Báo Asahi Shimbun ngày 1.12 đưa tin nhiều du học sinh Việt đang tình nguyện phối hợp với cảnh sát tại tỉnh Saitama (Nhật Bản) xác định những nội dung liên quan tội phạm, được đăng trên các trang mạng xã hội và dùng tiếng lóng để tránh gây chú ý.
Theo các cơ quan thực thi pháp luật, đây là sáng kiến đầu tiên theo hình thức này được thực hiện tại Nhật. Chương trình đã dẫn đến việc đưa ra cảnh báo đối với hơn 100 bài đăng, nhiều bài trong số đó sau đó đã bị gỡ xuống.
"Tôi muốn giúp giảm tội phạm thông qua hoạt động này", theo thành viên tên V.T.Hien trong nhóm Tình nguyện viên An ninh mạng của cư dân nước ngoài (FRCV).
Trong giờ giải lao tại Học viện Tokyo Nichigo ở Saitama, Hien và L.T.Na (đều 19 tuổi) thường tranh thủ làm công việc tình nguyện này. Họ tìm những từ khóa thường được dùng trong những hoạt động bất hợp pháp trên các nhóm Facebook thường được nhiều người Việt ở Nhật sử dụng.
Theo cảnh sát, nhiều nội dung đăng trên mạng xã hội dùng tiếng lóng hoặc viết tắt để qua mặt cơ quan chức năng Nhật. Một số nội dung đăng từ "m.u.a" thay cho "mua", trong khi một số khác viết "blx" thay vì "bằng lái xe".
Có khoảng 40.000 người Việt sống tại Saitama và đây là cộng đồng người nước ngoài lớn thứ 2 tại đây sau cộng đồng người Hoa.
Cảnh sát đã phát hiện một số người trao đổi thông tin trên mạng xã hội về việc bán tài khoản ngân hàng, giao dịch ma túy và việc làm bất hợp pháp. Cảnh sát cho biết các từ viết tắt và tiếng lóng trên internet khiến các biên dịch viên tiếng Nhật khó phát hiện các bài đăng liên quan tội phạm.
Vì lý do đó, họ đã tuyển dụng người giúp đỡ tuần tra mạng từ các trường ngôn ngữ và trường dạy nghề tại tỉnh mà người Việt theo học. Khoảng 20 học viên và nhân viên nói tiếng Việt từ 3 tổ chức đã tham gia FRCV.
Trong giai đoạn thử nghiệm kéo dài một năm bắt đầu vào tháng 7 năm ngoái, cảnh sát đã đưa ra cảnh cáo đối với 97 bài đăng, dẫn đến việc xóa hoặc đình chỉ 75 bài đăng trong số đó. Cảnh sát cho biết họ có thể bắt giữ người đăng nội dung vi phạm.
Cảnh sát Saitama cũng nói đang cân nhắc mở rộng sáng kiến này lên các mạng xã hội khác và những ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt.
Bình luận (0)