Theo dự báo của Bộ Công thương, các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng giá khoảng 5 - 10% so với ngày thường và tăng khoảng 4 - 5% so với cùng kỳ năm trước.
Năm 2016, mặt bằng giá hàng hóa chịu ảnh hưởng chủ yếu ở các nhóm hàng do nhà nước quản lý (như phí dịch vụ y tế, giáo dục tăng giá theo lộ trình), các nhóm hàng hóa thiết yếu khác không tăng cao, chỉ một số mặt hàng như thực phẩm, đồ uống, hàng tết có tăng trong những giai đoạn lễ, tết và mưa lũ nhưng mức tăng không lớn. Trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn, lương thưởng tết không cao nên sức mua cũng khó gia tăng đột biến trong dịp tết. Dự kiến sức mua các mặt hàng trong dịp tết năm nay ước tăng khoảng 10 - 15% so với các tháng thường trong năm và tăng khoảng 8 - 10% so với tết năm trước. Để kích cầu mua sắm, các DN cũng có nhiều chương trình khuyến mãi nên mặt bằng giá hàng hóa sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, Bộ Công thương cũng nhận định các chương trình bình ổn thị trường chủ yếu được thực hiện ở các nhà bán lẻ lớn chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 25 - 30%, số còn lại chủ yếu qua kênh bán lẻ truyền thống nên giá hàng hóa thường có xu hướng tăng ở kênh này trong những ngày cận tết.
Báo cáo của Bộ Công thương cho biết, đến nay đã có 44/63 tỉnh, thành phố có báo cáo kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cuối năm và Tết Nguyên đán. Trong đó, 21 địa phương có kế hoạch hoặc đang thực hiện chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường. Các địa phương chủ trương thực hiện chương trình theo hướng kết nối doanh nghiệp với tổ chức tín dụng trên địa bàn hoặc hỗ trợ lãi suất vốn vay. Nhằm đẩy mạnh công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và cân đối cung cầu, Bộ Công thương phối hợp với Bộ NN-PTNT và các thành phố lớn đẩy mạnh hoạt động kết nối các sản phẩm sạch, an toàn, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp lễ tết.
Bình luận (0)