Du học sinh Việt đón Tết Nguyên đán ở đất nước ít dân hơn TP.HCM

21/01/2023 14:53 GMT+7

Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM. Trong khi bạn bè đổ xô đi Mỹ, đến Úc... du học, tôi lại lựa chọn đất nước Bulgaria nằm ở Đông Âu, dân số vẻn vẹn 7 triệu người, ít hơn cả TP.HCM.

Sang Bulgaria du học được một năm, trong một lần ăn bún ốc ở khu người Việt, tôi tình cờ gặp bác Tuyên, hội phó Hội người Việt tại Bulgaria, và được bác rủ đến đại sứ quán tham gia sự kiện mừng Tết Quý Mão 2023.

Ăn tết ở Đại sứ quán Việt Nam

Cộng đồng du học sinh Việt ở đây cũng rất ít ỏi. Năm đầu tôi sang, tôi chỉ biết 4 người bạn Việt Nam, đều học chung trường. Chính vì vậy, với lời mời đến đại sứ quán tham gia sự kiện mừng Tết Nguyên đán của bác Tuyên, tôi đồng ý ngay.

Tiết mục múa lân tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bulgaria tối 15.1

ngân hồ

Tôi từng lên mạng tìm hiểu và được biết cộng đồng người Việt tại Bulgaria có khoảng vài nghìn người. Họ từng là các công nhân sang Bulgaria vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước theo chương trình hợp tác lao động. Một số ít là du học sinh trường y (trường y ở Bulgaria thuộc dạng tốt ở châu Âu, không chỉ sinh viên Việt mà rất nhiều nước lân cận đều đến đây học tập).

Tại sự kiện mừng Tết Nguyên đán, lần đầu tiên tôi cảm nhận sự đông vui và khắng khít của cộng đồng. Khoảng hơn 300 người Việt từ khắp các thành phố ở Bulgaria đến dự tiệc tại Đại sứ quán ở thủ đô Sofia.

Các món ăn truyền thống tại sự kiện

ngân hồ

Sự kiện mừng Tết Nguyên đán có các tiết mục múa lân, đốt pháo, văn nghệ, thậm chí các trò chơi dân gian như nhảy sạp, bầu cua, thảy vòng. Mọi người ai cũng nồng ấm, tay bắt mặt mừng vì một năm chỉ có một, hai lần được tề tựu đông đủ như vậy. Tất cả tạo nên một Việt Nam nho nhỏ, náo nhiệt giữa lòng thủ đô Sofia.

Cuộc sống du học ở Bulgaria

Tôi đến Bulgaria vào tháng 1.2022, sau một năm học trực tuyến. Dù đã chuẩn bị tâm lý rất kỹ nhưng những khác biệt về ngôn ngữ, văn hoá và lối sống vẫn khiến tôi chật vật trong quá trình thích nghi. Với tôi, cú sốc lớn nhất chính là thức ăn. Sang đây, tôi mới biết mình bị hội chứng không dung nạp lactose khiến cơ thể dị ứng khi ăn phô mai, kem và uống sữa, đều là thực phẩm chính ở châu Âu.

Tác giả (bìa trái) từng gặp nhiều khó khăn khi lần đầu đến với đất nước dân số ít hơn TP.HCM

ngân hồ

Trường tôi nằm ở một thị trấn hẻo lánh mang tên Blagoevgrad, cách thủ đô một tiếng rưỡi đi xe khách. Lớn lên trong sự ồn ã náo nhiệt của Sài Gòn, thời gian đầu tôi đã không chịu được khi phải sống ở một nơi yên ắng, hiu quạnh. Người dân ít ai nói được tiếng Anh nên ngoài việc đến lớp hay đi siêu thị, tôi hầu như không đi đâu. Từ một người hoạt náo, luôn đi đó đi đây, tôi thu mình lại, thường xuyên tự vấn bản thân về lựa chọn của mình.

May mắn là sau một năm làm quen, tôi đã phần nào thích nghi được với cuộc sống nơi đây. Nhờ chịu khó săn lùng, tôi đã tìm được một vài nhà hàng Việt Nam ở Sofia và thường xuyên ghé ủng hộ. Tôi cũng gặp được những người bạn hợp gu nói chuyện. Hơn hết, tôi đã kết nối được với bác Tuyên và cộng đồng người Việt Nam tại Bulgaria và đã có một buổi tối ăn tết rất vui tại Đại sứ quán.

Tết Nguyên đán năm nay cận Giáng sinh và tết Tây nên mặc dù người Bulgaria không ăn tết nhưng không khí mùa lễ hội vẫn còn vương vấn khắp tháng 1. Ở những khu có nhiều người Á Đông như khu người Việt, người Hoa, những câu đối chúc mừng năm mới màu đỏ rực được treo đầy khắp cửa.

Quán ăn nho nhỏ nơi tôi gặp bác Tuyên còn nghỉ hẳn một tuần để nấu bánh chưng và bán theo đơn đặt hàng của cộng đồng người Việt. Trường tôi rất ít học sinh châu Á nhưng những bạn đến từ các nước có tổ chức tết như Mông Cổ, Hàn Quốc và Việt Nam đều í ới chúc nhau “Năm mới vui vẻ” khiến tiết trời tháng 1 lạnh giá bỗng trở nên ấm áp.

Đến nay, thủ đô Sofia, Bulgaria vẫn còn vương lại không khí lễ hội

Ngân Hồ

Tất nhiên, cuộc sống của tôi vẫn không thể nào tiện lợi bằng những người bạn du học Mỹ, Canada, Úc. Nhưng lựa chọn nào cũng có mặt lợi và hại. Lựa chọn du học ở một đất nước không phổ biến, không có thông tin có sẵn, tôi phải tự tìm hiểu và làm mọi thứ từ A-Z. Nhưng khi nhìn lại, tôi cảm thấy mình trưởng thành hơn hẳn, kỹ năng giải quyết vấn đề cũng cải thiện rõ rệt. Tôi tin rằng những trải nghiệm này chính là những bức tranh khiến trang sách tuổi trẻ của tôi thêm màu sắc và thú vị.

Nhân đây, tôi cũng xin chúc các bạn du học sinh, đặc biệt là du học sinh ở châu Âu, một cái tết xa nhà thật giàu tình thương.

Ngân Hồ (21 tuổi) là phóng viên chuyên viết cho giới trẻ, mảng phát triển bản thân. Cô hiện theo học ngành Báo chí và truyền thông đại chúng, Đại học Mỹ ở Bulgaria (thành phố Blagoevgrad, Bulgaria).

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.