Kinh tế đêm - vì sao thắp mãi chưa 'sáng'?:

Du khách không có chỗ tiêu tiền?

05/05/2023 06:35 GMT+7

Một sản phẩm du lịch ban đêm thành công có thể trở thành đòn bẩy thúc đẩy kinh tế của toàn địa phương. Thế nhưng, không phải cứ sáng đèn là "đánh thức" được kinh tế đêm. Muốn du khách tự nguyện rút những đồng trong hầu bao thì cần có hệ thống dịch vụ, sản phẩm hấp dẫn.

Mua sắm chưa được chú trọng

Sau nhiều năm chỉ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch trong khoảng thời gian từ 7 - 17 giờ, ngành du lịch VN được ví như "ống máng trượt": khách đến nhiều nhưng không quay lại, không chi tiêu nhiều, không thẩm thấu được vào nền kinh tế của địa phương.

Du khách không có chỗ tiêu tiền? - Ảnh 1.

VN đang rất thiếu những tổ hợp vui chơi đáp ứng nhu cầu giết thời gian và tiêu tiền của du khách

ĐÀO NGỌC THẠCH

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG), người được mệnh danh là "vua hàng hiệu" và có tham vọng mở các trung tâm mua sắm lớn, các cửa hàng miễn thuế dưới phố cho du khách, nhận xét: dù có quyết tâm nhưng đến nay, khái niệm "kinh tế đêm" trong chiến lược phát triển du lịch tại VN vẫn chưa được định nghĩa một cách thấu đáo. Hiện nay, kinh tế đêm mới chỉ được hiểu đơn giản là ăn và chơi. Các hoạt động giải trí buổi tối bị bó hẹp trong không gian phố đi bộ, chợ đêm hoặc vũ trường. Trong khi đó, "chìa khóa" hút khách quốc tế đến tiêu tiền nằm ở phần mua sắm lại chưa được chú trọng. Tại các khu chợ đêm, khu phố đi bộ chỉ bày bán lẻ tẻ những món đồ tạp nham, chủ yếu xuất xứ từ Trung Quốc, không có những địa điểm mua sắm phù hợp để du khách tiêu tiền.

Dẫn chứng các quốc gia có nền du lịch phát triển, ông Johnathan Hạnh Nguyễn phân tích: Singapore được mệnh danh là thiên đường mua sắm với các trung tâm quy mô lớn. Các cửa hàng miễn thuế dưới phố tập trung trên nhiều cung đường chính như đường Orchard. Với số lượng lớn trung tâm mua sắm, sự thuận lợi trong việc hoàn thuế giá trị gia tăng (VAT), họ đã hút được lượng lớn du khách tới với mục đích du lịch mua sắm là chính. Ngoài ra, với vị thế là một trung tâm tài chính quốc tế, họ còn tổ chức các hoạt động về du lịch kết hợp công việc thông qua xây dựng các khu phức hợp gồm cả trung tâm hội nghị, khách sạn cao cấp giải trí, casino... Kết quả, mặc dù Singapore có diện tích chỉ bằng đảo Phú Quốc của VN, nhưng số lượng khách quốc tế đến và tổng chi tiêu trung bình của 1 du khách tại nước này vượt rất nhiều so với VN.

Tương tự, Thái Lan có nét tương đồng về điều kiện thiên nhiên với VN nhưng luôn vượt du lịch VN khoảng cách khá xa nhờ chiến lược tập trung cải thiện các loại hình dịch vụ, sản phẩm, nâng cao các trải nghiệm cho du khách. Du lịch mua sắm của Thái Lan trải dài từ trung tâm thương mại trung cấp, cao cấp, các factory outlet hàng hiệu bán hàng qua mùa, tới cửa hàng miễn thuế dưới phố. Bên cạnh đó, mô hình ẩm thực đường phố, chợ vải, chợ thời trang... đáp ứng mọi nhu cầu mua sắm của du khách.

Du khách không có chỗ tiêu tiền? - Ảnh 2.

Một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, ăn uống và mua sắm

NHẬT THỊNH

"Đảo Hải Nam (Trung Quốc) có các trung tâm mua sắm miễn thuế lớn nhất thế giới, quy tụ khoảng 800 thương hiệu. Với các chính sách được chính phủ Trung Quốc phê duyệt, các khu thương mại miễn thuế được phân bổ gần như khắp các địa điểm du lịch trên đảo. Năm 2020, hòn đảo này chỉ đón 200.000 khách quốc tế. Số lượng du khách nội địa giảm từ 81,6 triệu xuống 64,3 triệu do áp dụng chính sách "zero Covid". Song, nhờ chính sách tăng hạn ngạch mua sắm miễn thuế đối với du khách trong nước, doanh thu du lịch và doanh thu miễn thuế tăng 30% so với năm trước đại dịch. Đồng thời, GDP của Hải Nam tăng 4,2% và gấp 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc là 2,3%", ông Johnathan Hạnh Nguyễn dẫn chứng.

 "Nhìn vào các ví dụ trên, có thể thấy không có mua sắm thì đừng mong phát triển du lịch và kinh tế đêm. Khách đến Nhật muốn mua hàng nội địa Nhật, sang Thái Lan muốn tìm mua đồ Thái, tới Hàn Quốc là "lao" đến các khu mua sắm đồ nội địa Hàn, nhưng không ai tới VN tìm mua đồ Việt cả. Chúng ta cần đầu tư, phát triển những mặt hàng lưu niệm tại địa phương, hàng hóa nội địa được cam kết chất lượng để thúc đẩy xuất khẩu tại chỗ. Song, hàng hiệu mới là "trận địa" chúng ta còn nhiều dư địa. Chúng tôi đã đàm phán được với các nhà cung cấp để đạt được mức giá bán bằng giá tại Pháp, tại Singapore và thấp hơn ở Trung Quốc dù bán lẻ và phải chịu thuế. Nếu được tạo điều kiện để hình thành những khu factory outlet, cửa hàng miễn thuế dưới phố thì VN sẽ là thỏi nam châm hút khách quốc tế tới tiêu tiền", ông nhấn mạnh.

Vui chơi, ăn uống, mua sắm = kinh tế đêm

Năm 2022, sau khi chính thức mở cửa du lịch hậu Covid-19, các tỉnh, thành như Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Thuận và TP.HCM đề xuất được thí điểm mô hình casino theo nhiều hình thức mới.

TS Lương Hoài Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch VN (TAB), nhận định khi muốn phát triển thương mại - dịch vụ thì sòng bài và các quần thể casino là vũ khí quan trọng. Ngay cả một số quốc gia có quan điểm "bảo thủ" như Thái Lan cũng đang nghiên cứu khả năng cấp phép các casino để tăng sức cạnh tranh cho du lịch. Bởi từ lâu casino đã được nhận định là "cỗ máy in tiền" đối với kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Với ngành du lịch, phải xác định dịch vụ, thương mại là sản phẩm mũi nhọn. Chỉ có hệ thống dịch vụ mới có thể thẩm thấu vào người dân, thúc đẩy các ngành nghề cùng phát triển theo du lịch. Theo ông Nam, nhắc đến casino, người ta thường chỉ nghĩ tới sòng bài và gắn cho nó những cái nhìn tiêu cực. 

Tuy nhiên, cần phân biệt rõ cụm casino bao gồm rất nhiều dịch vụ. Đơn cử, Marina Bay và Sentosa của Singapore chỉ có một phần diện tích rất nhỏ là sòng bài, còn lại là khách sạn, văn phòng cho thuê, khu mua sắm, dịch vụ giải trí, điện ảnh, âm nhạc... Đây là một cụm tổ hợp dịch vụ vui chơi, giải trí vô cùng đa dạng, tạo ra sức hút rất lớn và doanh thu "khủng". VN đang rất thiếu những nơi như vậy để đáp ứng nhu cầu giết thời gian và tiêu tiền của du khách một cách an toàn, văn minh.

PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, phân tích Singapore thời điểm hơn 10 năm trước cũng đang "chập chờn" trên con đường thúc đẩy kinh tế đêm. Tới khi quyết tâm làm 2 tổ hợp Marina Bay và Sentosa thì 2 khu phức hợp này đã chiếm gần 50% doanh thu ngành du lịch của đảo quốc sư tử. 

Theo ông Lương, một mô hình kinh tế đêm cần đáp ứng đầy đủ 3 cấu phần: vui chơi, ăn uống và mua sắm. Khu phức hợp kinh tế đêm sẽ bao gồm cả thiên đường ẩm thực; không gian vui chơi giải trí không chỉ có đánh bạc mà còn có thể mời các nghệ sĩ, người nổi tiếng thế giới tới tổ chức những show diễn nghệ thuật đẳng cấp, áp dụng kỹ xảo, công nghệ…; và khu mua sắm có thể bán hàng lưu niệm, hàng truyền thống VN hay các khu outlet, hàng hiệu, hàng miễn thuế được đảm bảo chất lượng, có kiểm soát. Khu vực kinh tế đêm phải được quy hoạch riêng, xa khu dân cư để có thể hoạt động náo nhiệt 24/24 mà không ảnh hưởng tới đời sống người dân.

"Cần mở chính sách cho các địa phương xây dựng các khu phức hợp giải trí như casino, các khu mua sắm miễn thuế, rồi chính sách hoàn thuế cho du khách... Sau đó, bổ sung vào quy hoạch chung xây dựng đô thị phân khu đặc biệt "kinh tế đêm" khá biệt lập với các khu dân cư tập trung, nơi tổ chức cung cấp các dịch vụ được xem là "nhạy cảm" hoặc gây ra âm thanh, ánh sáng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc sống về đêm của cộng đồng", PGS-TS Phạm Trung Lương đề xuất.

Để "móc" hầu bao du khách, cần hình thành những khu phức hợp vui chơi giải trí "không biết ngày hay đêm" như Marina Bay, Sentosa của Singapore hay Las Vegas (Mỹ). Từ đó, hình thành hệ thống sản phẩm xuyên suốt theo mô hình: du khách tham quan, đi tour vào ban ngày, tới khu mua sắm hàng hiệu vào chiều và tối cho đến 22 giờ đêm thì tiếp tục tới casino để tiêu nốt những đồng cuối cùng trong túi.

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.