảng đầy mặt đường và dốc sâu hoắm khó mà đi được. Hơn nữa đường giữa rừng vắng vẻ, cây cối rậm rạp, mấy đứa nghiện ngập thường đứng chích hút nên chả ai dám đi”, bà Nguyễn Thị Kim Hương (49 tuổi, ấp Tân Bắc) nói.
Lòng sông rộng khoảng 20m, sâu 2,5m. Để qua sông người dân phải “đánh đu” với nguy hiểm khi sử dụng ghe, xuồng và dây thừng. Theo đó, người dân buộc một dây thừng căng ngang qua mặt sông làm chỗ bám. Rồi lên xuồng, bám lấy dây thừng mà kéo qua bờ bên kia. Phương án này rút ngắn thời gian nhưng lại tiềm ẩn nguy hiểm rình rập, nhất là những khi con nước lớn.
Anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, ngụ ấp Tân Bắc) cho hay mỗi ngày anh phải kéo xuồng qua đây ít nhất là bốn lần để đi làm, đưa đón con đi học. “Hôm rồi tôi mới bị lật xuồng và chìm giữa dòng nước. Tuy biết bơi nhưng tôi vẫn bị nước cuốn đi khá xa và bị mạn xuồng cứa đứt lòng bàn tay. Những hôm nước lớn, không chèo được xuồng thì tôi và nhiều người khác phải chạy lên tận đầu dòng, cởi hết đồ rồi bơi qua sông”.
Ông Nguyễn Văn Tuệ (42 tuổi) kể: cách đây 20 ngày, có một nhóm gồm 2 người lớn và 4 học sinh cũng đi xuồng qua sông. Do không biết lái nên khi xuồng ra giữa dòng thì bị nước cuốn lật úp. Nghe đứa trẻ la hét, tôi chạy ra rồi nhảy vội xuống sông “vơ” được 3 đứa kéo lên bờ. Người dân gần đó cũng nhảy xuống cứu những người còn lại. Toàn bộ đồ đạc, sách vở của mấy em học sinh bị nước cuốn sạch”.
Thiệt thòi đủ bề
Bà Hoàng Thị Lực (49 tuổi), nhà cạnh cây cầu sập bỗng nhiên trở thành “bà lái đò” bất đắc dĩ cho cả xóm. Từ khi cầu sập, hằng ngày bà Lực phải đu dây thừng lái xuồng đưa mọi người qua sông. “Người ta cứ tới ngồi ở hai bên bờ rồi gọi tôi chở qua sông, một ngày tôi phải chở hàng chục chuyến. Có hôm tôi đi vắng, ở nhà có mấy người không chèo quen lấy xuồng đi qua thì bị lật, xuồng thì chìm, còn người uống no nước nước suýt chết đuối”.
Không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống mà việc không có cầu đi lại thuận tiện còn tác động lớn đến việc sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân. Đường đi lại khó khăn, không đảm bảo giờ giấc nên nhiều công nhân đành phải bỏ việc ở nhà máy, xí nghiệp. Người hai bên sông chủ yếu chăn nuôi heo, cá và làm rẫy. Nông sản làm ra nhưng đường đi bị hạn chế nên bị thương lái ép giá. Nay cầu sập, thương lái lại được dịp chèn ép, việc tiêu thụ nông sản càng khó khăn gấp bội.
“Lợn, cá xuất bán phải đưa đi xa mới cân được nên thương lái lấy cớ ép giá xuống thấp, người nuôi chúng tôi bị thiệt đủ đường”, bà Lực than thở.
Trao đổi với Thanh Niên Online, ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết: “Ngay khi cầu sập, chúng tôi đã tới hiện trường ghi nhận sự việc, chụp ảnh làm báo cáo, đề xuất gửi cho huyện. Do năm nay nước lớn nên cầu bị sập, ảnh hưởng lớn đến việc đi lại, làm ăn của người dân, công nhân và học sinh. Việc đi lại của bà con rất nguy hiểm nên chúng tôi đã yêu cầu bà con trong khi chờ cơ quan chức năng giải quyết thì không được đi qua sông”.
Ông Vương Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND huyện Trảng Bom cho hay: “Việc cầu sập chúng tôi đã nắm được. Sáng nay tôi cũng đã có công văn gửi cho Phòng quản lý đô thị, Phòng kinh tế và Trung tâm dịch vụ hạ tầng công ích đi khảo sát, có văn bản tham mưu, báo cáo để huyện có phương án xử lý”.
Bình luận (0)