|
Vậy là sau ca trù, hát xẩm, hát văn... đã có thêm một loại hình âm nhạc dân tộc khác “sống” cùng công chúng ở chợ Đồng Xuân vào 20g thứ bảy hằng tuần.
“Khiếp! Hát ru á? Buồn ngủ lắm, ai mà chịu được”, một cô gái nhăn nhó khi vào “tối thứ bảy máu chảy về tim” mà bạn trai lại hẹn hò ra trước sân khấu âm nhạc dân gian xem các nghệ sĩ thuộc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN biểu diễn. “Đang chọn cái vỏ điện thoại thì nghe thấy giai điệu rất quen nhưng giọng hát lạ lắm, em phải kéo bạn gái đi xem là cái gì!”, Rơ Mah Hùng (20 tuổi, Gia Lai) giải thích với người viết khi được hỏi.
Trên sân khấu, MC giới thiệu tiết mục của “ca sĩ Kim Phượng” trước khi bài hát Lời ru trên nương (nhạc sĩ Trần Hoàn) vang lên: “Các anh cầm súng với các chị cầm chông, A Kay ơi! Mẹ đưa A Kay ta quyết giành cuộc sống...”. Chất giọng trong veo của “ca sĩ Kim Phượng” đã thu hút bạn trẻ người Gia Lai - một bác sĩ khoa sản cùng tên Kim Phượng.
Biết mình “làm dâu trăm họ”, nhóm nghệ sĩ cố gắng đưa ra nhiều thể loại hát ru, tìm những giọng ca mới, đầu tư về phục trang, dàn dựng. Cũng trong hơn một giờ, khán giả có thể được nghe điệu ru hời trong quan họ Bắc Ninh hay hát giai - hát ru trong ca trù về thân phận oan khuất của Thị Kính, thậm chí là ru ún “song ngữ” tiếng Mường - tiếng Việt với nhạc đệm nguyên gốc: ống ôi (loại nhạc cụ được người Mường hết sức tôn kính). Giai điệu khi tươi tắn, khi da diết càng gây tò mò, chú ý cho khách mỏi chân dạo chợ đêm có chỗ để dừng bước.
Lại nhớ vào tháng 5-2012, một liên hoan hát ru được tổ chức tại một xã nghèo vùng xa của Quảng Trị (“Hát ru...trở lại từ 3 triệu đồng”, Tuổi Trẻ ngày 14-5) nhưng rất đông dân tới xem. Với chợ đêm Hà Nội cũng vậy, cảnh tượng mỗi tối thứ bảy thuyết phục hơn mọi lý giải về chuyên môn: trời thoắt mưa thoắt tạnh, tây, ta, già trẻ vẫn ngồi đông đủ ngóng lên sân khấu. Có khán giả như cụ Nguyễn Thị Phộng, nhà xa nhưng tuần nào cũng bắt taxi từ Mai Động để tới “cuộc hẹn tối thứ bảy” tại sân khấu chợ Đồng Xuân.
“Mẹ hát ru dụ cho trẻ ngủ, còn bây giờ chúng tôi dụ cho khán giả thích”, nhạc sĩ Thao Giang phấn chấn trước lượng khán giả đông. “Chúng ta đánh giá nhầm về nhu cầu của người dân, kể cả thanh niên. Năm 2008 chúng tôi phát động trình diễn hát xẩm miễn phí ở đây, tưởng chỉ có cựu chiến binh, các cô chú về hưu đến nghe. Lúc đầu người ta cũng bảo hát xẩm là thứ “lang thang”, nghe làm gì. Sau này càng diễn càng đông, hóa ra cả thanh niên đầu trọc, quần hộp cũng tới”.
Còn bây giờ, với “món” hát ru, có những khán giả như bạn Đồng Huyền Trang (27 tuổi) dù chưa làm mẹ, chưa có cả người yêu vẫn đến nghe và ghi âm bằng điện thoại di động.
Chuẩn bị một hội thảo về hát ru
Cầm kịch bản đứng ở góc sân khấu, phó giám đốc Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN Thao Giang say sưa chia sẻ: “Hiếm có thể loại nhạc dân gian nào có thể đan cài, kết hợp với tất cả những loại hình còn lại như hát ru. Người Tây ru con bằng nhạc không lời, “thính giả” duy nhất là đứa trẻ mà không phải cộng đồng xã hội như mình. Còn Việt Nam có mẹ ru con, chị ru em, bà ru cháu và Trịnh Công Sơn còn ru tình! Lời hát ru không chỉ dành cho trẻ nhỏ, còn là hát ru tình đời, tình người, khúc ru giao duyên, khát vọng hạnh phúc, hát ru tình trắc ẩn...”. Theo nhạc sĩ Thao Giang, một trong những hoạt động tôn vinh hát ru là liên hoan hát ru toàn quốc, nhưng gần đây nhất diễn ra từ... năm 2004. Điểm chung của các liên hoan là tính dàn trải, co cụm, dễ gây cảm giác mệt mỏi cho người nghe. Nhận thấy khán giả có phản ứng tích cực với những buổi biểu diễn bình dân ở khu chợ, Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc VN hiện đang gấp rút chuẩn bị tổ chức một cuộc hội thảo về hát ru, song song với trình diễn vào tháng 9 này. “Nếu đủ điều kiện và được ủng hộ, chúng tôi rất mong được tôn vinh những nghệ sĩ từng hát ru hay nhất cũng như mời được những người rất tâm huyết về nghệ thuật hát ru tham gia: giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhạc sĩ Lê Giang, tiến sĩ - nhà giáo nhân dân Phạm Minh Khang...”, nhạc sĩ hi vọng. |
Theo Nga Linh / Tuổi Trẻ
>> Gieo tình thương bằng lời hát ru
Bình luận (0)