GS Trần Văn Khê cho rằng trong thai kỳ, nếu biết ứng dụng lối hát ru, cha mẹ sẽ truyền tải, tạo dựng tình yêu thương khắng khít với con; gieo khả năng cảm nhận nghệ thuật, nhất là âm nhạc.
Hát ru là một trong những cách giúp trẻ yêu cha mẹ, quê hương, những điều gần gũi xung quanh - Ảnh: Shutterstock
|
Theo GS Khê, các nghiên cứu ở Tây Ban Nha cho thấy âm nhạc cổ điển, giao hưởng có tác dụng rất tốt. Cùng một loài hoa, trồng ở 2 khu cùng không khí, gió, tiết trời… Nhưng tại khu có nhạc cổ điển, giao hưởng, hoa sẽ ra tươi tốt và trổ hướng về nơi phát tiếng nhạc. Ngược lại, ở không gian phát nhạc mạnh, hoa không nở hoặc có nở thì rất cằn cỗi và quay đầu ngược lại với hướng phát nhạc. Ở động vật, người ta đặt 2 con bò sữa trong cùng môi trường. Con bò sữa thường ngày tiếp xúc với tiếng nhạc nhẹ, cổ điển sẽ cho nhiều sữa, thịt ngon. Ngược lại, bò chịu ảnh hưởng của nhạc giật, nhạc mạnh sẽ cho thịt không ngon, tắt sữa…
GS Trần Văn Khê cho rằng âm nhạc cổ điển, giao hưởng rất tốt cho thai nhi, giúp con phát triển trí thông minh, tư duy tốt… Nhưng chính lời hát ru của cha mẹ mới tạo được tình yêu thương khắng khít, tạo nền móng cho năng khiếu nghệ thuật của con sau này. “Có rất nhiều nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, thuở sơ thai, thiếu thời đã từng được sống trong cái nôi lời ru của mẹ, Tố Hữu là một điển hình”, GS Trần Văn Khê dẫn chứng. Cha mẹ có thể chọn lọc những lối dân ca hò vè khác nhau nhưng cần chú ý nội dung. “Hãy chọn câu hát ru có ý nghĩa như Công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra hơn là Gió đưa bụi chuối sau hè, anh mê vợ bé, bỏ bè con thơ; Trời mưa bóng bóng phập phồng, mẹ đi lấy chồng con ở với ai…, GS Khê lưu ý.
Cũng liên quan đến thai giáo, tại buổi nói chuyện chuyên đề “Làm mẹ - thiên chức tuyệt vời” vừa được Hội quán Các bà mẹ tổ chức tại TP.HCM, bác sĩ Huỳnh Thị Trong - Trưởng khoa Sản Bệnh viện An Sinh (TP.HCM) - cho biết: “Cha mẹ thường nghĩ thai nhi chưa biết gì. Đây là ý nghĩ sai lầm. Thực chất sinh linh đã cảm nhận được lúc mẹ đói, lúc mẹ cáu gắt, giận hờn. Vì vậy, trong giai đoạn này, nếu áp dụng phương pháp giáo dục tốt (vuốt ve, trìu mến, hát ru, nói chuyện cùng con…), đứa bé sinh ra sẽ đạt nhiều ưu điểm về tính tình cũng như khả năng tư duy sáng tạo, biết vâng lời, có tình cảm khắng khít với cha mẹ”.
GS Trần Văn Khê tâm tình: “Hơn 20 năm rồi tôi không ngớt băn khoăn vì thấy tiếng hát ru đã tắt trên môi các bà mẹ Việt Nam. Trước kia, cùng với dòng sữa ấm mẹ truyền sức sống vào cơ thể của con còn có nét nhạc, bài thơ dân gian rót vào tiềm thức của em bé qua lời ru dịu dàng của mẹ. Bài học giáo dục âm nhạc đầu tiên đó được ghi vào bộ nhớ của các em để khi khôn lớn nên người, tình yêu thương mẹ sẽ gắn liền với tình yêu thi ca âm nhạc dân gian… Chúng ta đều biết rằng, chức năng và mục đích của hát ru là để giúp đứa bé đi vào giấc ngủ êm ái, nhẹ nhàng, dịu dàng… chứ không phải nghe chơi hay giải trí hay thưởng thức nghệ thuật”. Chính vì vậy, GS Khê nhận định: “Việc ru con bằng những lời ca gần gũi với cuộc sống sẽ làm cho trẻ em yêu cha mẹ, yêu quê hương, yêu những điều gần gũi quanh mình”.
Cách hát ru Hát ru thường qua ba giai đoạn. Trong gian đoạn đầu, em bé buồn ngủ hay khóc to. Mẹ, chị hay bà ôm sát em bé dỗ dành: “Ngủ đi con”, kèm lời hát ru hơi gấp gáp. Giai đoạn thứ hai là bé nín, chữ “ầu ơ” giãn dần ra, hơi vừa giọng, thong thả, khoan thai, chiếc võng đưa cũng nhẹ nhàng, chậm dần theo tiết tấu lời ru. Và khi đứa bé ngủ say rồi, trong giai đoạn thứ ba, người ru lại kể chuyện tâm tình. Nét nhạc có thể lên bổng xuống trầm, lúc đó người hát ru có thể không hát ru cho em bé mà hát ru cho chính mình. |
Minh Luân
>> Mẹ “máy móc” ru con
>> Cánh võng và lời ru của mẹ
>> Bài tham dự cuộc thi viết "Dành tặng mẹ yêu": Thư gửi mẹ
>> Con bướng bỉnh, cha mẹ thất kinh
>> Dạy trẻ không bằng roi vọt
>> Học làm cha làm mẹ
>> Cưng quá hóa hư
>> Cha mẹ cần tiêm “văcxin” chống bạo lực cho con
>> Trẻ hỏi nhiều là “cá biệt”?
Bình luận (0)