Dự kiến tháng 7.2023 TP.HCM có đủ thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Ngọc Lê
Ngọc Lê
08/06/2023 18:54 GMT+7

Tại cuộc họp báo chiều 8.6, đại diện Sở Y tế TP.HCM đã thông tin về số thuốc dự trữ điều trị bệnh tay chân miệng tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM hiện nay.

Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hải Nam cho biết, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, hiện nay việc cung ứng một số loại thuốc đặc trị bệnh tay chân miệng nặng (Immunoglobulin, Phenobarbital) đang gặp khó khăn.

Sở Y tế TP.HCM: Dự kiến tháng 7.2023 sẽ có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hải Nam thông tin tại họp báo

NGUYỄN ANH

"Nguồn thuốc dự trữ hiện tại của bệnh viện đủ cho giai đoạn hiện nay nhưng sẽ gặp khó khăn nếu tình hình dịch bệnh gia tăng trong thời gian tới. Sau khi nhận thấy khó khăn từ phía các đơn vị, Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đề nghị hỗ trợ tìm nguồn cung ứng", ông Nam nói.

Theo ông Nam, ngày 5.6, Cục Quản lý dược có công văn hướng dẫn cung ứng thuốc phản ứng miễn dịch Immunoglobulin, Phenobarbital. Cụ thể, đối với thuốc Human normal immunoglobulin 100mg/ml do Công ty Zuellig Pharma Việt Nam nhập khẩu còn 2.344 hộp loại 250 ml/hộp và 215 hộp loại 50 ml/hộp. Dự kiến giữa tháng 8.2023, nhà sản xuất tiếp tục cung ứng cho Việt Nam 2.000 hộp loại 250 ml/hộp.

Thuốc Immunoglobulin được nhập khẩu bởi Công ty TNHH thương mại dược phẩm Duy Anh, dự kiến đến cuối tháng 7.2023 nhà sản xuất sẽ cung cấp cho Việt Nam 5.000 - 6.000 lọ. Hiện số lượng Immunoglobulin tồn kho tại các bệnh viện ở TP.HCM là 1.371 lọ.

Đối với thuốc Phenobarbital, Cục Quản lý dược đã cấp phép cho Công ty cổ phần dược phẩm Trung ương CPC1 nhập khẩu thuốc Barbit chưa đăng ký lưu hành tại Việt Nam để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt. Theo báo cáo của công ty, đầu tháng 7.2023 sẽ có 21.000 ống thuốc Phenobarbital 200 mg/ml về Việt Nam.

Theo Phó chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, để đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho công tác điều trị, Sở Y tế TP.HCM đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo sẵn sàng cung ứng đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh. 

Đồng thời, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động liên hệ với đơn vị nhập khẩu để lập kế hoạch đặt hàng, mua sắm, dự trữ thuốc theo đúng quy định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.